Xã hội hoá dịch vụ công: Cơ chế cản chất lượng
Mặc dù chủ trương xã hội hoá cung cấp các dịch vụ công đã được nêu ra từ rất sớm, song tới nay thực hiện vẫn vô cùng hạn chế. Thực tế là Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ chốt trực tiếp cung ứng dịch vụ công. Điều này gây sức ép rất lớn lên ngân sách Nhà nước (NSNN). Tổng chi NSNN cho 3 ngành dịch vụ công quan trọng (giáo dục và đào tạo; y tế; khoa học, công nghệ và môi trường) đã tăng từ 14,77% trong tổng chi NSNN năm 2005 lên 24,9% năm 2013.
Còn nhiều bất cập liên quan tới cơ chế tài chính phục vụ việc cung cấp dịch vụ công |
Đó chỉ là một trong số rất nhiều bất cập liên quan tới cơ chế tài chính phục vụ việc cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam, được nêu trong Báo cáo Đổi mới cơ chế tài chính đối với dịch vụ sự nghiệp công, do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCEIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây.
Trên thực tế, chủ thể tổ chức và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công ở Việt Nam thời gian qua (như giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học công nghệ…) đang được quản lý giống như các cơ quan hành chính, vì vậy không phát huy được hiệu quả hoạt động của các đơn vị này.
Việc xã hội hoá cung ứng dịch vụ công mới chỉ được thực hiện ở cấp độ thấp. Lý do chủ yếu là chưa có cơ chế quản lý hiệu quả, chưa tạo sự bình đẳng giữa các cơ sở cung ứng dịch vụ, khu vực tư chưa đủ lớn mạnh… Song, mấu chốt của những vấn đề này có lẽ nằm ở cơ chế tài chính đang tồn tại nhiều bất cập.
Bà Mai Thị Thu, Giám đốc NCEIF phân tích, mô hình hiện tại của các đơn vị cung ứng là Nhà nước tham gia trực tiếp đầu tư vào các đơn vị công lập, sử dụng một phần kinh phí giải quyết các vấn đề liên quan đến các nhóm yếu thế. Dịch vụ và người sử dụng chưa được phân chia rõ ràng theo tính chất thiết yếu, mức độ đáp ứng của các nhóm thiết yếu.
Hiện nay, hoạt động tổ chức và cung ứng dịch vụ công tồn tại 2 cơ chế cung cấp nguồn tài chính cho các đối tượng khác nhau. Thứ nhất, nguồn tài chính cho các đơn vị tổ chức và cung ứng dịch vụ công đến từ NSNN cho các đơn vị cung ứng ngoài công lập và nguồn từ thu phí do người sử dụng dịch vụ chi trả.
Thứ hai, hỗ trợ tài chính cho người sử dụng dịch vụ, chủ yếu là đối tượng chính sách, khó khăn cần ưu tiên hỗ trợ thông qua hình thức Nhà nước trực tiếp cấp tài chính cho người sử dụng dịch vụ để tiếp cận dịch vụ công; hoặc từ các nguồn hỗ trợ từ cộng đồng.
Chính vì có nhiều cơ chế tài chính liên quan nên hiện nay trong hoạt động này còn tồn tại nhiều vướng mắc, hệ thống văn bản điều chỉnh chưa được đồng bộ. Việc song song tồn tại 2 phương thức tài trợ, đi cùng với đó là 2 cơ chế tài chính khác nhau khiến cho hoạt động tài chính của các đơn vị cung ứng dịch vụ, cũng như những hỗ trợ của Nhà nước đến đối tượng thụ hưởng còn nhiều bất cập.
Nhìn chung, tỷ lệ mà người Việt phải chi từ tiền túi của gia đình cho các dịch vụ công là cao hơn so với các nước khác, nhưng chất lượng dịch vụ lại không tương xứng.
Trong nhiều trường hợp, mức độ thiết yếu của đối tượng thụ hưởng chưa được bảo đảm. Hệ quả là có đối tượng thực sự khó khăn lại không được hỗ trợ, trong khi có nhóm đối tượng hoàn toàn có khả năng chi trả thì vẫn được hưởng ưu đãi. Cuối cùng, gánh nặng ngân sách ngày càng cao, nhưng hỗ trợ lại không đến đúng địa chỉ.
Với cơ chế tài chính như vậy, tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng rất thấp. Một mặt chính sách không khuyến khích các đơn vị này tìm thêm nguồn tài trợ bên ngoài, mặt khác cũng không giao cơ chế tự chủ, khiến họ khó vận hành theo cơ chế thị trường.
Bà Thu giải thích, vướng mắc hiện nay là do nhận thức vai trò của Nhà nước chưa thống nhất. Nhiều ý kiến lo ngại nếu xã hội hoá mạnh mẽ thì trách nhiệm Nhà nước trong đảm bảo sự tiếp cận của các nhóm yếu thế trong xã hội bị giảm đi. Vì nhận thức chưa rõ ràng như vậy nên khi thực hiện mới có nhiều rào cản.
Do đó, NCEIF kiến nghị việc đổi mới cơ chế tài chính đối với dịch vụ sự nghiệp công phải theo các nguyên tắc cơ bản của thị trường, vai trò của Nhà nước và thị trường đều phải được nâng cao. “Ở đây, không phải vai trò Nhà nước giảm, mà vai trò Nhà nước và thị trường đều phải được nâng lên. Chỉ có điều, vai trò ở khâu nào và nâng đến đâu thì xem xét”, bà Thu bổ sung.
Với tinh thần đó, trước mắt cần giải quyết được 2 vấn đề cơ bản là phương thức tài trợ (sử dụng kinh phí của Nhà nước) và các nguyên tắc để tính đúng, tính đủ giá dịch vụ. Theo đó, thay đổi phương thức tài trợ của Nhà nước, từ tài trợ cho đơn vị cung ứng dịch vụ sang tài trợ cho người sử dụng và theo sản phẩm đầu ra. Thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu cung ứng dịch vụ giữa các đơn vị công lập và ngoài công lập.
Đồng thời, để áp dụng nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí trong cung ứng dịch vụ công, thì giá thành dịch vụ và phí sử dụng dịch vụ phải được phân biệt rõ ràng để áp dụng cho các nhóm đối tượng khác nhau, NCEIF khuyến nghị.
Theo một báo cáo thực hiện tại 4 tỉnh Việt Nam, được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ thực hiện cho biết, sự hài lòng của người dân với cung ứng dịch vụ công hiện nay rất hạn chế. Đơn cử trong lĩnh vực y tế là mức độ không hài lòng với nhà vệ sinh, tình trạng quá tải... Khảo sát cũng cho biết, một tỷ lệ khá cao lên tới 42,5% người được phỏng vấn cảm nhận rằng bác sĩ và y tế, hộ lý chỉ có thái độ bình thường hoặc không tận tình. |