Ngành Ngân hàng Hà Giang: Những dấu ấn chính sách
Ông Nguyễn Xuân Thịnh |
Đánh giá về kết quả tích cực này, ông Nguyễn Xuân Thịnh, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Giang cho biết, đó là nhờ hệ thống các TCTD trên địa bàn đã tích cực tập trung nguồn vốn cho các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, ngành NH tỉnh Hà Giang cũng tham gia tích cực vào công tác tham mưu, đề xuất chính sách và xây dựng chính sách phát triển kinh tế bám sát vào các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Xin ông cho biết một số nét chính về kết quả hoạt động của toàn ngành NH tỉnh Hà Giang trong năm vừa qua?
Trong năm 2016, nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tăng trưởng cao ở hầu hết các kênh huy động, đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế. Các TCTD trên địa bàn đã triển khai tích cực các giải pháp về huy động vốn như đa dạng hóa kết hợp với nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và chất lượng phục vụ khách hàng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng cáo, tiếp thị; triển khai các biện pháp về chính sách khách hàng thông qua các sản phẩm tiền gửi; tích cực chủ động tìm kiếm khách hàng mới...
Với các giải pháp đồng bộ này, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đến 31/12/2016 đạt 15.210 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương tăng 22,1%, vượt 69,5% kế hoạch năm 2016 đề ra.
Ở chiều ngược lại, nguồn vốn được đầu tư trở lại nền kinh tế cũng đã phát huy hiệu quả tích cực. Các chương trình, chính sách tín dụng được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế và xã hội. Các TCTD trên địa bàn đã tập trung nguồn vốn cho các chính sách phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là các chương trình, dự án nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng dư nợ đến 31/12/2016 đạt 14.673 tỷ đồng. So với năm 2015 tăng 21,9%, vượt 36,6% kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, bằng nhiều biện pháp tích cực nên trong năm 2016 nợ xấu của các TCTD trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã được kiểm soát ở mức thấp, chỉ chiếm 0,3% tổng dư nợ, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 đặt ra là dưới 3%, góp phần lành mạnh hóa tài chính và khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.
Nhờ đó, trong năm 2016 kết quả kinh doanh của các TCTD trên địa bàn hầu hết có lãi đã giúp cho hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn an toàn, hiệu quả, tạo niền tin cho nhân dân, doanh nghiệp, tăng cường tiềm lực tài chính tạo nguồn vốn cho tăng trưởng, tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên của đơn vị mình.
Hà Giang hiện vẫn được đánh giá là một tỉnh miền núi kém phát triển của cả nước nói chung và khu vực miền núi phía Bắc nói riêng. Ông có thể chia sẻ tại sao ở một địa bàn có ít điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nhưng đồng vốn vẫn phát huy hiệu quả như vậy?
Có thể nói ngành NH tỉnh Hà Giang trong những năm qua đã không ngừng mở rộng đối tượng phục vụ và các NHTM đã thực sự trở thành NH của toàn dân, không phân biệt thành phần kinh tế. Từng TCTD đã chủ động phát huy nội lực, tích cực huy động với các hình thức linh hoạt và nhiều biện pháp tích cực, do đó đã thu hút hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư vào NH. Nếu lấy năm 1991 để so sánh, thì tổng nguồn vốn huy động của các TCTD đến cuối năm 2016 (sau 25 năm tái lập tỉnh) đã tăng hơn 1.000 lần.
Song song với việc tăng cường huy động vốn, các TCTD đã nhận thức được việc đầu tư vốn vào các thành phần kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình hoạt động. Dư nợ tín dụng đầu tư cho tất cả các ngành kinh tế và thành phần kinh tế, xu hướng tăng lên hàng năm đã phản ánh rõ vai trò của hệ thống NH ngày càng tham gia mạnh vào quá trình đổi mới cơ cấu kinh tế, đáp ứng các nhu cầu vốn là động lực cực kỳ quan trọng để đầu tư và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tham gia chuyển dịch rõ rệt cơ cấu kinh tế theo ngành, theo thành phần kinh tế. Tổng dư nợ vốn tín dụng của ngành NH Hà Giang đến cuối năm 2016 cũng đã cao gấp hơn 2.000 lần so với năm 1991.
