Ngân hàng không còn mặn mà cho vay tiêu dùng?
Mảng cho vay tiêu dùng một thị trường ngách của các NHTM những năm 2014-2017 đã từng góp thêm vào hiệu quả kinh doanh ngân hàng rất đáng kể. Nhưng báo cáo quý III/2018 của FE Credit (thuộc VPBank) ghi nhận tăng trưởng chậm và đóng góp thấp hơn vào thu nhập hợp nhất của ngân hàng mẹ. Tính tổng 9 tháng đầu năm 2018 tín dụng VPBank tăng 11,3%, trong khi tăng trưởng tín dụng của FE Credit chỉ tăng 4,2% (cùng kỳ năm trước tăng 28,3%). Các phân tích cho thấy chỉ số NIM của VPBank trong quý III đã giảm gần 40 điểm cơ bản. Có thể chỉ số này sẽ tăng nhẹ trong quý IV năm nay, nhưng trong dài hạn khó có thể cải thiện hơn nếu mảng cho vay tiêu dùng bị các DN bên ngoài đang cạnh tranh rất mạnh.
Tương tự, báo cáo tài chính hợp nhất của HDBank cho thấy, mới đến tháng 9/2018 nhưng hạn mức tín dụng được giao của ngân hàng này đã cạn room cả năm. Thế nhưng, tăng trưởng tín dụng của công ty thành viên HDSaison chỉ đạt 6,6%, dù rằng mạng lưới cho vay tiêu dùng của HDSaison thời gian qua liên tục được mở rộng. Cũng như các công ty tài chính trực thuộc ngân hàng khác, HDSaison cũng đang đứng trước thách thức cạnh tranh với các DN ngoài ngành về cho vay tiêu dùng.
Một đại diện khác trên thị trường cho vay tiêu dùng là MCredit của MB cũng không có đóng góp nhiều vào kết quả kinh doanh của ngân hàng mẹ do tốc độ tăng trưởng tín dụng của MCredit đến cuối tháng 9 vừa qua chỉ chiểm 1,8% tổng dư nợ cho vay của MB.
Giới quan sát cho rằng nếu những năm trước đây, các NHTM có xu hướng thành lập mới hoặc mua lại các công ty tài chính từ các tập đoàn kinh tế nhà nước để thúc đẩy cho vay tiêu dùng thành một mảng kinh doanh quan trọng, thì hiện nay xu hướng này đang trong cơn thoái trào. Thừa nhận điều này, lãnh đạo của ACB cho biết, cách đây 3 năm, ngân hàng luôn nung nấu mục tiêu thành lập công ty tài chính, nhưng đến nay kế hoạch này không còn là mục tiêu chính yếu. Bởi đến nay, mảng kinh doanh có mức tăng trưởng mạnh của ACB lại là các dịch vụ thu phí (giao dịch, thanh toán...), hay hoa hồng từ dịch vụ liên kết bán bảo hiểm.
Bên cạnh đó, ACB đã đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh trong lĩnh vực xây dựng, do phí từ hoạt động này sẽ có đóng góp đáng kể vào thu nhập của ngân hàng trong năm 2018, cũng như trong những năm sắp tới. Một điểm quan trọng nữa là báo cáo chiến lược dài hạn của ACB chỉ tập trung các hạng mục: đầu tư vào công nghệ, số hóa và tập trung phát triển chiến lược hiện tại và tuyệt nhiên không có ý tưởng thành lập công ty tài chính trong tương lai.
Sacombank cũng vậy. Đã có thời điểm ngân hàng này kỳ vọng thu nhập sẽ tăng mạnh từ hoạt động cho vay tiêu dùng, nhưng đến thời điểm này, Sacombank không còn tha thiết thành lập công ty tài chính. Thay vào đó ngân hàng đang nhắm đến những dịch vụ bảo hiểm và coi đó là chiến lược phù hợp với xu thế thị trường hiện đại.
Không phủ nhận hình thức cho vay tiêu dùng những năm vừa qua đã rất hiệu quả với những ngân hàng nhanh chân bước ra thị trường. Thế nhưng, với sự góp mặt của các công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt là sự tham gia của các công ty fintech với nhiều tiện ích cho người vay và chi phí hoạt động thấp khiến sự cạnh tranh trở nên vô cùng gay gắt và mảnh đất màu mỡ này bắt đầu trở nên khô cằn. Trong khi các ngân hàng cáng đáng thêm công ty tài chính nếu không có hiệu quả sẽ càng làm cho bộ máy ngân hàng thêm cồng kềnh.
Phó tổng giám đốc một NHTM cho biết, sau khi nghiên cứu thị trường, phần lớn các ngân hàng đều xác định, lợi nhuận tăng trưởng trong năm 2018 không còn xuất phát từ hoạt động cho vay tiêu dùng của các ngân hàng mà lại chuyển sang mảng phí bảo hiểm liên kết với ngân hàng. Lãnh đạo các NHTM dự báo xu thế tăng trưởng tín dụng cao có thể đã không còn phù hợp trong những năm tới nên các ngân hàng đang chuyển hướng rất mạnh vào bán chéo các sản phẩm bảo hiểm.