Ngân hàng kích hoạt đô thị thông minh
TP.Hồ Chí Minh điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc | |
TP.HCM: Các NĐT ký kết 8 thỏa thuận với ngân hàng | |
TP.HCM: Phấn đấu đến năm 2020 xây 20.000 căn nhà ở xã hội |
Từ nay đến năm 2025, TP.HCM sẽ thực hiện đề án xây dựng thành phố thông minh. Lộ trình của đề án được thể hiện khá rõ ràng trong đề cương chi tiết. Theo đó, trong các năm 2018-2019, thành phố sẽ tập trung vào việc thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung. Từ năm 2019 trở về sau, địa phương sẽ tập trung hoàn thành 7 chương trình đột phá, tạo ra kết nối cấp độ 4 (các dịch vụ y tế, giáo dục, hành chính công…) và hoàn thành mô hình công sở điện tử. Tiếp theo đó sẽ xây dựng các mô hình giao thông thông minh, quy hoạch thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh… để hoàn thiện đô thị thông minh sau khoảng 8 năm nữa.
Các dịch vụ trong một đô thị thông minh phải có chi phí thấp người dân mới hưởng ứng |
Tín dụng đã vào các nền tảng
Quan sát từ thị trường có thể thấy ngay sự chủ động của các NHTM tại khu vực TP.HCM trong việc tham gia vào đề án xây dựng thành phố thông minh. Bởi từ đầu năm 2017, trước sự kêu gọi của lãnh đạo TP.HCM, hàng loạt các NHTM lớn như: VietinBank, Agribank, Vietcombank đã bày tỏ mong muốn được đầu tư vốn vào các chương trình đột phá.
Theo đó, VietinBank hy vọng sẽ được tham gia sâu hơn vào các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế TP.HCM, tham gia tài trợ vốn cho các dự án chỉnh trang đô thị. Trong khi đó, Agribank mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; các chương trình giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNNVV. Những cam kết mới đây của các NHTM trong việc cấp 26.000 tỷ đồng cho 8 dự án đầu tư nằm trong các chương trình đột phá của thành phố cho thấy thực sự nguồn vốn lớn từ các NHTM đã bắt đầu kích hoạt các nền tảng của đề án thành phố thông minh.
Mặc dù giữa năm 2016, đề cương của đề án thành phố thông minh mới chính thức được chính quyền TP.HCM công bố, nhưng các NHTM đã chủ động trong việc phát triển các nền tảng công nghệ nhằm chuẩn bị đưa các sản phẩm, dịch vụ tài chính vào các mô hình thông minh ở các lĩnh vực.
Chẳng hạn, từ năm 2014, trong lĩnh vực giáo dục, Công ty Ngôi Nhà Xanh phối hợp với MB và một số NHTM đang thực hiện Đề án Thẻ học đường SSC, triển khai thu học phí không dùng tiền mặt tại 40 điểm trường trên địa bàn TP.HCM và hiện nay đang dự kiến nâng mức áp dụng thẻ học đường tại 300 trường học. Trong khi đó, ở lĩnh vực y tế, các NHTM cũng đã thực hiện hàng loạt đề án phát hành thẻ khám bệnh định danh và thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Trong lĩnh vực hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường, thậm chí ngành Ngân hàng còn có hẳn một Chỉ thị về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường. Tại khu vực TP.HCM, BIDV, Agribank, Sacombank và Vietcombank trong các năm 2015-2016 đã lần lượt cho vay hàng ngàn tỷ đồng vào các dự án kinh doanh năng lượng tái tạo, xử lý tái chế rác thải. Những dự án lớn như dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (Bình Chánh), được BIDV cấp vốn đã hình thành nền tảng quy trình xử lý rác thải thông minh. Đây sẽ là những mô hình bước đầu rất thuận lợi để TP.HCM triển khai nhân rộng khi các tiểu phần của đề án thành phố thông minh được triển khai rộng rãi.
Cần tạo hệ sinh thái tài chính thông minh
Xem xét ở khía cạnh vốn trong đề cương của đề án xây dựng thành phố thông minh cho thấy, các giải pháp huy động tài chính mà chính quyền TP.HCM tính toán để triển khai đề án này bao gồm chủ yếu từ nguồn ngân sách (Trung ương và địa phương). Ngoài ra thành phố đặt kỳ vọng rất lớn vào kênh huy động vốn thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), nguồn vốn vay ODA và vay tín dụng từ các NHTM.
Số liệu thống kê cho thấy tính đến cuối năm 2016, TP.HCM có khoảng 130 dự án PPP đang được kêu gọi đầu tư. Những dự án này hầu hết nằm trong kế hoạch xây dựng nền tảng đô thị thông minh trên các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, giáo dục. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 380 ngàn tỷ đồng. Sắp tới TP.HCM cũng sẽ tiếp tục công bố thêm khoảng trên 100 dự án PPP cần huy động vốn với tổng mức đầu tư dự kiến 136,7 ngàn tỷ đồng. Như vậy con số vốn cần huy động để thiết lập nền tảng cho đô thị thông minh là rất lớn trong bối cảnh ngân sách TP.HCM chỉ lo được khoảng 20%.
GS-TS. Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM) trong một tham luận của mình về cách tiếp cận đề án xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh đã cho rằng, để có một thành phố thông minh thì cần phải có một trung tâm tài chính thông minh tương thích với thời đại công nghệ mới. Theo đó, hiện nay tại TP.HCM đã có sẵn khu trung tâm công nghệ cao với hàng loạt định chế tài chính ngân hàng, sở giao dịch chứng khoán, các trụ sở của tập đoàn đa quốc gia và những người tài năng bậc nhất đang sinh sống... Vì vậy phải tạo ra kết nối cho tất cả các yếu tố trên tạo thành một hệ sinh thái trung tâm kinh tế - tài chính thông minh. Từ hệ sinh thái này sẽ sản sinh ra nguồn lực phát triển vô tận từ thị trường chứ không phải từ nguồn lực ngân sách.
Trong khi đó, TS. Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright Việt Nam) thì cho rằng trong suốt một thập kỷ vừa qua, vốn ODA đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm tại TP.HCM. Mặc dù chỉ chiếm 8% tổng số vốn đầu tư của tất cả các ngành trong thành phố, nhưng nguồn vốn ODA lại tương đương với 55% đầu tư công (3,18 tỷ USD/5,72 tỷ USD). Điều này có nghĩa là, cứ 2 USD ngân sách thông thường để xây dựng cơ sở hạ tầng, chính quyền thành phố phải bổ sung thêm 1 USD từ nguồn vốn khác, gần giống như vốn ngân sách. Chính điều này làm nên sự phụ thuộc quá lớn vào vốn viện trợ phát triển chính thức và sẽ tạo ra sự không bền vững khi triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh các nguồn tài trợ ODA đang cạn dần.
Một số quan điểm cho rằng xây dựng đô thị thông minh, mỗi sở, ngành ở địa phương đó phải thực sự vào cuộc mạnh mẽ nhất để hệ thống tài chính cung ứng vốn. Theo đó, các lĩnh vực thẻ thanh toán kết nối toàn bộ các phương tiện giao thông công cộng, như xe buýt, buýt thủy, tàu điện trên cao… với chi phí thấp nhất để người dân đô thị sẵn sàng tham gia vào quá trình phát triển thành phố thông minh.