“Ngân hàng đi bán cá” và chuyện xử lý nợ xấu của SHB
Hoạt động sản xuất của Bianfishco đã được khôi phục |
Nước cờ “cân não”
5h00 sáng tại cảng cá của Bianfishco, từng thùng cá tra từ ghe đặt lên băng chuyền rồi chạy thẳng vào Nhà máy Thuỷ sản Bình An (Bianfishco) để chế biến xuất khẩu. Nhiều tháng nay, tháng nào hộ nuôi cá của bà Lê Thị Thanh Vân ở cồn Tân Lộc, Thốt Nốt, TP. Cần Thơ cũng bán 200 tấn cá nguyên liệu cho công ty Bình An, thu về hơn 4 tỷ đồng.
Khó hình dung rằng, 3 năm trước, người phụ nữ này từng một mực quyết không bao giờ làm ăn với Bình An. Đó là khi công ty thủy sản này trên bờ vực phá sản, không trả nổi bà món nợ hơn 25 tỷ đồng tiền bán cá. Nói về thời kỳ khó khăn, bà Vân cho biết, lúc đó gia đình tôi khổ lắm, tương lai mù mịt ở phía trước, chồng thì ngày nào cũng đi xuống dưới nhà máy để đòi nợ, còn tôi thì đi lánh nợ chứ đâu có dám ở nhà. “Nhiều người đến đòi nợ tiền thức ăn, cá giống… lúc đó cả gia đình tôi gần như tuyệt vọng, đi vào ngõ cụt”, bà Vân rớm nước mắt nói.
Nhớ lại thời điểm trước, Bianfishco đầu tư dàn trải không đúng mục đích, lãng phí dẫn đến thua lỗ trầm trọng. Nợ phải trả đến 31/8/2012 là gần 2.300 tỷ đồng trong đó nợ các TCTD là 1.216 tỷ đồng, nợ nông dân tiền bán cá 265 tỷ đồng gây bức xúc và căng thẳng trong xã hội tại Cần Thơ. Việc Bianfishco phá sản chỉ tính từng ngày. Nhà máy dừng hoạt động, hàng nghìn công nhân mất việc và hàng chục nghìn lao động gián tiếp là người nông dân nuôi cá, sản xuất thức ăn chăn nuôi bị ảnh hưởng. Nông dân biểu tình kéo dài ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại Cần Thơ. 7 ngân hàng đã cho Bianfishco vay đứng trước nguy cơ mất hoàn toàn vốn. Không chỉ vậy, là một trong 5 DN thủy sản lớn nhất của Việt Nam, Bình An phá sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu ngành cá tra nói riêng, thủy sản Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
Bà Lê Thị Thanh Vân, hộ nuôi cá ởcồn Tân Lộc,Thốt Nốt, TP. Cần Thơ phấn khởi tiếp thục giao thương với Bianfishco |
Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, tháng 8/2012, NHNN ban hành Quyết định 1559/QĐ-NHNN chấp thuận sáp nhập HBB vào SHB. Trước đó HBB và khách hàng của HBB có sở hữu cổ phần tại Bianfishco.
Mặc dù doanh nghiệp bi đát, nông dân ở đường cùng. Nhưng ban lãnh đạo của SHB khi đó vẫn thấy tiềm năng xuất khẩu và sự hồi phục của Bình An nếu được tái cơ cấu toàn diện lại. Tổng giám đốc SHB, Nguyễn Văn Lê cho rằng, cách cứu duy nhất lúc đó là trả nợ nông dân để khôi phục sản xuất. Và đó là câu chuyện ngân hàng cũng phải xắn tay đi bán cá, để xử lý món nợ xấu của ngân hàng mình.
Sau khi tiếp quản, SHB đã bắt tay vào triển khai hàng loạt đàm phán, thống nhất với các chủ nợ đồng thuận khoanh, giãn nợ và ủy quyền cho SHB làm đầu mối xử lý các vấn đề tồn tại của Bianfishco. Chủ tịch HĐQT Bianfishco, ông Mai Xuân Sơn cho biết, SHB thực hiện kiểm toán lại toàn bộ số liệu tài chính, tiến hành đối chiếu công nợ để xác định đúng thực trạng tài chính của DN, quyết liệt thu hồi những khoản đầu tư, công nợ phải thu; thực hiện các giải pháp nhằm giảm chi phí đầu vào, tìm nguồn vốn rẻ, thu xếp tài chính để nhà máy quay lại sản xuất, thanh lý các tài sản không còn giá trị sử dụng hoặc không phù hợp.
Bên cạnh đó, SHB tiến hành rà soát quy trình thu mua nguyên liệu, quy trình sản xuất, quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm; xây dựng định mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu nhằm giảm tối đa chi phí hạ giá thành sản phẩm, tiến hành cải tiến quy trình công nghệ; rà soát, sắp xếp lại lao động, tiến hành thanh toán bảo hiểm xã hội, đảm bảo người lao động yên tâm làm việc; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Đặc biệt, khi thực hiện tái cấu trúc hoạt động của Công ty, SHB đã thanh toán toàn bộ các khoản nợ của Công ty đối với người dân, từ đó góp phần rất lớn cho an ninh trật tự xã hội, đảm bảo đời sống cho nhiều người dân nuôi trồng thủy sản tại khu vực Cần Thơ và miền Tây Nam Bộ, ông Sơn nói.
Thoát khỏi “cửa tử”
Được trả nợ đầy đủ, tình trạng biểu tình, khiếu kiện đối với Bianfishco đã chấm dứt, người nông dân yên tâm tiếp tục bán cá cho Bianfishco, tạo nguồn nguyên liệu ổn định giúp Bianfishco dần khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. SHB cũng tiến hành thanh toán tiền bảo hiểm xã hội nợ đọng từ thời bà Diệu Hiền; tiến hành đăng ký đóng BHXH đối với CBNV hiện đang làm việc tại công ty, đảm bảo quyền lợi cho người lao động yên tâm làm việc.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo mới của Bianfishco - với sự góp sức cả nhân lực và tài chính từ SHB đã tích cực đàm phán, xử lý nợ cũ. Đến nay, Bianfishco đã được một số chủ nợ cũ là các DN, quỹ đầu tư nước ngoài và một số ngân hàng xóa lãi, giảm nợ gốc. Tổng số tiền được miễn, giảm là 191 tỷ đồng, trong đó miễn gốc 122,5 tỷ đồng, miễn lãi 68,5 tỷ đồng.
Nhờ đó đến nay hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty đã ổn định trở lại với sản lượng 50 – 70 tấn nguyên liệu/ngày, tạo được việc làm thường xuyên cho trên 1.000 công nhân; mức lương bình quân của công nhân trên 4 triệu đồng/tháng, lao động năng suất cao đạt gần 8 triệu đồng/tháng. Người lao động được tham gia đóng bảo hiểm xã hội; được bố trí ăn ca, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ. Công ty chẳng những đã khôi phục thị trường truyền thống mà còn mở rộng các thị trường mới: Trung Đông, Châu Á...
Bà Lê Thị Thanh Vân, hộ nuôi cá, Cồn Tân Lộc,Thốt Nốt, TP. Cần Thơ cho biết: “Khi công ty Bình An trả tiền cá cho gia đình tôi, mà tôi cứ ngỡ mình như đang mơ, lấy tiền xong tôi đứng bần thần một lúc, như người chết đuối vớ được cọc. Từ đó đến bây giờ 3 năm nay tôi vẫn bán cá cho Bình An, tôi lo sản xuất, công ty mua cá của tôi, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm luôn, tiền bạc thì đúng ngày, bây giờ tôi không còn lo nữa rồi”, Bà Vân cười sảng khoái bên băng chuyền đang chạy từng thùng cá vào nhà máy ở cảng cá của công ty Bình An.
Có thể khẳng định, việc tham gia tái cơ cấu Doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực tài chính, từ đó có nguồn trả nợ cho ngân hàng chính là một trong những biện pháp xử lý nợ xấu hiệu quả của SHB. Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê cho biết, trước khi nhận sáp nhập HBB, nợ xấu của SHB rất thấp, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ chỉ ở mức <2%. Sau khi nhận sáp nhập HBB, nợ xấu của SHB tăng lên 8,81% do tiếp nhận các khoản nợ xấu từ HBB chuyển sang.
Tuy nhiên, với các những giải pháp phù hợp và sự quyết tâm, đồng lòng đoàn kết nhất trí cao của ban lãnh đạo và nhân viên, SHB đã thành công trong việc đưa tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập xuống dưới 3%, dưới mức trung bình của toàn ngành. Tính đến 31/12/2015, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của SHB ở mức < 2%.
Nợ xấu được ví như những búi len rối, nhiều lúc không biết bắt đầu từ đâu. Câu chuyện về xử lý nợ xấu của SHB tại doanh nghiệp thủy sản Bình An là một trong những ví dụ thành công điển hình về các cách gỡ các búi nợ xấu của ngân hàng.