Không lo dù không có TPP
Để da giày phát huy nội lực | |
Ngành da giày đón vận hội mới |
Ngành da giày Việt Nam cạnh tranh cao nhờ nền kinh tế ổn định, nguồn lao động giá rẻ, tay nghề cao. Hiện nay, Việt Nam là nước sản xuất giày dép lớn thứ ba châu Á và thứ tư thế giới, chiếm 10% thị trường toàn cầu. Việt Nam đang sản xuất và cung ứng hơn 30% nhu cầu da giày/năm cho Nhật Bản, vốn là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Xuất khẩu da giày đến châu Âu có giá trị lớn hơn đến Hoa Kỳ…
Hàng loạt FTA song phương và đa phương sẽ là cơ hội để ngành da giày Việt Nam xuất khẩu sản phẩm đến nhiều thị trường với mức thuế suất ưu đãi |
Từ đầu năm 2017, nhiều thị trường mới có mức nhập khẩu da giày Việt Nam tăng trưởng vượt bậc như Mexico, Canada và Thụy Sĩ…. Đây chính là thuận lợi của ngành da giày Việt trong thời gian tới.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), thời gian qua có nhiều lo ngại rằng, việc tổng thống mới của Hoa Kỳ quyết định không tham gia Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ khiến một số ngành nghề có kim ngạch xuất khẩu cao như da giày sẽ gặp khó khăn trong tương lai.
Thực tế, nếu TPP không có Hoa Kỳ, sẽ giảm khả năng cắt giảm thuế và giảm cơ hội tăng xuất khẩu sản phẩm giày dép đến Hoa Kỳ, là thị trường lớn nhất nhập khẩu giày dép Việt Nam (hiện nay giày dép túi xách Việt Nam xuất khẩu đến 40 thị trường, trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm phần lớn, đến 41%).
Tuy nhiên, nếu không có TPP, ngành da giày Việt Nam cũng không mất lợi thế cạnh tranh, nhờ vào nền kinh tế ổn định, nguồn lao động có tay nghề dồi dào và Việt Nam hiện là nhà sản xuất giày dép lớn thứ ba tại châu Á và thứ tư thế giới, chiếm 10% thị trường toàn cầu. Sản phẩm da giày cũng là sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam, đóng góp 10% vào tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nếu năm 2016 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, giày dép đạt 16,2 tỷ USD tăng 8,8% so với năm trước đó. Thì dự báo năm 2017 kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này là 18 tỷ USD và hướng đến 54 tỷ USD đến trước 2030.
Ưu thế đối với thị trường, thì giày dép Việt Nam đã có vị thế trong số những nhà xuất khẩu đến Hoa Kỳ. Kể cả khi thuế suất bình quân cao thì tăng trưởng xuất khẩu giày dép vào thị trường Hoa Kỳ cũng tăng trưởng từ 15% - 21%. Năng suất sản xuất của trên 800 DN trong ngành giày dép Việt Nam hiện khoảng 950 triệu đôi/năm và xuất khẩu khoảng 800 triệu đôi đến trên 40 thị trường thế giới.
Ngoài thị trường Hoa Kỳ, giày dép túi xách Việt Nam vẫn có những thị trường lớn, đạt kim ngạch trên 10 triệu USD (trong tháng 1/2017) như Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Hàn Quốc…. Ngoài ra, còn những thị trường khu vực châu Âu, châu Mỹ La tinh hai tháng đầu năm 2017 tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2016 như Mexico tăng 176% , Canada tăng 65,78%, Thụy Sĩ tăng 137,67% và Đan Mạch tăng 108,39%...
Hay khối các nước Đông Á cũng là thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng nhanh của sản phẩm da giày (chỉ đứng sau thị trường Hoa Kỳ, châu Âu) như Nhật Bản tăng 20%, Trung Quốc tăng 11,8%, Hàn Quốc tăng 9,3% và Đài Loan tăng đến 94,6%...
Khi TPP không thực thi, Việt Nam với hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với Hàn Quốc, Nga, Kazakhstan và Belarus và sắp tới là với châu Âu… sẽ là cơ hội để ngành da giày Việt Nam xuất khẩu sản phẩm đến nhiều thị trường với mức thuế suất ưu đãi.
Việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng thúc đẩy ngành da giày Việt Nam, với những lợi thế hơn một số nước trong khu vực (Indonesia, Malaysia và Thái Lan) về lao động có tay nghề, giá rẻ.
Đặc biệt, trong AEC Việt Nam sẽ có sự hợp tác với các quốc gia khác để phát triển nguồn nguyên phụ liệu và hình thành chuỗi cung ứng mới, giúp DN giảm chi phí đầu tư, tăng công suất, giảm tỷ lệ nguyên phụ liệu nhập khẩu ngoại khối, nâng cao giá trị gia tăng, giữ được vị thế cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu.
Tới đây, Việt Nam còn đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực châu Á gồm 10 quốc gia ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand… Tuy nội dung và mục tiêu của hiệp định này không nhiều hơn TPP, nhưng cũng góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại châu Á và thu hút đầu tư vào chuỗi cung ứng mới, tăng cường sức hấp dẫn của khu vực, sẽ là nơi sản xuất chung.