Ngành Ngân hàng Quảng Nam-Đà Nẵng: Hai thập kỷ, một chặng đường
Cách đây vừa tròn 20 năm (1/1/1997- 1/1/2017), Đà Nẵng và Quảng Nam được tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành hai đơn vị hành chính, nhân dịp này phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Võ Minh, Giám đốc NHNN CN TP. Đà Nẵng và ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc NHNN CN Quảng Nam về những khó khăn buổi ban đầu và kết quả đã đạt được cũng như định hướng phát triển của Ngành trên địa bàn.
Đà Nẵng “địa điểm vàng” thu hút các định chế tài chính trong và ngoài nước |
Ông Nguyễn Văn Diện: Cũng như các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Nam trong những ngày đầu, ngành NH phải đối mặt với nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất, con người, quy mô hoạt động... và mọi công việc gần như phải làm lại từ đầu. Lúc đó, toàn Ngành chỉ có 161 tỷ đồng nguồn vốn huy động và 259 tỷ đồng dư nợ của 3 chi nhánh NH gồm: VietinBank, BIDV và Agribank, 3 quỹ tín dụng nhân dân.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của cả hệ thống trên địa bàn cũng rất khiêm tốn, trụ sở làm việc tạm bợ vì các trụ sở chính đều nằm ở Đà Nẵng. Số lượng cán bộ, nhân viên vỏn vẹn 400 người, phần lớn cán bộ chủ chốt được điều động từ Đà Nẵng vào hỗ trợ cùng địa phương để xây dựng sự nghiệp của Ngành...
Ông Võ Minh |
Ông Võ Minh: Có thể nói, so với Quảng Nam, Đà Nẵng có nhiều thuận lợi hơn sau khi chia tách và trở thành đơn vị hành chính trực thuộc trung ương. Bởi từ cơ sở vật chất đến con người tại chỗ đã ổn định. Được sự chỉ đạo và quan tâm của lãnh đạo NHNN Việt Nam, cũng như của hai địa phương sau khi chia tách, Ngành xác định sự chi viện về con người cho Quảng Nam là quan trọng nhất. Không ít cán bộ của Ngành lúc bấy giờ đã tự nguyện xung phong vào công tác tại Quảng Nam, mặc dù phải xa gia đình và chấp nhận đối mặt với nhiều khó khăn từ chỗ ở, đến nơi làm việc.
Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của ngành NH trên địa bàn Quảng Nam?
Ông Nguyễn Văn Diện: Sau 20 năm, hệ thống các NH trên địa bàn Quảng Nam đã không ngừng hoàn thiện và phát triển về mọi mặt. Ngành đã tạo ra bức tranh mới của thị trường tiền tệ ở địa phương với hoạt động kinh doanh mở rộng đa dạng, trên cơ sở hạch toán kinh doanh và hành lang pháp lý hoàn thiện. Để thu hút và tạo nguồn vốn, các TCTD đã luôn tăng cường giải pháp huy động vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế, đây là yếu tố quan trọng bảo đảm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đến nay, tổng nguồn vốn huy động tăng gần 210 lần so với đầu năm 1997. Các TCTD bám sát định hướng của địa phương tập trung cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp - nông thôn và DNNVV. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng gấp 162 lần so với đầu năm 1997, mức tăng trưởng tín dụng hàng năm đạt ở mức bình quân 29,67%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Cơ cấu đầu tư vốn tín dụng phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng phát triển kinh tế ngành của địa phương.
Đi đôi với việc phát triển đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ NH, cơ sở hạ tầng và công nghệ NH cũng được các NH chú trọng đầu tư và hiện đại hóa, tạo thay đổi căn bản trong phương thức giao dịch giữa NH với khách hàng và trong quản lý, điều hành hoạt động NH. Đặc biệt, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được các NH trên địa bàn chú trọng phát triển. Đến nay, hầu hết các đơn vị hưởng lương ngân sách Nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản.
Sau 20 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, Đà Nẵng được xem như một điển hình của việc xây dựng, phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nhà ở xã hội?
Ông Võ Minh: Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Đà Nẵng đã có cách làm sáng tạo, huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nổi bật là kinh tế phát triển nhanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng, quy mô đô thị được mở rộng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và bộ mặt thành phố thay đổi rõ nét, công tác quy hoạch, quản lý đô thị tạo được nhiều ấn tượng tốt.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chính sách an sinh xã hội, chương trình thành phố “5 không”, “3 có” đạt được những kết quả tích cực. Đà Nẵng được xem như một điển hình của việc xây dựng, phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nhà ở xã hội. Trong thành quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của ngành NH. Đặc biệt, Đà Nẵng cũng là địa phương triển khai đạt kết quả tích cực chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở cho sinh viên, công nhân các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Cùng với sự hỗ trợ tích cực về nguồn vốn của ngành NH, thành phố đã chủ động khai thác và huy động các nguồn lực tài chính, đặc biệt là nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất cho phát triển nhà ở xã hội; hoàn thiện mô hình hoạt động quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người dân có nguồn tín dụng dài hạn để vay mua nhà trả góp và cho DN vay để phát triển nhà ở xã hội.
