Để da giày phát huy nội lực
Da giày Việt vẫn yếu ở sân nhà | |
Ngành da giày đón vận hội mới |
Ảnh minh họa |
Với việc các DN da giày, túi xách không ngừng đổi mới, đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực thì sản phẩm da giày, túi xách Việt Nam đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần tạo ra việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam nhìn nhận, trong 20 năm qua, chuỗi giá trị gia tăng của ngành da giày, túi xách nước ta phát triển không ngừng. Việt Nam là nước sản xuất lớn thứ 3 thế giới và xuất khẩu thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc). Sản lượng xuất khẩu của Việt Nam chiếm 8,4% toàn cầu. Ngành này đã giải quyết khối lượng lớn công ăn việc làm cho hơn 1 triệu lao động trực tiếp và nửa triệu người lao động gián tiếp trong các ngành công nghiệp phụ trợ...
Các chuyên gia kinh tế và đại diện Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam đánh giá, ngành da giày phát triển không ngừng như thời gian qua bởi nước ta có nền chính trị ổn định, lực lượng lao động đang trong thời kỳ dân số vàng, trình độ tay nghề ổn định, không ngừng hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra nhiều đơn hàng, nhà cung ứng nguyên phụ liệu…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngành sản xuất da giày ở Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém. Trong đó, chúng ta đang thiếu các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) và đội ngũ nhân lực có trình độ cao. Thực tế cũng chỉ ra rằng, các DN trong nước chưa chủ động nguồn nguyên phụ liệu, khi tỷ lệ nhập khẩu nguyên, phụ liệu chiếm 40-50%.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây khi tới thăm và làm việc với một DN da giày lớn ở nước ta, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo ngành này cần chuyển đổi, sử dụng những vật liệu mới thay thế nguyên vật liệu truyền thống, hạn chế thuộc da để giảm ô nhiễm môi trường.
Quan trọng hơn, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta cần phải nghiên cứu, phát triển các ý tưởng thời trang, công tác quản lý sản xuất, mạng lưới phân phối đủ mạnh để tạo sự cạnh tranh. Nếu chúng ta làm được điều đó, đồng nghĩa đã tạo ra được thương hiệu da giày “Made in Vietnam” trên trường quốc tế, khẳng định được vị thế của ngành vốn cũng là thế mạnh của đất nước hình chữ S.