Người dân cần tham gia từ ý tưởng
Xã hội hoá dịch vụ công: Cơ chế cản chất lượng | |
Y tế, Giáo dục: Hai lĩnh vực "nóng" trong dịch vụ công | |
Xã hội hóa dịch vụ công và những hệ lụy |
Nghiên cứu “Chi tiêu công cho Y tế, Giáo dục và Giao thông công cộng ở một số tỉnh tại Việt Nam - Một số quan sát và khuyến nghị” của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) tái khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc xây dựng các chương trình đầu tư công, nhất là ở những khu vực khó khăn.
Tuy nhiên, chất lượng của các dịch vụ này còn yếu, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng không đồng bộ với hỗ trợ về dịch vụ, người dân không được biết đến và không được giám sát chất lượng các hỗ trợ này.
Ảnh minh họa |
Việt Nam đứng thứ hai từ dưới lên (2007) và thứ năm từ trên xuống (2014) trong số các nước ASEAN về chi tiêu công cho y tế trên tổng chi y tế, tỷ lệ này có tăng lên theo thời gian (31% năm 2007 và 54,1% năm 2014). Tuy nhiên nghiên cứu được CIEM, AAV và các đối tác thực hiện tại 7 địa phương ở Việt Nam bao gồm cả thành thị (Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh, Trà Vinh) và nông thôn (Cao Bằng, Hà Giang và Đak Nông), từ tháng 7 đến tháng 9/2016 cho thấy khó khăn về đội ngũ y bác sĩ ở tuyến cơ sở (vừa thiếu vừa yếu) ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Theo ý kiến của không ít người dân, khám chữa bệnh miễn phí còn mang tính hình thức, qua loa và hời hợt; các loại thuốc được cấp phát thường không mang tính sử dụng cao. Chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến xã vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra cũng như nhu cầu của người dân do ít dịch vụ mang tính kỹ thuật cao, trang thiết bị y tế tại các trạm y tế xã còn lạc hậu, cũ kỹ, đội ngũ bác sĩ ở tuyến xã còn thiếu và yếu.
Chi tiêu công cho giáo dục trên tổng chi cho giáo dục của Việt Nam đứng thứ hai từ trên xuống trong khu vực ASEAN, phần lớn (gần 82%) chi này là chi cho thường xuyên. Điều này cũng có nghĩa là các nhu cầu đầu tư để cải tiến chất lượng giáo dục còn rất hạn chế. Các cơ sở đào tạo được giao tự chủ tài chính nhưng lại không được giao tự chủ mức thu học phí, do đó việc tự chủ tài chính là không thực chất.
So với các chương trình chi tiêu công đối với y tế và giáo dục, chương trình chi tiêu công cho giao thông công cộng không được đánh giá cao về sự phù hợp trong triển khai thực hiện. Nghiên cứu cho thấy, mặc dù người dân đóng góp đến 15% tổng số vốn các đường liên thôn liên xã được sửa chữa, thi công trong thời gian qua nhưng việc người dân tham gia xây dựng quy hoạch và giám sát các công trình này còn hạn chế, hời hợt và nhiều nơi chỉ là hình thức.
Chỉ 0,24 - 0,47% người dân biết về chương trình hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động trợ cước, trợ giá vận chuyển và cung cấp phương tiện vận chuyển, vốn được ưu tiên cho khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa.
Từ phân tích này, AAV khuyến cáo trong giai đoạn 2016-2020, cần ít nhất duy trì tỷ lệ chi từ NSNN cho các lĩnh vực y tế, giáo dục và giao thông công cộng. “Cố gắng không cắt giảm ngân sách cho giáo dục và y tế, ngay cả khi thực hiện cắt giảm chi NSNN nói chung”, Trưởng đại diện AAV Hoàng Phương Thảo phát biểu. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các tổ chức ngoài Nhà nước, đặc biệt là các tổ chức nhân dân, trong việc thực hiện các hoạt động phát triển y tế, giáo dục có tính chất bổ trợ ở các địa bàn khó khăn, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù.
Không chỉ cần đầu tư nguồn vốn, việc thay đổi cách thức triển khai chi tiêu công cho y tế, giáo dục và giao thông công cộng cần điều chỉnh theo hướng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân cũng là một trong những nội dung mà nghiên cứu của CIEM và AAV chỉ ra. Cách thức triển khai cần tập trung và hướng vào các đối tượng, đặc biệt là các đối tượng nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em gái... Cùng với việc giảm thiểu chi phí (thời gian và tài chính) cho quản lý hành chính, thành viên nhóm nghiên cứu khuyến nghị “Thời điểm hỗ trợ rất quan trọng, tránh để hỗ trợ đến với người dân quá muộn”.
Duy trì độ phủ của các dịch vụ này vẫn rất cần thiết, song nhóm nghiên cứu khuyến nghị hiệu quả thực chất phải gắn với chất lượng dịch vụ. Muốn vậy, tăng cường sự tham gia của người dân ngay từ khi xây dựng ý tưởng là rất quan trọng.
Để làm được điều này, cần tăng cường vai trò giám sát của người dân trong việc cung ứng dịch vụ công và trong phân bổ NSNN. Trong đó một điều kiện quan trọng là các cơ quan quản lý và đơn vị trực tiếp cung ứng dịch vụ phải thông báo đầy đủ thông tin (về loại hình hỗ trợ, mức độ hỗ trợ, mục tiêu hỗ trợ của hoạt động) cho cộng đồng dân cư. Với các ý kiến của người dân liên quan đến chi tiêu công, cần có giải trình kịp thời, xác đáng.
“Quan trọng chính sách phải đến với người dân và khi Dự án rút đi phải có cái đọng lại…”, Phó viện trưởng CIEM, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh nhấn mạnh.