Ngành Ngân hàng Đồng Tháp: Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp
Ngành Ngân hàng Quảng Ninh khánh thành công trình đường điện dân sinh | |
Ngành Ngân hàng Đồng Tháp: Hợp sức gỡ khó cho doanh nghiệp |
Ảnh minh họa |
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh Đồng Tháp đạt 6,02%, cao hơn tăng trưởng chung cả nước ở mức 5,52%. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương cho rằng, có được kết quả đó là nhờ một phần quan trọng từ sự đóng góp tích cực của ngành Ngân hàng trên địa bàn.
Triển khai hàng loạt chương trình đẩy mạnh cho vay vốn, giảm lãi suất… dòng vốn ngân hàng chảy vào các DN đang hiện hữu giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời cũng góp phần đưa thêm 214 DN mới đi vào hoạt động, thu hút nhiều dự án đổ về…
Khơi dòng vốn từ ngay khâu thủ tục hành chính, đây là một trong những công việc được ngành Ngân hàng Đồng Tháp đẩy mạnh thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Quế, Giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Tháp khẳng định, trong 6 tháng đầu năm 2016, Chi nhánh đã chủ động chỉ đạo các NHTM trên địa bàn chú trọng việc rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, hồ sơ vay vốn;
Chủ động tiếp cận, nắm bắt và xem xét, giải quyết nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của cá nhân, DN, đặc biệt là DNNVV; thực hiện kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi, tập trung cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn; tập trung cho vay và phục vụ chương trình, đề án của tỉnh.
Nhận sự chỉ đạo trên, bản thân các NHTM cũng chủ động rà soát, cân đối khả năng tài chính, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất được triển khai trong thời gian này, như VietinBank thực hiện chương trình kết nối khách hàng tiềm năng đối với DN nhỏ với lãi suất 6-8,5%, DNNVV với lãi suất 7%, tiếp sức thành công với lãi suất 4,5-7%; cho vay phục vụ nông nghiệp nông thôn lãi suất 7%; chung sức vươn xa cùng DN xuất nhập khẩu với lãi suất USD 1,5-3,8%...
Hay như BIDV Đồng Tháp cũng triển khai chương trình cho vay khách hàng DN xuất nhập khẩu lãi suất VND 5-7%, USD 2-4,5%; gói tín dụng cạnh tranh VND với quy mô dư nợ tăng ròng 10.000 tỷ đồng lãi suất VND 5-6,5%; gói tín dụng ưu đãi tài trợ xuất nhập khẩu, cho vay DNNVV, nông nghiệp nông thôn lãi suất VND 6-7%, USD 3-5%...
Bên cạnh đó, các chi nhánh NHTM còn triển khai ký kết các hợp đồng hạn mức tín dụng, gia hạn nợ, ưu đãi lãi suất, nâng hạn mức tín dụng đối với khách hàng có năng lực, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, đặc biệt ưu tiên cho vay các DN hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực, ngành hàng chủ lực của tỉnh. Mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với DN khoảng 5-7%/năm, thấp hơn từ 2-3%/năm so với mặt bằng lãi suất chung. Hiện mức lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn khoảng 7%/năm, các chương trình cho vay khác trong khoảng từ 8-10%/năm.
Đặc biệt, việc triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - DN đã thúc đẩy dòng vốn vào các DN trên địa bàn. Doanh số cho vay kể từ đầu chương trình triển khai đến 30/6/2016 là 91.864 tỷ đồng. Dư nợ của 856 khách hàng (trong đó DN là 846) theo chương trình này là 14.315 tỷ đồng, tăng 459 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 3,31% so với quý II/2016.
Theo đánh giá của NHNN chi nhánh Đồng Tháp, chương trình duy trì và đạt kết quả tốt, nhu cầu vốn thực hiện các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, các DN hoạt động tốt đều được các NHTM thẩm định, giải ngân kịp thời, qua đó ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Kết quả là, theo số liệu NHNN chi nhánh Đồng Tháp, lũy kế từ đầu năm đến 30/6/2016, các chi nhánh NHTM trên địa bàn đã nhận có 92.915 hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng, trong đó hồ sơ đã giải quyết cho vay là 92.592 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ cho vay/hồ sơ đã thẩm định là 99,65%.
Kết nối chặt chẽ với các DN, đi sâu đi sát từng hoạt động của khách hàng, hệ thống ngân hàng Đồng Tháp vừa đẩy mạnh dòng chảy vốn vào các ngành sản xuất, vừa đảm bảo chất lượng tín dụng khá tốt. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Châu Hồng Phúc ghi nhận, tình hình hoạt động ngành Ngân hàng Đồng Tháp thời gian qua là an toàn, hiệu quả và có bước tăng trưởng, đã góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của địa phương.