Nguy cơ bị đối tác ngoại thôn tính
Thời điểm để “lấn sân”
Ông Kan Trakulhoom - Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Tập đoàn SCG (Thái Lan) trong một sự kiện gần đây đã công bố sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, SCG đã đầu tư, mua cổ phần tại 19 công ty của Việt Nam với tổng tài sản trên 615 triệu USD, điển hình là CTCP Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Prime Group…
Bibica phải gọi thêm đối tác SSI làm “đối trọng” với nhà đầu tư ngoại
Trong số những công ty nội địa đã về tay SCG, không ít DN đang trong tình trạng khó khăn hoặc làm ăn thua lỗ nên buộc phải bán cổ phần cho tập đoàn này. Với bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, SCG cho rằng sẽ có nhiều cơ hội để mua lại DN Việt Nam với mức giá hấp dẫn. Chủ tịch SCG không ngần ngại khi bày tỏ quan điểm muốn hợp tác chia sẻ quyền lợi hoặc mua các DN của Việt Nam để cơ cấu lại sản xuất.
Những “cuộc tình” tay đôi, tay ba trên thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) thời gian gần đây khá nhiều, thậm chí có những vụ “đình đám” gắn với các tên tuổi lớn. Trên thực tế, hoạt động M&A đem lại lợi ích cho cả hai bên, DN bán thì giữ được hoạt động, công nhân có việc làm… Kẻ mua thì có cơ hội tiếp cận nhanh với thị trường trong nước, thêm khả năng tạo lợi nhuận… Nhưng đáng chú ý là việc thâu tóm không chỉ xảy ra với DN đã “hết thời” mà còn là câu chuyện của nhiều DN đang “phát tài”.
Theo nhận định của các tập đoàn nước ngoài, việc mua lại cổ phần chi phối ở những DN nội địa đã có tên tuổi trên thị trường sẽ giúp cho nhà đầu tư ngoại nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần cũng như có được niềm tin của người tiêu dùng. Chính vì vậy, những công ty có chủ mới này đa phần đều làm ăn có lãi khi có được sự hậu thuẫn về tiềm lực tài chính mạnh và công nghệ tiên tiến như bia Huda, gạch men Prime, Diana…
Ông Kan Trakulhoom cho rằng, việc mua lại hoặc liên kết với DN bản địa đem lại khá nhiều lợi ích cho nhà đầu tư nước ngoài vì không phải thâm nhập thị trường và xây dựng lại từ đầu. Với tỷ lệ sở hữu lên đến 35,65%, nắm giữ những vị trí chủ chốt và quyền điều hành quan trọng trong công ty Bibica, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc cũng đã thể hiện rõ sự chi phối đối với thương hiệu bánh kẹo Việt này.
Khả năng win - win rất khó
Chưa mất hoàn toàn khả năng kiểm soát, Bibica nhanh chóng có sự phòng thủ trước nguy cơ bị đối tác nước ngoài thâu tóm hoàn toàn. Động thái chống lại việc bị “mua đứt” là kêu gọi thêm nhà đầu tư trong nước, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tham gia làm “đối trọng”. Nhưng từ ví dụ của Bibica, quan ngại bị “hất cẳng” bao trùm tại nhiều DN có đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài.
Bởi với những DN có quy mô, thương hiệu, thậm chí còn dẫn đầu những ngành kinh doanh trong nước, sau cuộc ngã giá bán phần vốn lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài, DN cũng đã nhanh chóng bán đi thương hiệu bao năm gây dựng của mình. Kết cục là thương hiệu bị mất và cơ hội kinh doanh cũng không còn, lợi nhuận chuyển dần sang tay nhà đầu tư...
Song theo phân tích của một số chuyên gia, cũng có những cái bắt tay đem lại lợi ích cho cả đôi bên, khi hoạt động sản xuất kinh doanh ngày một phát triển, lợi nhuận thu về cao do biết phát huy thế mạnh của DN nội và ngoại. Điều này chỉ có thể đúng nếu hai bên giữ được vị thế cân bằng và DN nội phải giành được thế chủ động trong những vấn đề có tính chiến lược.
Nhưng trên thực tế điều này cũng rất khó bởi cuộc sáp nhập đã diễn ra sẽ có một bên muốn giành thế chủ động, kiểm soát cũng như điều hành DN theo hướng đi của mình, nếu không muốn nói để ghi lại dấu ấn riêng từ thương hiệu, tên tuổi của cá nhân, đất nước mình với thị trường mà họ hướng đến. Chính vì vậy, việc tồn tại song song “đôi bên cùng có lợi” chỉ diễn ra ở một chừng mực nào đó.
Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Bibica đã từng chia sẻ, đề xuất đổi tên và thay đổi HĐQT công ty chưa được Đại hội đồng cổ đông 2013 thông qua. Lotte đã cho thấy, mục đích cuối cùng mà tập đoàn này nhắm đến vẫn là thâu tóm và giành quyền kiểm soát với Bibica, chứ không chỉ dừng lại ở việc hợp tác chia sẻ thị phần, đôi bên cùng có lợi như mục tiêu ban đầu mà hai bên cùng hướng đến.
Nhật Minh