Ngân hàng đi đầu vào quỹ khởi nghiệp
SHB tài trợ 30 tỷ đồng cho Quỹ khởi nghiệp |
Giữa tháng 5/2016, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tại TP.HCM và Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) đã công bố ra mắt Quỹ đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TP.HCM (viết tắt là HSIF) với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng. Ba NHTM là SHB, OCB và HDBank lần đầu tiên tham gia vào quỹ này với tư cách thành viên đồng sáng lập.
Quỹ đầu tư chứ không cho vay
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (BSSC) – một đơn vị trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tại TP.HCM thông tin, Quỹ HSIF là một quỹ đầu tư mạo hiểm. Toàn bộ nguồn vốn của quỹ được huy động từ các nhà đầu tư là DN lớn và các NHTM. Sau khi thành lập, BSSC sẽ được giao nhiệm vụ quản lý và điều phối quỹ. Các đơn vị góp vốn khác như HFIC và các NHTM sẽ cử nhân sự phụ trách của mình, thành lập Hội đồng quản lý quỹ để thực hiện quy trình xét duyệt đầu tư.
Khi các NHTM tham gia đầu tư vào quỹ khởi nghiệp, các DN vừa nhận được vốn vừa được tư vấn chiến lược đầu tư |
Ngay sau khi thành lập, SHB đã công bố đầu tư vào quỹ 30 tỷ đồng, trong đó năm 2016 là 10 tỷ đồng. Các ngân hàng khác như OCB và HDBank cũng lần lượt cam kết bỏ vốn vào quỹ để đảm bảo đến năm 2017, tổng nguồn vốn của quỹ đạt 50 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt mức 100 tỷ đồng và sau đó tăng trưởng khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm.
Về cách thức đầu tư, bà Phi cho biết, điểm khác biệt của Quỹ HSIF so với Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (đã có sẵn, hình thành từ nguồn vốn ủy thác của thành phố) là quỹ sẽ không thực hiện theo mô hình cho vay tín chấp, ưu đãi lãi suất mà tiến hành đầu tư trực tiếp vào các DN khởi nghiệp sau khi thẩm định về khả năng phát triển của dự án.
Quỹ HSIF cũng sẽ không giới hạn lĩnh vực đầu tư như một số quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài đang thực hiện tại Việt Nam mà mở cửa tiếp nhận tất cả hồ sơ của các DN khởi nghiệp, miễn là các DN này có đội ngũ sáng lập tự tin và có dự án phát triển kinh doanh được đánh giá tốt. Điều kiện duy nhất để các DN tiếp cận vốn từ Quỹ HSIF là DN phải được đăng ký kinh doanh tại TP.HCM và có ít nhất một nhà sáng lập trẻ (tuổi đời dưới 35).
Ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc HFIC cho hay, trước mắt Quỹ HSIF sẽ ưu tiên xem xét đầu tư vào các DN hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ điện tử trên internet, mobile, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Ngoài ra, quỹ cũng nhắm đến các DN thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, DN ứng dụng các sáng chế có tính thực tiễn cao do các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên, của các trường đại học trên địa bàn TP.HCM khởi xướng.
Giá trị đầu tư của quỹ vào mỗi DN sẽ không giới hạn. Nếu dự án có quy mô vốn lớn hơn nguồn vốn mà quỹ đang có Hội đồng quản lý quỹ sẽ đưa ra phương án kết nối với một số đơn vị khác để có thêm vốn đầu tư vào DN.
Ngân hàng tự tin rót vốn
Lạc quan về khả năng sinh lợi của các DN khởi nghiệp, bà Đặng Tố Loan, Phó tổng giám đốc SHB cho rằng, khi có sự tham gia của các NHTM và các DN lớn đã có một lượng khách hàng ổn định thì các DN khởi nghiệp ngoài việc nhận được nguồn vốn tài trợ còn được tư vấn rất bài bản về cách thức đầu tư.
Sự am hiểu thị trường và thương hiệu của các chủ đầu tư (ngân hàng, DN lớn) sẽ giúp cho các DN khởi nghiệp nhận vốn nhanh chóng có được chỗ đứng trên thị trường. Việc tư vấn kỹ lưỡng từ các chủ đầu tư có nhiều kinh nghiệm cũng sẽ giúp các doanh nhân bắt đầu khởi nghiệp tính toán được chiến lược đầu tư phù hợp, giảm thiểu rủi ro.
Đồng quan điểm, ông Đinh Quang Đức, Phó tổng giám đốc OCB cho rằng, việc rót vốn đầu tư vào Quỹ HSIF cũng gần tương tự như hoạt động đầu tư chứng khoán. Các chủ đầu tư có kinh nghiệm như các DN lớn, các NHTM sẽ tìm hiểu, đánh giá DN khởi nghiệp kỹ lưỡng trước khi quyết định rót vốn. Vì quỹ đầu tư trực tiếp chứ không phải cho vay nên mức độ rủi ro có thể lớn, nhưng bù lại nếu phát triển thành công một số mô hình DN khởi nghiệp có sức lan tỏa mạnh thì lợi nhuận thu về cũng không nhỏ.
Ngoài việc khuyến khích các DN tự tìm đến các quỹ đầu tư, quỹ cho vay khởi nghiệp, hiện các NHTM cũng chủ động tham gia vào các chương trình tìm kiếm mô hình khởi nghiệp bằng hình thức tài trợ vốn cho các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp. Ghi nhận của BSSC cho thấy, trong các năm 2013-2015 thông qua cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp (Startup Wheel), đơn vị này đã thu hút được khoảng 1.100 dự án tham gia.
Trong đó, các NHTM như SHB, VPBank, HDBank, OCB, HSBC đã tham gia tài trợ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho chương trình này. Và đã có khoảng 21,8 tỷ đồng được BSSC đầu tư cho vay vào các dự án đạt giải cao trong các năm qua.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, mặc dù mới chỉ có HSIF là quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên được các NHTM tham gia góp vốn. Tuy nhiên, với xu hướng ngày càng có nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường khởi nghiệp của Việt Nam, cộng với việc Bộ KH&ĐT đang gấp rút hoàn thiện Thông tư hướng dẫn về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, có thể kỳ vọng rằng xu hướng đầu tư vào các quỹ tương tự như HSIF sẽ được các NHTM quan tâm và phát triển mạnh trong vài năm tới.
Theo tìm hiểu của Thời báo Ngân hàng, hiện nay tại Việt Nam đang có khoảng 1.500 DN khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Riêng tại khu vực TP.HCM số lượng các DN khởi nghiệp cũng đạt trên 600 đơn vị. |