Nguồn vốn ưu đãi giúp Nam Sách giảm nghèo bền vững
Giảm nghèo bền vững tại Ninh Bình | |
Phú Thọ giảm nghèo bền vững | |
Giảm nghèo bền vững ở vùng miền núi Đồng Xuân |
Tại Hội nghị giảm nghèo năm 2016, ông Bùi Văn Tăng, Bí thư Huyện uỷ Nam Sách (Hải Dương) đã đánh giá công tác giảm nghèo bền vững của huyện đạt hiệu quả cao, có sự đóng góp rất quan trọng của NHCSXH. Các chương trình tín dụng ưu đãi không chỉ giải quyết vấn đề giảm nghèo, an sinh xã hội mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc, phát huy sức mạnh của cộng đồng, hình thành các mô hình phát triển kinh tế phù hợp và thiết thực.
Tại Điểm giao dịch xã Hồng Phong, các cán bộ NHCSXH huyện Nam Sách đang hướng dẫn bà con hoàn tất các thủ tục vay vốn |
Từ những năm qua, xác định tầm quan trọng của chương trình giảm nghèo bền vững trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, huyện uỷ, UBND huyện Nam Sách đã đề ra Nghị quyết, Kế hoạch và quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chương trình hành động để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, NHCSXH hoạt động với phương châm “đánh nghèo tại chỗ” và giúp hộ nghèo có “cần câu” chứ không cho “con cá”, nên đã chú trọng công tác phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, gắn với hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông - khuyến ngư và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.
Đặc biệt từ đầu năm 2015, NHCSXH huyện Nam Sách đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo địa phương ban hành văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, do đó tạo sự chuyển biến rõ rệt về công tác tín dụng chính sách trên địa bàn trong việc thống nhất phân bổ nguồn vốn, thu hồi nợ quá hạn và tăng trưởng nguồn vốn cho vay trực tiếp tới hộ nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn.
Từ những nỗ lực trên, doanh số cho vay đến nay của NHCSXH huyện Nam Sách đạt gần 50 tỷ đồng, tăng 12,8 tỷ đồng so với năm 2015, nâng tổng dư nợ sau 14 năm hoạt động đạt 227 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tác động tích cực, trực tiếp tới các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, các chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho xã Hồng Phong đạt chuẩn nông thôn mới từ tháng 8/2015. Giai đoạn 5 năm qua, số hộ nghèo đã giảm hơn 3/4, từ 10,1% còn 3,98%. Ông Vương Văn Sáng, Chủ tịch UBND xã cho biết, tác dụng giảm nghèo nhanh và bền vững ở Hồng Phong là nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách. Bà con sử dụng vốn đúng mục đích, tập trung đầu tư chuyển đổi sản xuất cơ cấu sản xuất, mở mang ngành nghề.
Tiêu biểu là chị Phạm Thị Thạc ở thôn Vạn Tảo được vay 50 triệu đồng vốn chính sách thông qua Hội Phụ nữ xã Hồng Phong đã đầu tư cải tạo chân ruộng trũng thành vườn trồng chuối tiêu hồng và bắp cải giống mới. Từ tiền bán chuối, rau và tích luỹ, chị mua thêm lợn nái, lợn bột về nuôi. Sau 3 năm cần cù lao động, gia đình chị vừa xây xong căn nhà 2 tầng khang trang kịp đón xuân Đinh Dậu và đang sở hữu 8 sào vườn rau xanh, quả tươi cùng chuồng lợn có 20 con.
Cũng như chị Thạc, gia đình bà Nguyễn Thị Hoài đã sử dụng 45 triệu đồng vốn vay của chương trình HSSV để chi phí cho cả 3 người con theo học đại học, cao đẳng. Hiện cô con gái lớn Nguyễn Thị Chi đã tốt nghiệp, làm giáo viên tại trường tiểu học xã Hồng Phong và cùng giúp đỡ gia đình trả hết nợ, lãi cho ngân hàng.
Bản thân bà Hoài còn được địa phương tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Vạn Tảo. Hiện nay, dư nợ của tổ trên 1,2 tỷ đồng và không có nợ quá hạn, tổ viên đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, điều đặc biệt tổ viên rất nhiệt tình tham gia gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH.
Từ nguồn vốn tín dụng HSSV mà giờ đây ước mơ đứng trên bục giảng của Nguyễn Thị Chi đã trở thành hiện thực |
Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách chủ động tiếp cận tới nguồn vốn chính sách, NHCSXH đã tăng cường phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện dịch vụ uỷ thác.
Đơn cử như Hội Phụ nữ xã An Bình đã tín chấp cho 448 hộ gia đình hội viên vay gần 10 tỷ đồng của các chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, HSSV có hoàn cảnh khó khăn và nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn…, đặc biệt hàng chục năm liền không có nợ quá hạn, lãi tồn động.
100% các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ xã quản lý được bầu chọn trực tiếp có đủ năng lực về quản lý vốn ngân sách và sự nhiệt tình trong công tác tập hợp, hướng dẫn tổ viên vay vốn, sử dụng vốn vay đầu tư vào sản xuất kinh doanh đạt kết quả. Đồng vốn đã tạo điều kiện cho hàng trăm gia đình do chị em phụ nữ làm chủ hộ có thêm nghị lực vươn lên phát triển kinh tế, tạo việc làm.
Tương tự, Đoàn Thanh niên xã Hợp Tiến đã tín chấp với NHCSXH huyện Nam Sách giúp đoàn viên, thanh niên tiếp cận 5 chương trình tín dụng với 1,9 tỷ đồng. Từ nguồn vốn chính sách, Câu lạc bộ thanh niên của xã đã tập hợp 12 thành viên hăng hái đào ao thả cá, mở xưởng cơ khí sản xuất nông cụ, để mỗi năm thu lãi ngót 200 triệu đồng.
Theo số liệu, trong 14 năm qua, thông qua các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH huyện Nam Sách đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 10,8% năm 2011 xuống còn 3,1% vào cuối năm 2015. Có thể nói, với sự chuyển biến mới về tư duy và phương pháp đầu tư tín dụng NHCSXH huyện Nam Sách đã đưa đồng vốn đến với người nghèo và các đối tượng chính sách, giúp họ để tổ chức sản xuất, vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới.