Người tiêu dùng cần gì ở ví điện tử?
Gia tăng kiểm soát ví điện tử | |
Thị trường thanh toán tạo thế chân kiềng |
Ảnh minh họa |
Ông Phạm Thanh Đức - Tổng giám đốc Ví điện tử Momo cho rằng, mặc dù hiện có gần 30 công ty trung gian thanh toán (fintech) có giấy phép hoạt động ví điện tử, nhưng thực chất chỉ có khoảng 3-4 ví điện tử được người tiêu dùng quan tâm và sử dụng thường xuyên. Bởi làm dịch vụ trung gian thanh toán hiện nay đầu tư vốn rất lớn, nhưng khả năng bị lạc hậu là rất cao do xu hướng công nghệ thay đổi từng ngày.
“Nếu ngày hôm nay ví điện tử của bạn công bố đứng đầu về giải pháp công nghệ nào đó ngay lập tức đâu đó trên trái đất này đang có sản phẩm khác ra đời phủ nhận toàn bộ công nghệ trước đó”, ông Đức nói.
Có lẽ chưa bao giờ ví điện tử nở rộ trên thị trường như lúc này, công ty fintech làm ví, ngân hàng ra ví. Nếu hơn 10 năm trước các ngân hàng đua nhau khoe công nghệ máy ATM và các loại thẻ rút tiền với khách hàng thì hiện nay các công ty fintech lại đua nhau khoe ví điện tử. Số liệu thống kê của Vụ Thanh toán (NHNN) đến nay cơ quan này đã cấp phép cho 26 công ty trung gian thanh toán, trong đó có hơn 20 sản phẩm ví điện tử đã được tung ra thị trường.
Trong đó, 5 công ty dẫn đầu, xét theo số lượng và giá trị giao dịch qua dịch vụ ví điện tử tính đến hết quý I/2019, lần lượt là: CTCP dịch vụ trực tuyến cộng đồng Việt (Payoo), CTCP dịch vụ di động trực tuyến (Momo), CTCP phát triển thể thao điện tử Việt Nam, CTCP công nghệ và dịch vụ Moca, Công ty TNHH ví FPT.
Thống kê của NHNN Việt Nam cũng đưa ra top 5 công ty có số lượng giao dịch qua dịch vụ công thanh toán bao gồm: Moca, ECPay (CTCP giải pháp thanh toán điện lực viễn thông), VNPay (CTCP thanh toán quốc gia Việt Nam), 123Pay (CTCP Zion), Ví FPT. Ngoài ra, giá trị giao dịch qua dịch vụ công thanh toán ECPay đứng đầu trong top 5, lần lượt tiếp theo là VNPay, 123Pay, OnePay và Ví Ngân Lượng.
Không phủ nhận sự ra đời của ví điện tử đã góp phần hạn chế thói quen tiêu dùng tiền mặt trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ. Ví điện tử hiện đang hoạt động như hình với bóng với ngân hàng, bởi người mở ví điện tử phải có tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử để chuyển tiền qua lại thanh toán những món hàng hóa nhỏ lẻ.
Thực tế cũng cho thấy những mối liên kết này được phát huy rất hiệu quả. Chẳng hạn ví điện tử Momo được hình thành rất sớm với sự đỡ đầu của Vietcombank, nên bây giờ cặp đôi Momo – Vietcombank vẫn đang song hành với nhau trên thị trường. Thậm chí, Momo còn trợ lực cho Vietcombank áp dụng thí điểm mô hình ngân hàng đại lý nhằm mang công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt về vùng sâu vùng xa, nâng khả năng tiếp cận tài chính đến với người dân nông thôn.
Một ví điện tử khác cũng gây được tiếng vang trên thị trường do hợp tác với ứng dụng gọi xe Grab đó là Moca, nhưng có lẽ người dùng ví này cũng chỉ phục vụ cho việc thanh toán các khoản cước vận tải. Mặc dù, ví nào cũng đầy đủ chức năng thanh toán và đã liên kết với hầu hết các NHTM để thuận tiện cho người dùng liên kết tài khoản…
Thế nhưng, người dùng ví điện tử hôm nay không phải chờ đợi ví điện tử đã liên kết với bao nhiêu ngân hàng, bởi dịch vụ internet banking và mobile banking đã giải quyết được bài toán thanh toán điện tử rồi. Điều người dùng ví điện tử mong muốn là ví điện tử phải liên kết được với bao nhiêu chuỗi bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường để họ có thể thanh toán nhiều món nhỏ lẻ trong cuộc sống hàng ngày.
Người tiêu dùng mong muốn không phải cài đặt quá nhiều app ví điện tử khác nhau, để rồi mỗi khi thanh toán cước phí truyền hình lại một ví, thanh toán điện nước lại ví khác, thanh toán đặt đồ ăn, thức uống lại một ví nữa… sẽ rất mất thời gian thao tác nạp tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản ví và quan trọng hơn hết là người dùng cài đặt app ví điện tử đầy máy điện thoại vẫn không đáp ứng được những nhu cầu thanh toán thiết yếu hàng ngày.