Ngành da giày chuẩn bị lợi thế EVFTA
Không lo dù không có TPP | |
Để da giày phát huy nội lực |
Đã có sự chuyển biến từ các DN trong nước
Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết: đến tháng 7/2017, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 8,8 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó xuất khẩu giày dép ước đạt 7,1 tỷ USD, tăng 12% và xuất khẩu túi - cặp ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 4%.
DN Việt Nam đã xuất khẩu giày dép sang khoảng 100 nước trên thế giới, trong đó 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD |
Khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang mở rộng công suất nhà máy hiện có và xây dựng các nhà máy mới tại Việt Nam, đón đầu cơ hội giảm thuế từ các hiệp định FTA.
LEFASO thống kê DN Việt Nam đã xuất khẩu giày dép sang khoảng 100 nước trên thế giới, trong đó 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 1.989 triệu USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 35,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại. Thị trường EU đứng thứ 2, đạt 1.760 triệu USD; kế đến là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Theo một số đánh giá, Trung Quốc tiếp tục chủ trương cắt giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành có công nghệ cao hơn nên đây sẽ là cơ hội để các DN tận dụng, đón nhận nhiều đơn hàng mới. Song song với sự phát triển của các DN FDI, nhiều DN da giày trong nước đã tích cực mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực kinh doanh bằng cách đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại.
Bên cạnh đó, nhiều DN đã “mạnh dạn” mở nhà máy tại các tỉnh vùng xa để tận dụng nguồn nhân công và đất đai giá rẻ như: Công ty giày Viễn Thịnh, Công ty giày Trường Lợi đầu tư nhà máy tại Ninh Bình, Quảng Nam…; hoặc mở nhà máy tại các khu công nghiệp lớn để tăng cường kết nối, gia nhập vào chuỗi liên kết cùng các DN FDI. Đây cũng là điều kiện để ngành da giày Việt Nam thu hút được nhiều nhãn hàng, thương hiệu lớn trên thế giới.
Để các DN da giày trong nước tăng năng lực cạnh tranh, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Lefaso khuyên các DN trong nước cần tăng cường hệ thống kết nối thông tin và bằng cách tham gia các hiệp hội, các hoạt động tuyên truyền và phải tự chủ động chuẩn bị đội ngũ nhân lực để kết nối thông tin, đáp ứng nhanh các đơn hàng, DN không thể chỉ thụ động chờ khách hàng tự tìm đến.
DN phải đảm bảo “xuất xứ”
Theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, kinh tế thế giới năm 2017 sẽ tốt hơn năm 2016 và Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao nên các đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các DN Việt Nam chờ cơ hội từ EVFTA dự kiến có hiệu lực trong năm 2018. Trên cơ sở đó, xuất khẩu da giày trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong cả năm 2017 dự kiến đạt 17,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016.
Mặc dù thị trường tiềm năng đang “rộng cửa” đối với ngành da giày khi thuế suất giảm, tuy nhiên bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các DN muốn chen chân và phát triển sản phẩm da giày ở thị trường EU phải đảm bảo xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp vi phạm xuất xứ, hoặc bất ngờ tăng vọt lượng xuất khẩu chắc chắn phía đối tác sẽ ngưng nhập hàng và tạm dừng ưu đãi. Việc xác định xuất xứ hàng xuất khẩu do DN tự khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Xuất xứ hàng hóa xuất khẩu được xác định dựa trên nội dung khai của DN nên các DN cần phải nắm vững các quy định để có thể cung cấp chứng từ liên quan...
Theo bà Hiền, các DN lưu ý khi nước nhập khẩu phát hiện trường hợp vi phạm xuất xứ sẽ áp dụng ngừng ưu đãi đối với toàn bộ hàng hoá giống hệt theo phân loại danh mục hàng hoá (HS cấp độ 8-10 số) nếu các biện pháp trước không đủ để ngăn chặn các hành vi gian lận.
Các DN ngành da giày cần lưu ý một số lỗi liên quan đến chứng nhận xuất xứ cần tránh như: C/O trùng số, ngôn ngữ khai báo, mẫu chữ ký và con dấu, tiêu chí xuất xứ, năng lực sản xuất bán thành phẩm. Điều này vô cùng cần thiết khi điều kiện áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định EVFTA và VN-EAEU FTA gồm: hàng hóa thuộc biểu thuế ưu đãi đặc biệt, nhập khẩu từ nước thành viên; vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu và đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ.