Ngân hàng Việt vào mùa hợp tác quốc tế
Khối ngân hàng lớn tiên phong
Giữa tháng 12/2015, Agribank chính thức được Liên minh Eurogiro trao quyết định trở thành thành viên của tổ chức này. Sau khi gia nhập Eurogiro, Agribank sẽ có cơ hội phát triển dịch vụ chuyển tiền quốc tế với hơn 60 tổ chức thành viên là bưu điện và NH có mạng lưới phân bố tại hơn 50 quốc gia. Trong đó, bao gồm nhiều quốc gia là thành viên của AEC và TPP như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines,…
Thống đốc NHQG Campuchia Chea Chanto và Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú chứng kiến thuyết trình về hợp tác dịch vụ thẻ tại Sacombank |
Trường hợp gia nhập Eurogiro của Agribank thực tế chỉ là một điểm sáng kết lại vào cuối năm 2015 trong hoạt động hợp tác quốc tế của các NHTM suốt 12 tháng vừa qua. Điểm lại từ đầu năm 2015, hầu hết các NHTM lớn trong nước đều đã có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực tài trợ thương mại, bảo lãnh tín dụng, bao thanh toán,… đối với các NH nước ngoài.
Cụ thể, vào đầu tháng 3/2015, VietinBank đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với NH Đầu tư quốc tế Liên bang Nga (IIB). Việc hợp tác này tạo cho VietinBank điểm tựa để khai thác một lượng lớn khách hàng của IIB, đến từ nhiều quốc gia thành viên như: Liên bang Nga, Bulgari, Cuba, Rumani và Slovakia…
Tiếp đó vào cuối tháng 4/2015, VietinBank cùng với cổ đông ngoại của mình là NH Tokyo-Mitsubishi UFJ chính thức đưa ra những sản phẩm hỗ trợ thanh toán quốc tế phục vụ các DN xuất khẩu có đối tác tại Nhật Bản.
Không chỉ vậy, vào tháng 8/2015, VietinBank lần đầu tiên bỏ vốn thành lập một NH con tại Lào với số vốn điều lệ 50 triệu USD. Bằng việc thành lập NH con này, VietinBank tiếp tục là NHTM Việt Nam có hoạt động khai thác sâu rộng nhất ở thị trường Lào, với số chi nhánh và phòng giao dịch nhiều nhất tại quốc gia này.
Bên cạnh VietinBank, có lẽ trong năm 2015, BIDV là NH có hoạt động hợp tác quốc tế phát triển mạnh mẽ nhất. Trong suốt năm BIDV đã ký kết hàng chục hợp tác với các NHTM nước ngoài trong các lĩnh vực thanh toán quốc tế và bảo lãnh tín dụng. Tại thị trường Nhật Bản, NH này đã liên tiếp ký 2 hợp đồng hợp tác toàn diện với Nanto Bank và Kyoto Bank, nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ cho các DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam.
Tại thị trường Nga, thông qua đơn vị liên doanh là VRB, BIDV đẩy mạnh hợp tác với NH Ngoại thương Nga (VTB) để phát triển các sản phẩm, dịch vụ tiền tệ ở thị trường hai nước Việt – Nga. BIDV cũng phối hợp tổ chức thành công Diễn đàn DN Việt Nam - Liên bang Nga, đồng thời xúc tiến thành công để CTCP Chuyển mạch Tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn) và Công ty Thanh toán thẻ Quốc gia - Liên bang Nga (NSPK) ký kết bản ghi nhớ hợp tác kết nối liên thông hệ thống chuyển mạch giữa hai quốc gia.
Trên cơ sở này, dự kiến vào quý IV/2016, hai bên sẽ chính thức triển khai cung cấp dịch vụ chấp nhận thẻ xuyên quốc gia trên hệ thống ATM, POS của các NH thành viên.
Đặc biệt, vào đầu tháng 11 vừa qua, BIDV và VTB công bố đã nghiên cứu xong các tiền đề cơ bản để triển khai đề án xây dựng kênh thanh toán bằng nội tệ (VND và RUB). Hiện đề án này đang được hai bên triển khai giai đoạn 1 với bước đầu đưa vào các dịch vụ thanh toán bằng nội tệ thông qua hệ thống thanh toán KFT tại Nga.
Tranh thủ hút vốn và vươn ngoại
Không chỉ có các NHTM lớn tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong năm 2015, hoạt động thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư ngoại của khối NHTMCP cũng rất sôi động. Một số NHTMCP lớn cũng đã bắt đầu kế hoạch vươn ra các thị trường nước ngoài để tranh thủ tạo lập thị phần.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, hiện nay các NHTMCP như ABBank, HDBank, Sacombank, SCB… vẫn đang tiếp tục chiến lược thu hút nguồn vốn nhà đầu tư ngoại để tăng vốn điều lệ và mở rộng quan hệ hợp tác.
Cụ thể, sau khi thu hút được hai nhà đầu tư đến từ Anh mua khoảng 14% cổ phần, hiện SCB đang muốn tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng và xin chủ trương từ NHNN để tiếp tục bán cổ phần thu hút nguồn vốn từ bên ngoài. Trong khi đó, ABBank đã hoàn tất việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài lên mức 30% và hiện đang hợp tác chặt chẽ với MayBank của Malaysia để phát triển các sản phẩm và dịch vụ thanh toán.
Ở phía HDBank, NH này đã hợp tác với Banknetvn thực hiện kết nối thành công với 36 NH nước ngoài. Theo đó, các chủ thẻ ghi nợ nội địa của HDBank có thể thực hiện rút tiền bản tệ tại mạng lưới hơn 50.000 máy ATM của các tổ chức chuyển mạch quốc tế như ITMX (Thái Lan), KFTC (Hàn Quốc), MEPS (Malaysia) và UNION CARD (Liên bang Nga).
Trong khi đó, Sacombank mạnh tay hơn đã chính thức chuyển đổi chi nhánh Sacombank tại Lào thành NH 100% vốn nước ngoài và nâng số chi nhánh cấp 1 tại Lào và Campuchia lên gần 10 đơn vị để mở rộng hoạt động.
Như vậy, có thể thấy rằng trong năm 2015 vừa qua cùng với những thành công của hoạt động tái cấu trúc hệ thống TCTD thì ở lĩnh vực hợp tác quốc tế, các NHTM trong nước cũng gặt hái được nhiều thành tựu. Nhờ hàng loạt những dự án hợp tác quốc tế, vị thế của các NHTM Việt Nam đã bắt đầu được khẳng định trên thị trường thế giới.
Cụ thể, vào tháng 9/2015, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s phát hành báo cáo xếp hạng đối với 9 NH Việt Nam, trong đó các NH: VIB, VietinBank, BIDV, SHB là những đơn vị được đánh giá có chỉ số sức mạnh tài chính cao nhất và có triển vọng ổn định, tích cực.
Nhờ các kết quả trên đã giúp Fitch nâng xếp hạng của Việt Nam lên mức BB-; Moody’s nâng xếp hạng của Việt Nam lên mức B1, tiến gần hơn đến ngưỡng khuyến nghị đầu tư.