Xã hội hóa dịch vụ công và những hệ lụy
Đầu tư nhà nước kém, quản lý cũng lỏng lẻo
Những hạn chế và yếu kém của việc cung cấp các dịch vụ công khiến cho những vấn đề xoay quanh giáo dục và y tế chưa bao giờ hết nóng bỏng trong xã hội. “Người dân bây giờ nhiều lúc phải lựa chọn bằng cách “tự đi trên đôi chân của mình”. Họ đi nước ngoài để chi cho cả dịch vụ y tế và giáo dục khoảng vài tỷ USD mỗi năm. Xã hội hóa kiểu gì mà càng làm, người dân càng phải móc hầu bao ra nhiều hơn!”, TS Lê Đăng Doanh bức xúc nói.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, mỗi năm người dân chuyển hàng tỷ USD ra nước ngoài cho con du học. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2011 – 2012 có hơn 106.000 học sinh, sinh viên đi học tập ở nước ngoài. Theo ông Giang, lượng du học lớn là do một phần lớn người dân có điều kiện kinh tế thiếu tin tưởng ở chất lượng giáo dục đào tạo trong nước.
Xã hội hóa đầu tư cho y tế là giải pháp hóa giải tình trạng quá tải hiện nay tại các bệnh viện
Vấn đề ông Doanh và ông Giang nêu lên đã phản ánh một thực trạng về vấn đề quản lý nhà nước về dịch vụ công và xã hội hóa dịch vụ công.
Trong khi đó, báo cáo “Vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước và các bộ ngành trong giáo dục, y tế và hưu trí” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương công bố mới đây đã cho thấy, Nhà nước hiện giữ vai trò là “nhà tài trợ” chính cho hai lĩnh vực giáo dục và y tế, với mức đầu tư ngày càng tăng lên.
Cụ thể, tổng chi của Nhà nước chiếm khoảng 78% tổng chi cho giáo dục của toàn xã hội, chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm; tổng chi cho y tế có xu hướng tăng dần từ 5,2% GDP năm 2000 lên 6,6% GDP năm 2010. Nhưng dù nguồn ngân sách cho hai lĩnh vực này ngày càng được nâng cao, song vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu xã hội cả về số lượng và chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên gia tư vấn trong nước cho rằng: “Hiệu quả sử dụng các nguồn tiền từ ngân sách cho giáo dục và y tế còn thấp”. Lý do là các chính sách về lĩnh vực này đang được thiết kế chủ yếu dựa trên các yếu tố đầu vào, thay vì dựa trên yêu cầu thực.
“Ngân sách cấp cho trường đại học, cao đẳng dựa vào số sinh viên trong chỉ tiêu được phân bổ, chứ không phải dựa vào số sinh viên thực học ở trường (thường gấp 3, 4 lần số chỉ tiêu phân bổ một cách hình thức) và cũng không dựa vào số giảng viên”, TS Nguyễn Minh Thuyết, chuyên gia cao cấp phụ họa với nhận định của bà Dung. Với vai trò là “nhà tài trợ”, Nhà nước cũng chưa huy động được sự tham gia tích cực của khu vực ngoài Nhà nước, cách thức tài trợ còn chưa hợp lý, và yếu kém trong đánh giá hiệu quả tài trợ trong các lĩnh vực này.
Thực tế đã phản ánh rõ nét tình trạng trên, khi phần lớn các trường dân lập và tư thục ở Việt Nam không phải cơ sở cung cấp dịch vụ công, mà là cơ sở kinh doanh. “Nhà nước khuyến khích thành lập các trường này cũng là để huy động nguồn vốn từ xã hội bù đắp cho nguồn ngân sách rất có hạn của Nhà nước”, ông Thuyết lý giải. Do đó, đòi hỏi Nhà nước chi cho các trường dân lập và tư thục như cho trường công là điều không thể thực hiện được. Tương tự như vậy, trong lĩnh vực y tế, Nhà nước cũng chỉ có khả năng đầu tư cho bệnh viện công.
Hệ lụy là, sau gần 15 năm thực hiện chủ trương “xã hội hóa”, người dân - người sử dụng dịch vụ tốn nhiều tiền hơn nhưng không nhận được chất lượng đảm bảo… Điều này đòi hỏi cần xác định vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước trong việc bảo đảm các dịch vụ giáo dục, y tế trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế thị trường.
Nhà nước không nên trực tiếp cung cấp dịch vụ
“Nhà nước chỉ nên tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ chứ không trực tiếp cung cấp”, ông Chris Horne, chuyên gia tư vấn nước ngoài nói như vậy khi chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi quản lý của Nhà nước đối với các lĩnh vực dịch vụ công. Lời khuyên của chuyên gia này hàm ý cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, tuy nhiên phải phân định lại vai trò của Nhà nước trong quản lý để tránh tình trạng phát triển tràn lan như thời gian qua.
Sau gần 15 năm thực hiện chủ trương “xã hội hóa”, người dân - người sử dụng dịch vụ tốn nhiều tiền hơn nhưng không nhận được chất lượng đảm bảo… Điều này đòi hỏi cần xác định vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước trong việc bảo đảm các dịch vụ giáo dục, y tế trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế thị trường. |
“Xem xét dịch vụ xã hội, phải xem xét nhu cầu con người”, ông Horne giải thích, đồng thời đề xuất mô hình cái tháp với những nhu cầu thiết yếu nhất của con người ở dưới đáy, càng lên cao là những nhu cầu không đóng vai trò thiết yếu và dần thu hẹp lại. Vai trò của Nhà nước là đảm bảo cung cấp các dịch vụ cơ bản dưới đáy tháp. Tuy nhiên, dù có thể không cung cấp trực tiếp toàn bộ dịch vụ nhưng cần kiểm soát, tạo điều kiện để đảm bảo các dịch vụ đó được cung cấp đầy đủ.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, cần đặt ra các yêu cầu tối thiểu về giáo dục và y tế để thông qua đó đảm bảo công bằng theo chiều ngang, tất cả người dân phải bình đẳng và được cung cấp đầy đủ các yếu tố đó. Đồng thời cũng phải đảm bảo công bằng chiều dọc thông qua xã hội hóa, để ai có khả năng chi trả cao hơn sẽ được phục vụ theo đúng nhu cầu của mình.
Vì vậy, ông Lợi kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu và bổ sung các công cụ quản lý, ngoài các công cụ thuế - phí, cấp phép, đơn đặt hàng, trợ cấp – trợ giá… đang sử dụng hiện nay. “Nên nghiên cứu thêm hợp đồng hành chính, hợp đồng hợp tác công tư, không nên cái gì là dịch vụ công Nhà nước cũng làm mà giao cho đơn vị tư làm thì sẽ tốt hơn”, ông Lợi cho biết thêm.
TS. Lê Đăng Doanh cũng lưu ý, đổi mới quản lý Nhà nước trong dịch vụ công rất cần tính đến vấn đề liên ngành, những vấn đề xuất hiện mới và tính toán trước những vấn đề sẽ xuất hiện, làm biến đổi hệ thống. Chẳng hạn hệ thống dân số sắp tới sẽ già đi, số người có công hiện nay cũng giảm dần, thay vào đó số người tàn tật tăng lên… Trong hoàn cảnh đó, hệ thống chăm sóc y tế phải thay đổi như thế nào cho phù hợp.
Bên cạnh đó, ông Doanh cũng đề nghị cần bổ sung chức năng bảo vệ môi trường, rút kinh nghiệm từ bài học ô nhiễm không khí tại Trung Quốc mới đây. “Ô nhiễm như thế làm sao bảo vệ được sức khỏe, bảo đảm được y tế, cho nên Nhà nước phải bảo vệ môi trường nếu không sẽ dẫn đến thảm họa về y tế”, ông Doanh nhấn mạnh.
Ngọc Khanh