Người Tổ trưởng hết lòng vì sự nghiệp giảm nghèo
Cuối năm 2010, sau khi được nghỉ công tác tại UBND xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc (Hòa Bình), CCB Đỗ Viết Thạch về sinh hoạt tại xóm Trúc Sơn, được sự tín nhiệm của chính quyền cơ sở và bà con nhân dân, ông đã được bầu giữ chức Trưởng Ban công tác mặt trận kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn.
Tổ trưởng Đỗ Viết Thạch (áo đỏ) đến thăm hội viên phát triển sản xuất, chăn nuôi |
Vào thời điểm ấy, xóm Trúc Sơn vẫn là nơi khó khăn nhất của xã, nhất là việc sản xuất còn thuần nông, năng suất các loại cây trồng thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm hơn 36% tổng số hộ dân toàn xóm. Chính những thực tế đó đã thôi thúc ông Thạch quyết tâm nhận nhiệm vụ làm “cầu nối” để phổ biến các chế độ, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đến với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Từ nhận thức đó, lại được NHCSXH và Hội CCB địa phương giúp đỡ, ông hăng hái “miệng nói, tay làm” trong mọi công việc liên quan đến công tác tín dụng ưu đãi.
Liên tục 6 năm qua, không quản ngại gian nan vất vả, ông Thạch đã đến từng hộ gia đình tổ viên vận động, mạnh dạn vay vốn ưu đãi và sử dụng vốn vay vào thâm canh, chuyển đổi mùa vụ, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và mở thêm nghề phụ khi nông nhàn. Chỉ sau một thời gian ngắn, bà con đã tự nguyện xin tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, đến nay đã có 58 thành viên vay 1,5 tỷ đồng.
Ông Thạch cho biết, ngày nay giúp bà con tiếp cận nguồn vốn ưu đãi không khó khăn như trước vì NHCSXH đã đổi mới cách thức cho vay khá là thuận lợi, đơn giản; mặt khác nguồn vốn vay cũng như mức vay cũng được nâng lên nhiều, đủ để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đồng bào DTTS nên bà con rất phấn khởi, tin tưởng. Điều quan trọng nhất vẫn là làm gì để đồng vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả trong chương trình giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Thực tế cho thấy, từ khi ông Thanh làm Tổ trưởng thì Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Trúc Sơn đã thực sự trở thành nơi chăm lo quyền lợi đến các hộ vay vốn, thông qua những buổi sinh hoạt tổ, luôn có sự chỉ đạo, chứng kiến của Trưởng thôn, các tổ chức hội, đoàn thể và các thành viên luôn bàn luận sôi nổi, dân chủ, thực hiện bình bầu một cách công khai, minh bạch cho những thành viên được vay vốn ưu đãi thuận lợi, nhanh chóng.
Ngay sau khi các thành viên được vay vốn, Ban quản lý tổ còn trực tiếp hướng dẫn hộ vay sử dụng nguồn vốn vay vào sản xuất, kinh doanh sao cho đạt kết quả, đồng thời thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các hộ vay chấp hành đầy đủ mọi quy định về trả nợ, lãi đúng hạn.
CCB Đỗ Viết Thạch đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ tín dụng NHCSXH, chính quyền xã để xem xét kỹ từng hồ sơ vay vốn, sử dụng vốn vay cũng như đánh giá các mô hình phát triển kinh tế gia đình và khả năng trả nợ của tổ viên.
Cùng với đó, ông Thạch còn động viên bà con lồng ghép việc sử dụng vốn vay với đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất và tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm.
Sự nhiệt tình trong công tác cũng như phương pháp quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Trúc Sơn và Tổ trưởng Đỗ Viết Thạch đã góp phần tích cực vào kết quả giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở xã Toàn Sơn.
Số hộ nghèo giảm hàng năm từ 3 - 4%. Số hộ điển hình làm kinh tế giỏi ngày càng nhiều. Còn Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Trúc Sơn 5 năm liên tục đạt chất lượng hoạt động tốt. Bản thân người CCB - Tổ trưởng Đỗ Viết Thạch nhiều năm liền được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở làng quê “cửa ngõ” vùng Tây Bắc.