Nhà đầu tư nước ngoài tham gia XLNX: Mắc ở pháp lý và cơ chế
Ông Tomoyuki Kimura |
Theo ông, nếu Việt Nam mở cho các NĐTNN tham gia vào XLNX, họ có tham gia?
Tôi nghĩ, nếu Chính phủ cho phép thì nhiều khả năng họ sẽ tham gia.
Liệu đầu tư của họ có mang tính chiến lược, lâu dài?
Theo tôi, nếu là các NĐTNN chiến lược thì khi tìm kiếm các cơ hội tham gia vào thị trường Việt Nam và tìm kiếm hợp tác với các DN tư nhân hay DNNN, thông thường, họ muốn trở thành các cổ đông chiến lược thông qua nắm giữ cổ phần bởi họ muốn có tiếng nói có trọng lượng nhất định kiểm soát, quản lý đối với DN đó. Vì nếu họ chỉ là chủ nợ cho vay thì ảnh hưởng ý kiến của họ đối với DN sẽ rất hạn chế.
Điều đó hàm ý rằng, những NĐTNN muốn mua nợ xấu có thể về cơ bản không phải là các NĐT chiến lược mà họ vào thị trường này chỉ để tìm kiếm lợi nhuận, tức là họ mua nợ xấu tại một mức giá chiết khấu rất sâu, sau đó chờ giá trị của DN đó, của các tài sản đảm bảo (TSĐB) đi kèm với nợ xấu đó phục hồi thì bán đi để thu lợi nhuận. Vì vậy, có lẽ đây là động cơ chính của NĐTNN khi tham gia mua bán nợ xấu.
Ông có cho rằng việc NĐTNN tham gia mua bán nợ xấu cũng giống như là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)?
Tôi nghĩ chúng khác nhau. Đối với các NĐT FDI, họ có tầm nhìn chiến lược dài hạn, do đó họ sẽ tìm kiếm các đối tác trong nước để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài, đầu tư xây dựng nhà xưởng… Tất nhiên, khi đầu tư họ cũng kỳ vọng sẽ dần thu được lợi nhuận. Những không chỉ lợi nhuận mà họ còn tham gia vào quản lý, quản trị DN, nắm giữ cổ phần… và tầm nhìn của họ dài hạn và mang tính chiến lược hơn nhiều.
Trong khi với các NĐTNN muốn mua nợ xấu thì như tôi phân tích ở trên, họ sẽ nhìn nhiều về khả năng sinh lời và mang tính ngắn hạn hơn.
Nói như vậy không có nghĩa vai trò của NĐTNN không quan trọng mà sự tham gia của họ trên thị trường này cũng có thể mang lại nhiều lợi ích. Vấn đề đặt ra là cần làm gì để thu hút các NĐT này? Tôi cho rằng, có nhiều việc cần làm, trong đó, việc thành lập VAMC là bước tiến tích cực, nhưng để hiệu quả thì cơ chế định giá và đấu giá trong mua bán nợ xấu cần minh bạch.
Đặc biệt, trong trường hợp có nhiều NĐT muốn mua một khoản nợ xấu thì VAMC cần bán cho NĐT nào trả giá cao nhất. Cùng với đó, cần tăng cường hệ thống pháp luật liên quan trong xử lý tài TSĐB, đặc biệt liên quan đến vấn đề chuyển giao TSĐB. Theo đó, các yếu tố quan trọng nhất như quy định về phá sản, về giao dịch đảm bảo cần được sớm bổ sung, hoàn thiện.
Tài sản thế chấp nợ xấu được các nhà đầu tư quan tâm
Nếu các NĐTNN mua nợ xấu từ một DN với giá rất thấp và họ xác định sẽ không bán lại nợ xấu đó mà quay sang trở thành cổ đông chiến lược và thực sự tham gia vào hoạt động kinh doanh của DN này thì liệu đây có phải là dạng đầu tư FDI?
Đây là một cách mà chúng ta gọi là Debt equity Swap (chuyển nợ thành vốn cổ phần). Tại một số nước cũng từng có một số DN rơi vào khó khăn về tài chính lớn, họ không thể trả nợ các khoản vay từ các định chế tài chính hay các trái chủ. Trong những trường hợp như vậy, việc đầu tiên là họ sẽ cố gắng tái cấu trúc nợ, nhưng nếu các hoạt động tái cấu trúc này vẫn không đủ sức để giúp DN tồn tại thì những khoản nợ ngân hàng hoặc trái chủ này có thể được chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ sang cổ phần của DN đó. Do đó, nếu trường hợp như vậy xảy ra thì có thể được xem là một dạng FDI. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra khi có được một hệ thống pháp luật thật sự tốt.
Theo kinh nghiệm trên thế giới thì có trường hợp NĐT chuyển từ mua nợ xấu thành đầu tư dài hạn vào DN không?
Có. Ở một số nước, đôi khi có DN rơi vào tình trạng tài chính rất khó khăn nhưng DN vẫn còn những giá trị nhất định nên nếu các NĐT hay các DN khác quan tâm đến hoạt động kinh doanh của DN này thì họ có thể nhân cơ hội đó tiếp cận và đầu tư vào. Tuy nhiên, việc mua lại nợ xấu có vẻ không phải là cách mà các NĐT thường làm nếu họ thực sự muốn gắn bó lâu dài với các DN.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Lê thực hiện