Y tế, Giáo dục: Hai lĩnh vực "nóng" trong dịch vụ công
Đó cũng là chủ đề được nêu lên tại Hội thảo tham vấn Đổi mới quản lý và tài trợ Nhà nước đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và nhóm chuyên gia quốc tế của Cơ quan Phát triển hợp tác quốc tế Thụy Điển (SIDA) tổ chức.
TS. Đặng Thị Thu Hoài - Phó ban Chính sách dịch vụ công (CIEM) cho rằng, hiện nay Nhà nước đang thực hiện nhiệm vụ cung cấp 2 dịch vụ công này chưa tốt xét trên cả góc độ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hiệu quả đầu tư.
Ảnh minh họa
Ở góc độ thứ nhất, bà dẫn ra nghiên cứu của CIEM, 60% học viên trường dạy nghề, sinh viên đại học ra trường không làm việc được ngay, phải đào tạo lại. Thêm vào đó là sự quá tải ở các bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh kém, đã vậy còn thêm sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ...
Ở góc độ của người đầu tư, cơ chế hiện hành chưa khuyến khích các cơ quan, tổ chức của Nhà nước có nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công sáng tạo và hoạt động tốt.
Minh chứng thêm cho việc đầu tư kém hiệu quả TS. Nguyễn Trường Giang - Phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, riêng chi cho giáo dục đại học năm 2010 là 9.873 tỷ đồng, năm 2011 là 14.100 tỷ đồng, năm 2012 là 17.100 tỷ đồng.
Nhìn vào con số giá trị tuyệt đối, tuy nó được chi tăng lên theo từng năm, nhưng so sánh với tốc độ lượng sinh viên cũng tăng lên theo tỷ lệ thuận thì suất đầu tư trên một sinh viên mỗi năm lại một thấp đi, dẫn đến tính hiệu quả không được như mong muốn.
Chỉ ra sự bất cập trong vấn đề xã hội hóa giáo dục và y tế hiện nay, rất thẳng thắn TS. Nguyễn Trường Giang cho rằng: tự chủ tài chính là quan trọng nhưng nó chỉ hiệu quả khi tự chủ này đi kèm với sự tự chủ cả về bộ máy, quy mô… Ông cho rằng, việc áp dụng cơ chế tự chủ hiện còn mang tính nửa vời.
Ví như, theo Nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ, họ được tự chủ về tài chính, nhưng lại chưa được tự chủ về bộ máy nhân sự, quy mô hoạt động, cũng như quyền được tự định giá dịch vụ theo chất lượng phục vụ. Vì vậy, cần phải xác định khuôn khổ phạm vi trách nhiệm của Nhà nước đến đâu mới giải quyết được bài toán chất lượng dịch vụ công.
Trách nhiệm Nhà nước là cung cấp dịch vụ công nhằm khắc phục khiếm khuyết của thị trường, lấp những khoảng trống dịch vụ mà tư nhân không đầu tư. Nhà nước là người cung cấp nguồn lực lớn nhất và cũng là khách hàng lớn nhất đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, xét ở góc độ là khách hàng hay là người đầu tư thì Nhà nước cũng đều đang làm không tốt.
“Cách bỏ vốn đầu tư và tài trợ của Nhà nước cũng chưa hiệu quả”, bà Hoài nói và dẫn ra việc định mức học phí thấp được áp dụng đại trà cho mọi sinh viên khiến các trường đại học lâm vào cảnh không đủ trang trải chi phí, trong khi nhiều gia đình vẫn không đủ tiền cho con học đại học. Và tuy áp dụng mức giá dịch vụ y tế được đánh giá là còn thấp so với giá thị trường như hiện nay người nghèo đi chữa bệnh cũng vẫn phải chi thêm tiền.
Các ý kiến ở hội thảo cũng chỉ ra một trách nhiệm rất lớn của Nhà nước mà Nhà nước chưa làm đó là xác định chuẩn đầu ra, chuẩn chất lượng dịch vụ đối với hai lĩnh vực này. Một khi, chất lượng dịch vụ công tốt sẽ giảm gánh nặng chi phí cho người dân, giảm lượng chi của người dân dành cho khám, chữa bệnh và đi học, nhờ vậy kích thích tăng tiêu dùng, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng tốt hơn.
Linh Ly