Thách thức với xuất khẩu nhìn từ ngành gỗ
Điểm sáng hiếm hoi
Nhìn trên số liệu thống kê trong gần một năm qua, cho đến cuối tháng 5/2015, ông Nguyễn Quốc Phương – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại cho rằng, khi hàng loạt những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã sụt giảm kim ngạch nghiêm trọng, thì gỗ và sản phẩm từ gỗ vẫn tăng và trở thành “điểm sáng” trong bức tranh xuất khẩu.
Với những khả quan từ xuất khẩu gỗ, Bộ Công Thương và các hiệp hội, cũng như DN ngành gỗ đã rất tin tưởng đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2015 là 7,2 tỷ USD, tăng 800 triệu USD so với năm 2014.
Để có những “cánh rừng mẫu lớn” người trồng rừng mong được vay vốn lãi suất thấp |
Thế nhưng sang đến tháng 6, các DN xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ liên tục đưa ra những thông tin đáng lo ngại về sự đi xuống của kim ngạch. Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng đã cho biết, tính đến 15/5/2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ vẫn tăng, nhưng tính đến 15/6/2015, kim ngạch mới đạt 2,87 tỷ USD và giảm 12,6% so với cùng kỳ. Các DN và cả các hiệp hội đều cho rằng xuất khẩu gỗ nhiều khả năng không đạt mục tiêu của năm.
Nếu vậy, không chỉ ảnh hưởng đến từng DN và ngành gỗ, mà cao hơn còn ảnh hưởng lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu, cũng như bức tranh thương mại nói chung. Xin nhắc lại rằng, xuất khẩu gỗ tăng cũng giảm bớt cho sự chênh lệch về đóng góp vào xuất khẩu của DN Việt Nam so với khối DN FDI.
Cố giữ kim ngạch, cố mở thị trường… đó là nhiệm vụ quan trọng của ngành gỗ không chỉ vì lợi ích riêng, mà còn vì cả nền kinh tế, theo ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
Nếu năm 2000, xuất khẩu các mặt hàng gỗ chỉ đạt giá trị khoảng 219 triệu USD thì đến 2014, con số này đã lên tới 6,3 tỷ USD, chiếm khoảng 35% tổng tỷ trọng xuất khẩu ngành nông nghiệp. Xuất khẩu gỗ của Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới, thứ 2 khu vực châu Á và đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia và thị trường chính là Hoa Kỳ, EU, Úc… Những dữ liệu nêu trên đã cho thấy phần nào một bức tranh toàn cảnh, trong đó ngành gỗ đang giữ vị trí ngày càng quan trọng góp phần phát triển kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm…
Với các hiệp định thương mại mới đã và sắp ký, “khiêm tốn mà nói, chúng tôi kỳ vọng đến 2020, con số xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ ở mức 10-12 tỷ USD”, ông Quyền cho biết. Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ lại đang gặp nhiều rào cản từ các hiệp định này, từ sự khó tính hơn của nước nhập khẩu và cũng vì chính sự khó khăn của các nước nhập khẩu ở EU.
Khó khăn kép
DN ngành gỗ đều khẳng định thách thức lớn đang đặt ra và những áp lực cạnh tranh của DN ngành gỗ Việt Nam với DN ngoại ngày càng tăng. Một số nước trước đây là khách hàng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam nhưng gần đây, họ lại là nhà xuất khẩu cạnh tranh mạnh với Việt Nam. Vậy là Việt Nam không những bị mất thị trường ở những nước này, mà còn thêm đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Đã vậy, “sự biến động lớn giữa tỷ giá đồng EURO và đồng USD, cùng với tốc độ những khó khăn nội tại của nhiều nước trong khu vực EU đã khiến không ít khách hàng từ khu vực này liên tục đề nghị chúng tôi giảm giá hàng. Trong khi đó nguyên liệu nhập khẩu vẫn thanh toán bằng USD”, ông Nguyễn Tích Hoàn - Giám đốc Công ty Hoàng Phát cho biết.
Đại diện Công ty Thanh Thủy nói rằng, “cũng có một số khách hàng EU đã giảm lượng đặt hàng vì họ khó khăn quá”.
Ông Quyền cho biết, năm 2014, trong số 6,3 tỷ USD xuất khẩu gỗ thì số thanh toán bằng Euro cũng lên tới 800 triệu. “Rất may là ngành NH thời gian qua cũng có những hỗ trợ hiệu quả. Đơn cử như lãi suất vay ngoại tệ đã thấp hơn, trước đây khoảng 6%, giờ chỉ khoảng 5%”, ông Quyền cho biết.
Khó thì phải xoay. Một số DN xuất khẩu gỗ ở tỉnh Bình Định (trước đây chủ yếu làm hàng bàn ghế ngoài trời xuất sang EU) đang bắt đầu chuyển hẳn qua đầu tư làm bàn ghế trong nhà, xuất sang Mỹ, đồng thời tìm những đối tác mới.
Những yếu kém nội tại như trình độ quản trị của nhiều DN Việt Nam nói chung, trong ngành gỗ nói riêng, cũng là thách thức lớn. Trong khi đó, dây chuyền công nghệ sản xuất thì chủ yếu nhập từ Trung Quốc, chứ chưa dám nhập công nghệ tiên tiến, đòi hỏi đầu tư cao từ các quốc gia phát triển.
Dù còn rất nhiều điều phải lo nhưng ông Quyền cũng tỏ ra vui mừng khi cho biết, hiện đã có trên 20 DN 100% vốn trong nước (giá trị xuất khẩu hàng năm 40-50 triệu USD) đã mạnh tay đầu tư các dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại. Tuy nhiên để có thể nhân rộng, lan tỏa ra thì khá khó khăn, bởi “vốn đầu tư sẽ có từ đâu” luôn là yếu tố mấu chốt.
Và để xuất khẩu gỗ vượt qua được cuộc cạnh tranh, tiếp tục mở rộng thị trường, nắm bắt tốt các cơ hội mà các hiệp định thương mại mới mang lại, không thể không có sự hỗ trợ vĩ mô tầm Chính phủ. Theo ông Quyền đề nghị, đó là mở ra kênh vay vốn lãi suất thấp cho DN đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh.
Đó còn là những chính sách để có thể quy tụ nên các trung tâm công nghiệp ngành gỗ, biến việc trồng rừng còn manh mún, phân tán hiện nay thành những “cánh rừng mẫu lớn”. Có như vậy mới hình thành được chuỗi sản xuất, tăng cường được tính liên kết, chia sẻ và hỗ trợ để ngành này phát triển.