Để đạt được sự tăng trưởng vượt bậc này, ngành NH tỉnh đã sớm xác định phải bám sát vào các chương trình, dự án tín dụng nhằm tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Đồng thời, ngành cũng chủ động tham mưu, đề xuất các chính sách phát triển kinh tế cho tỉnh để cùng với cấp uỷ, chính quyền tỉnh Hà Giang xây dựng các kênh dẫn vốn hiệu quả, phù hợp với tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh.
Núi đôi Quản Bạ - điểm du lịch hấp dẫn của Hà Giang |
Cụ thể thì ngành NH tỉnh Hà Giang đã bám sát và thực thi chính sách tiền tệ, cũng như thực hiện công tác tham mưu cho NHNN và tỉnh như thế nào, thưa ông?
NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã quán triệt đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Ngành và các Nghị quyết, Chỉ thị, Thông báo của cấp ủy, chính quyền tỉnh có liên quan đến lĩnh vực hoạt động NH đến các TCTD. Đồng thời tham mưu với Thống đốc NHNN trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách về lĩnh vực tiền tệ và hoạt động NH.
Một số chính sách cụ thể được ngành NH Hà Giang chú trọng triển khai như tín dụng phục vụ nông nghiệp – nông thôn; chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với các dự án trọng điểm, dự án lớn có hiệu quả của tỉnh và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và quy định của pháp luật; đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu...
NHNN tỉnh Hà Giang đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hoạt động các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011 - 2015” trên cơ sở thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 843/QĐ-TTg, ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD”.
Thường xuyên giám sát hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng trên địa bàn. Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành và tổ chức các đoàn kiểm tra chuyên ngành của Chi nhánh đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động ngoại hối, kinh doanh vàng. Các TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định của NHNN Việt Nam về lãi suất tiền gửi, tiết kiệm tối đa chi phí để làm cơ sở giảm lãi suất cho vay; chấp hành nghiêm túc việc niêm yết lãi suất, tỷ giá, giá vàng tại nơi giao dịch.
Mới đây nhất, NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án Vay vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn đối với Hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ liên kết và Đề án Đầu tư tín dụng cho các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 – 2020 và hợp tác xã sản xuất theo mô hình liên kết với các xã viên. Đây đều là các đề án phát triển kinh tế được NHNN tỉnh nghiên cứu, tính toán phù hợp với định hướng phát triển của cả tỉnh Hà Giang trong giai đoạn tới.
Với nền tảng đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, ngành NH tỉnh Hà Giang đặt ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển như thế nào cho giai đoạn 2016-2020 tới đây, thưa ông?
NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã xác định một số chỉ tiêu cơ bản như nguồn vốn huy động tại địa phương tăng hàng năm từ 8% - 10%, dư nợ tín dụng tăng hàng năm trên 12%, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ dưới 2%.
Để đạt được các chỉ tiêu này, Chi nhánh NHNN tỉnh đã xác định các giải pháp chủ yếu. Theo đó, tiếp tục tăng cường vai trò quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động NH và ngoại hối trên địa bàn; bám sát chủ trương, định hướng và chỉ đạo của NHNN Việt Nam, các Nghị quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Thực hiện các giải pháp tín dụng linh hoạt theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng NH. Tăng cường mở rộng mạng lưới hoạt động của các TCTD trên địa bàn nhất là các khu vực nông thôn, nhằm cung ứng đầy đủ, thuận lợi các dịch vụ ngân hàng đến khắp các vùng.
Song song với đó là cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay, đồng thời nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng NH.
Tiếp tục cải tiến, tối ưu hóa quy trình gửi tiết kiệm, quy trình cung cấp dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ thanh toán khác... để giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ và thời gian chờ đợi của khách hàng đến giao dịch.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính theo Nghị quyết của Chính phủ, NHNN Việt Nam và của tỉnh; Tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý hoạt động ngoại hối, quản lý thị trường vàng...
Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát đối với các TCTD, cũng như tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD góp phần lưu thông dòng vốn tín dụng và nâng cao hiệu quả chu chuyển vốn trong nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông!