Thị trường thanh toán tạo thế chân kiềng
Khách hàng hưởng lợi khi ngân hàng nâng cấp công nghệ | |
Cạnh tranh ví điện tử gia tăng |
Thanh toán di động đang cạnh tranh khốc liệt với thanh toán ngân hàng truyền thống |
Rủ nhau lên mạng thanh toán ví
Trước ngày lễ Thống nhất đất nước 2 tuần, ứng dụng Grab thông báo tới khách hàng gọi xe công nghệ rằng việc thanh toán bằng mã phản hồi nhanh (QR Code) qua ví điện tử GrabPay by Moca tại 1.000 cửa hàng ăn uống ở các thành phố lớn sẽ được giảm giá 30% trên tổng hóa đơn các món đồ ăn thức uống. Cách nhận được khuyến mãi trực tiếp trên giá dịch vụ rất đơn giản, chỉ cần quét mã QR Code và điền mã khuyến mãi đã hoàn tất một cú thanh toán phi tiền mặt.
Đó chỉ là một trong khá nhiều các chương trình khuyến mãi mà các ví điện tử đang triển khai hiện nay. Sau một thời gian liên kết với ngân hàng để cho người dùng ví điện tử liên kết với tài khoản thanh toán theo quy định hiện hành, hiện các công ty công nghệ đang mở rộng liên kết với các nhà bán lẻ dịch vụ hàng hóa làm trung gian thanh toán. Chính điều đó đang tạo nên thế mạnh nổi trội của ví điện tử.
Đơn cử như ví điện tử Moca, nếu chỉ dừng lại ở việc cung ứng cho người dân mua thẻ cào điện thoại trả tiền trước, thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí truyền hình, bảo hiểm… có thể cũng chưa có nhiều người tiêu dùng biết đến. Trong một bước đi đột phá Moca đã liên kết với Grab tạo ra một hệ sinh thái vận tải - ẩm thực - thanh toán phi tiền mặt.
Theo đó, giới trẻ nhìn thấy có lợi ích từ các chương trình khuyến mãi trực tiếp bằng tiền khi mua hàng hóa dịch vụ đã thi nhau lên mạng chuyển tiền từ tài khoản trong ngân hàng sang ví điện tử thanh toán tại các chuỗi ẩm thực nước ngoài. Sáng cà phê Wayne’s Coffee, Viva Star Coffee, Guta Café, Mr Sành Café. Trưa ăn Cơm Tấm Cali, các món cuốn Wrap & Roll, Thai Express, Marukame Udon. Tối hẹn hò ăn lẩu Shabu Ya, Viet Street, Hotto... Các chiêu thức khuyến mãi tích điểm, đi xe đến các cửa hàng liên kết tặng tiền trực tiếp đã đủ lôi kéo giới trẻ lên mạng thanh toán các dịch vụ ăn uống và mua sắm thời trang trên các trang thương mại điện tử.
Nhìn chung mỗi một loại ví điện tử đều chọn cho mình những nhóm nhà cung ứng hàng hóa dịch vụ khác nhau để từ đó các ví điện tử tham gia tốt nhất trong vai trò trung gian thanh toán. Chẳng hạn, ví điện tử ZaloPay hiện có thế mạnh ứng trước tiền mua trên games online của công ty Vinagames, chuyển tiền liên ngân hàng miễn phí đến tận các thôn bản vùng sâu vùng xa. Ví điện tử Momo đã trở thành đối tác chiến lược của Home Credit trong việc thu hộ các khoản nợ vay tiêu dùng trả góp và rất nhiều các dịch vụ giá trị gia tăng…
Các công ty ví điện tử không chỉ cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho người tiêu dùng, mà họ còn đang thay đổi hành vi tiêu dùng và định hình lại hoạt động kinh doanh thương mại trên thị trường. Mới đây nền tảng tiếp thị trực tuyến mở Criteo mới đây đã hợp tác với Tugo - một công ty khởi nghiệp về du lịch Việt Nam, cùng với 5 hãng hàng không Vietnam Airlines, Air China, Singapore Airlines, Brunei Airlines và Qatar Airways, nhằm xây dựng quá trình mua sắm liền mạch.
“Các giải pháp họ (Criteo) đưa ra giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về sở thích du lịch cũng như khả năng chi trả của khách hàng. Chúng tôi rất vui khi tiếp tục hợp tác với Criteo để cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm đặt chỗ tốt hơn”, ông Nguyễn Minh Bảo, sáng lập và Giám đốc điều hành Tugo cho biết.
Theo Vụ Thanh toán NHNN, hiện cả nước có 26 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán ví điện tử. Tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng và trong năm 2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý 214 triệu giao dịch, đạt giá trị 91.000 tỷ đồng.
Viễn thông và cửa hàng bán lẻ tham gia thanh toán
Trong một diễn biến mới nhất, tại kỳ họp tháng 3/2019 Chính phủ đã giao Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với NHNN Việt Nam nghiên cứu và xây dựng phương án theo hướng thí điểm các nhà mạng viễn thông thực hiện dịch vụ thanh toán điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng (mobile money).
Thực tế, trên thị trường thời gian qua các món thanh toán nhỏ lẻ vẫn được người dân chi trả cho nhau bằng chuyển tiền qua thẻ cào điện thoại trả trước, nhưng các mệnh giá thẻ cào điện thoại vẫn chỉ sử dụng vào mục đích viễn thông theo quy định pháp luật chứ không được chuyển đổi thành tiền rút ra. Các chuyên gia cho rằng thị trường thanh toán có sự tham gia của các công ty viễn thông phải giải quyết được nạn sim rác mới đảm bảo an toàn.
Theo đó, các công ty viễn thông chỉ cho phép các thuê bao di động định danh đăng ký cụ thể mới cho tham gia thanh toán di động nhằm đảm bảo tính an toàn an ninh tiền tệ.
Thị trường thanh toán phi tiền mặt còn có sự góp mặt của các cửa hàng điện máy, nhà phân phối đang tham gia thu hộ các khoản phí và cước phí phải thu. Một điểm rất đáng quan tâm là các DN tham gia thị trường thanh toán đều miễn phí cho người dân trong khi hình thức thanh toán trên tài khoản thanh toán hiện vẫn phải đóng phí hàng tháng duy trì tài khoản và thanh toán khoản nợ nào lại mất phí khoản đó. Sự cạnh tranh trên thị trường thanh toán phi tiền mặt giữa các công ty công nghệ cung ứng sản phẩm ví điện tử để thanh toán di động, hệ thống phân phối và ngân hàng đang rất mạnh.
Nguyên Tổng giám đốc một NHTMCP ở TP.HCM cho biết, các nhà bán hàng đang tham gia thị trường thanh toán do họ cần dữ liệu người dùng để phân tích chuyên sâu tâm lý tiêu dùng phục vụ cho hoạt động bán hàng.
Thanh toán, huy động vốn và cho vay là 3 nghiệp vụ cơ bản của một NHTM. Thế nhưng trong xu thế phát triển của công nghệ, ngân hàng không thể thanh toán những món nhỏ lẻ nhanh bằng các công ty công nghệ. Thậm chí còn phải thực hiện theo các tiêu chuẩn an toàn ràng buộc, nên ngân hàng không thể mở rộng dịch vụ thanh toán như các công ty công nghệ.
Hiện một số ngân hàng đã được NHNN cho phép thí điểm kết hợp với các đơn vị công nghệ thông tin, viễn thông triển khai một số dịch vụ thanh toán tới khu vực vùng sâu vùng xa, giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân. Chẳng hạn, mô hình dịch vụ thanh toán do Vietcombank phối hợp với Công ty cổ phần dịch vụ di động trực tuyến (ví điện tử Momo), mô hình dịch vụ thanh toán do MB phối hợp với Viettel, mô hình dịch vụ thanh toán do PG Bank phối hợp với Petrolimex. Số món và giá trị giao dịch 3 mô hình đại lý ngân hàng rất lớn có ý nghĩa cao trong việc phủ rộng tài chính đến các các tầng lớp dân cư địa bàn rộng khắp.
Theo số liệu thống kê của Vụ Thanh toán thuộc NHNN, đến hết quý III/2018 đã có khoảng 74,9 triệu tài khoản so với thời điểm cuối năm 2014 số lượng mới vào khoảng 54,4 triệu tài khoản. Trong đó có khoảng 43,2 triệu người trưởng thành có tài khoản (quy định hiện cho phép người từ 15 tuổi mở tài khoản) tương đương với tỷ lệ 60,25% dân số, kế hoạch của Chính phủ vào cuối năm 2020 có ít nhất 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Tính đến cuối năm 2018 toàn hệ thống ngân hàng có 18.173 máy ATM và 294.503 máy chấp nhận thẻ (POS); số món thanh toán giao dịch qua ATM gần 650 triệu món, thanh toán qua POS trên 150 triệu món. Giá trị giao dịch qua POS tại thời điểm cuối quý III/2018 vào khoảng hơn 320 ngàn tỷ đồng và giao dịch qua ATM trên 1,8 triệu tỷ đồng. Số món và giá trị giao dịch qua thẻ lần lượt 193,8 triệu món và trên 163 triệu tỷ đồng. |