Ngân hàng số vừa hợp tác vừa cạnh tranh
Ngân hàng số: Tương lai của ngành Ngân hàng? | |
Trải ngiệm miễn phí, nhận quà với Ngân hàng số MyVIB | |
TPBank: Ngân hàng số sáng tạo nhất Việt Nam |
Trong khuôn khổ Diễn đàn NH bán lẻ năm 2016 (diễn ra tại TP.HCM, ngày 1/12), câu chuyện về chiến lược phát triển NH số và khả năng cạnh tranh giữa các NHTM với các công ty công nghệ tài chính (fintech) trong việc cung cấp sản phẩm – dịch vụ tài chính online được nhiều diễn giả quan tâm. Trong đó, các chuyên gia cho rằng, nếu không kịp thời thay đổi công nghệ, mảng bán lẻ của các NHTM sẽ phải nhường phần lớn sân chơi cho các fintech với những ưu thế khai thác khách hàng.
Tài chính phi NH lấn sân
Theo một thống kê của Dragon Capital, tính đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam có khoảng gần 50 fintech đang triển khai các hoạt động cung cấp sản phẩm - dịch vụ tài chính online. Hiện nay, sau khi phát triển mạnh ở mảng thanh toán, các fintech nổi bật như Payoo, BaoKim, NganLuong, MoMo… đã bắt đầu đặt chân vào cả những lĩnh vực vốn là thế mạnh của các NHTM, đó là gửi tiết kiệm, nhận – chuyển kiều hối và cho vay tiêu dùng.
Ông Ivan Mortimer Schutts (phụ trách mảng mobile banking khu vực Đông Á của IFC) cho rằng, với cấu trúc dân số trẻ, tỷ lệ dân số kết nối internet đạt 44%, tỷ lệ sử dụng smartphone trên 40% và liên tục tăng nhanh như hiện nay, Việt Nam đang là “mỏ vàng” cho các fintech đầu tư và phát triển.
Khi các fintech phát triển sẽ làm cho thị trường tài chính có sự thay đổi tích cực. Khách hàng sử dụng các dịch vụ dùng tiền có nhiều lựa chọn trong việc chọn kênh thanh toán và giao dịch. Khi đó các NH sẽ phải chấp nhận chia sẻ thị phần.
Theo một khảo sát trên phạm vi toàn cầu của công ty kiểm toán PwC, 83% định chế tài chính truyền thống lo ngại rằng một phần hoạt động kinh doanh của họ có nguy cơ rơi vào tay fintech. Trong vòng 5 năm tới, 24% thị phần các NH trong mảng chuyển tiền và thanh toán sẽ rơi vào tay các fintech, con số này sẽ là 22% trong lĩnh vực quản lý tài sản và 21% trong lĩnh vực bảo hiểm.
Trong khi đó, một khảo sát khác của Economist Intelligen Unit (dựa trên quan điểm của hơn 200 CEO của các NHTM trên toàn thế giới) cho rằng trong khoảng 5 năm tới kiểu cho vay thông qua mạng Internet (P2P) có sẵn trong các nền tảng NH sẽ chiếm khoảng 65%; mức độ tự động trung bình ở các NH bán lẻ toàn cầu sẽ đạt khoảng 65%. Tuy nhiên, các giao dịch về tiền thông qua các fintech sẽ nhiều hơn các NHTM và chiếm khoảng 57% tổng giá trị giao dịch.
Thị phần trong mảng chuyển tiền và thanh toán do các fintech thực hiện đang tăng nhanh |
Lộ trình “6-D” của NH số
Theo ông Trần Nhất Minh, Giám đốc Khối NH số của VIB, hiện nay tại Việt Nam mặc dù các fintech chưa phải là đối thủ cạnh tranh của các NH vì quy mô còn nhỏ, các lĩnh vực mà DN này đầu tư cũng là các lĩnh vực mà nhiều NH đang áp dụng và có nhiều thế mạnh, nhất là thế mạnh về vốn, quy mô và mạng lưới. Tuy nhiên, việc chia sẻ thị phần khách hàng đối với các fintech trong hoạt động thanh toán bán lẻ, cho vay tiêu dùng là không tránh khỏi.
Để có thể cạnh tranh được với các fintech, ông Minh cho rằng, các NHTM cần đưa ra chiến lược phát triển NH số phù hợp. Theo đó, có thể chuyển đổi theo 3 giai đoạn. Ban đầu là chuyển từ công nghệ cũ sang công nghệ số, thay thế bản tin dạng giấy bằng dạng thông tin online; sau đó giải quyết các công việc thông qua các quy trình chạy trong các hệ thống công nghệ, rút ngắn không gian và thời gian, cuối cùng là hoàn thiện nền tảng công nghệ số trong toàn hệ thống.
Trình bày kỹ hơn về vấn đề này, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, hiện nay các fintech nói chung có những điểm mạnh trong cạnh tranh với các NHTM. Các khảo sát của World Retail Banking Report 2016 cho thấy rằng 81,9% khách hàng sử dụng dịch vụ của các fintech là vì phần mềm công nghệ dễ sử dụng; 81,4% cho rằng dịch vụ được thực hiện nhanh chóng hơn; và 79,6% cho rằng mức phí sử dụng các dịch vụ của fintech thấp hơn so với các NHTM.
Theo ông Lực, trong xu thế phát triển của công nghệ số hiện nay, các sản phẩm dịch vụ từ các fintech sẽ ngày càng chiếm thị phần lớn dần. Để có thể cạnh tranh được, các NHTM buộc phải chọn lựa chiến lược vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với các DN này để chia sẻ thị phần và lợi nhuận.
Trong chừng mực cụ thể của từng NHTM ông Lực cho rằng cần thiết kế chiến lược phát triển NH số theo 3 bước liên hoàn: Bước thứ nhất là số hóa các điểm tiếp xúc khách hàng; bước thứ 2 là tăng cường công nghệ số với các sản phẩm dịch vụ, và bước cuối cùng là tận dụng công nghệ số để phát triển mảng kinh doanh mới hoặc sản phẩm dịch vụ mới.
Để khởi động chiến lược NH số, ông Lực nêu ra bộ quy tắc 6 chữ D. Bao gồm Define (hiểu đúng, đủ; và xác định phạm vi, mục tiêu và thời gian về chiến lược NH số); Direct (thành lập tổ chức bộ máy và cách thức quản lý chiến lược NH số); Discuss (thảo luận 6 nội dung của Chiến lược NH số ở cấp lãnh đạo cấp cao và cấp trung); Design (thiết lập cơ chế, ngân sách, công cụ và nhân lực để thử nghiệm NH số); Decide (quyết định và hành động ưu tiên trong chiến lược kinh doanh, bao gồm cả ưu tiên nhân lực tài năng để thực hiện NH số) và cuối cùng là Deploy (triển khai kế hoạch có được từ các bước trên).