Ngành gỗ thận trọng hút vốn từ Trung Quốc
Cổ phiếu ngành gỗ sẽ như thế nào? | |
Thách thức với xuất khẩu nhìn từ ngành gỗ |
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định vừa đưa ra kiến nghị với địa phương này về việc không tiếp tục khuyến khích hoặc cấp đất cho các DN Trung Quốc đầu tư trong ngành gỗ.
Quan điểm của ông Lập là hiện nay, hàng loạt các DN ngành gỗ của Trung Quốc đang dịch chuyển đầu tư sang các nước lân cận để tiết giảm chi phí sản xuất. Ở góc độ nào đó việc này sẽ tạo điều kiện thu hút vốn FDI nhưng khi số lượng DN gỗ từ Trung Quốc đến đầu tư quá nhiều sẽ gây ra bất lợi cho ngành gỗ Việt Nam. Họ sẽ tận dụng những lợi thế từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Ảnh minh họa |
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho rằng, hiện nay toàn ngành gỗ Việt Nam có khoảng trên 500 DN thì 1/3 trong số này là các DN đến từ Trung Quốc và Đài Loan. Mới đây, Vifores đã tiếp xúc thêm hơn 30 DN ngành gỗ của Trung Quốc đến đặt vấn đề đầu tư để đón đầu các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết như TPP, AEC, EVFTA...
Tuy nhiên, hiệp hội cũng đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT cần hạn chế việc đón nhận thêm các DN Trung Quốc đầu tư mới trong ngành gỗ vì hiện nay sản phẩm gỗ của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá rất cao khi xuất khẩu sang Mỹ. Nếu các DN nước này đến đầu tư nhiều thì ngành gỗ Việt Nam sẽ có nguy cơ bị các thị trường nhập khẩu xem xét điều tra về khả năng lẩn trốn thuế chống bán phá giá.
Chưa kể, nếu hàng loạt các nhà máy gỗ của Trung Quốc chuyển sang đầu tư thì các DN gỗ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo lộ trình các hiệp định thương mại. Bởi khi đó các DN gỗ của Trung Quốc sẽ nghiễm nhiên được hưởng các loại ưu đãi thuế suất do họ sản xuất hàng hóa và đóng nhãn mác xuất xứ từ Việt Nam.
Tìm hiểu thực tế cho thấy những lo ngại của Vifores là hoàn toàn có cơ sở bởi trong những năm gần đây, ngành gỗ ở Trung Quốc không còn được coi là ngành chủ lực như trước đây. Chi phí nhân công tăng cao, cộng với việc cắt giảm các ưu đãi về chính sách đầu tư trong nước khiến các DN của họ buộc phải mở chi nhánh ra nước ngoài.
Các chi nhánh hoặc các công ty con, công ty liên kết ở nước ngoài một mặt sản xuất phục vụ nhu cầu xuất khẩu ngược trở lại chính thị trường Trung Quốc, mặt khác tranh thủ lợi thế ở các thị trường mới để sản xuất hàng hóa bán sang các thị trường như Mỹ và EU.
Điều đáng quan tâm là khi sản xuất tại Việt Nam, hầu hết các chi nhánh, công ty con của Trung Quốc nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ thị trường nước này. Khi số lượng gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc lớn lên, các đối tác nhập khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam sẽ lo ngại khả năng lẩn trốn thuế và gian lận thương mại.
Chẳng hạn trong năm 2015, liên tiếp các mặt hàng gỗ tấm MDF và gỗ dán của Việt Nam bị các đối tác Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ điều tra hành vi lẩn trốn thuế chống bán phá giá. Các nguyên đơn sẽ cho rằng các DN Trung Quốc đã “tuồn” gỗ qua Việt Nam, lắp ráp thành phẩm rồi gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để tránh thuế.
Lật lại hồ sơ ở nhiều ngành hàng khác, thực tế này cũng đã từng xảy ra. Chẳng hạn trong năm 2010, hàng loạt các DN sản xuất mặt hàng mắc áo và xe đạp tại Việt Nam đã bị phía Hoa Kỳ và EU khởi kiện.
Theo đó, sau khi điều tra phía nguyên đơn phát hiện ra rằng các DN Trung Quốc đã có hành vi lẩn trốn thuế chống bán phá giá 48,5% đối với mặt hàng xe đạp và 15,8% – 187,25% đối với mặt hàng mắc áo. Các DN Trung Quốc hoặc làm giả giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) hoặc đầu tư nhà máy đơn giản tại Việt Nam, sau đó nhập khẩu gần như toàn bộ linh kiện của nước ngoài và lắp ráp tại Việt Nam, rồi xin giấy chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu.
Như vậy, trong bối cảnh hàng loạt các DN ngành gỗ của Trung Quốc đang có ý định chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam, những cảnh báo từ Vifores liên quan đến khả năng gian lận thương mại rõ ràng đáng được các bộ, ngành và các địa phương quan tâm đồng thời đưa ra các biện pháp phòng ngừa cụ thể để giảm tránh các thiệt hại không đáng có cho các DN ngành gỗ và lâm sản tại Việt Nam.