Quảng Nam từ một tỉnh nghèo, đến nay đã đứng vào hàng các địa phương phát triển mạnh của miền Trung, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành NH?
Ông Nguyễn Văn Diện |
Ông Nguyễn Văn Diện: Bám sát định hướng phát triển của tỉnh, triển khai kịp thời, đồng bộ các chủ trương, chính sách về điều hành tiền tệ của Chính phủ và NHNN Việt Nam, đi đôi với tăng cường công tác huy động vốn và đầu tư tín dụng, ngành NH đã phục vụ đắc lực việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, đã có trên 2.100 DNNVV được các NH đầu tư vốn với dư nợ hơn 7.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn được quan tâm. Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 7.700 tỷ đồng, chiếm 18,35% tổng dư nợ, với hàng chục ngàn khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, HTX và DN trên địa bàn nông thôn. Dư nợ cho vay nông thôn mới đạt gần 7.400 tỷ đồng với hàng trăm nghìn khách hàng còn dư nợ. Việc đẩy mạnh các chương trình tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn và cho vay xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống của người dân được cải thiện.
Bên cạnh đó, CN NHCSXH tỉnh đã cho vay các đối tượng chính sách hơn 3.650 tỷ đồng, với hàng trăm nghìn khách hàng còn dư nợ. Với chương trình cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, đã góp phần cùng toàn tỉnh giảm thấp tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động. Đến nay, nhìn lại một Quảng Nam đã thay da đổi thịt, từ không có gì, Quảng Nam đã vững vàng đứng vào hàng topten tỉnh, thành có nhiều cơ hội phát triển mạnh trên dải đất dọc duyên hải miền Trung.
Có trên 2.100 DNNVV được các NH đầu tư vốn với dư nợ hơn 7.500 tỷ đồng |
Trong những kết quả đạt được của TP. Đà Nẵng, có mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính-NH khu vực miền Trung?
Ông Võ Minh: Kể từ khi tách tỉnh và chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã trở thành “địa điểm vàng” thu hút các định chế tài chính trong và ngoài nước đến mở CN, văn phòng đại diện… là nơi tập trung nhiều nhất số lượng các TCTD trong các tỉnh thuộc khu vực miền Trung.
So với năm 1997, huy động vốn của toàn Ngành đến nay tăng gấp 82 lần (1.206 tỷ đồng/99.000 tỷ đồng) và tổng dư nợ trên địa bàn tăng hơn 44 lần (2.082 tỷ đồng/92.500 tỷ đồng), số CN TCTD tăng hơn 5 lần (11 CN/58 CN). Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính - NH khu vực đã được xác định là một trong những định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.
Để thực hiện được mục tiêu đó, ngành NH thành phố đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là phát triển hệ thống dịch vụ NH đa dạng đa tiện ích, trên cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ NH truyền thống, đồng thời tiếp cận nhanh dịch vụ NH hiện đại, nâng cao năng lực quản trị và trình độ nguồn nhân lực để hoạt động NH tăng trưởng bền vững, an toàn và hiệu quả. Tiếp tục phân bố mạng lưới phù hợp.
Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu và đáp ứng đủ các yêu cầu về điều kiện giao dịch được tiếp cận việc cung ứng các dịch vụ NH. Tăng cường sự liên kết hợp tác giữa các CN TCTD, giữa các CN TCTD với các định chế tài chính khác trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ NH mới, chuyển giao công nghệ, cung ứng các dịch vụ theo nhu cầu thị trường. Tăng cường các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thói quen sử dụng dịch vụ thanh toán qua NH trong các giao dịch kinh doanh và trong dân cư.
Kỷ niệm nào sâu sắc nhất đối với ông trong những ngày đầu vào “lập nghiệp” tại Quảng Nam?
Ông Nguyễn Văn Diện: Sau khi chia tách tỉnh, trụ sở NHNN CN Quảng Nam phải mượn tạm một ngôi nhà đã xuống cấp được xây dựng từ trước năm 1975 để làm việc. Nói chung cái gì cũng tạm cả từ việc ăn ở, sinh hoạt cho đến làm việc đều một chỗ trong ngôi nhà. Do vị trí ngôi nhà nằm ở khu đất thấp lại cạnh cống thoát nước lớn, nên mỗi khi đến mùa mưa lũ thì gặp cảnh “Nước lên, Tiền lên”.“Tiền lên” ở đây không phải là lên giá, mà tiền được đưa lên cao để tránh lũ. Khi nước lũ lên cao, anh em trong cơ quan phải tập trung chuyển tiền lên gác hai, phân công ngồi canh chừng...
Mùa mưa kho tiền bị ẩm ướt, ban ngày mang ra phơi cho đồng tiền được khô ráo, tuyệt nhiên không bị mất một đồng nào và ai cũng có ý thức để bảo vệ tiền sao cho thật an toàn. Ở đây, cái đạo đức nghề nghiệp của những anh chị em trong thời điểm khó khăn ấy, không tham lam, ích kỷ, biết chia sẻ, trung thực và nhiệt huyết với công việc.
Xin cảm ơn hai ông về cuộc trao đổi khá thú vị này!