Nhận diện thách thức của nông sản Việt trước “sân chơi” CPTPP
Ban hành Biểu thuế xuất nhập khẩu thực hiện Hiệp định CPTPP | |
Bộ Công Thương làm cơ quan đầu mối triển khai Hiệp định CPTPP |
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo |
Khó khăn còn nhiều, thách thức còn lớn
Theo các chuyên gia tại hội thảo, về cơ bản Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều ngành hàng, trong đó có nông sản Việt, nhất là các thị trường mà Việt Nam chưa có FTA song phương là Canada, Mexico… nhờ những ưu đãi về thuế quan. Đồng thời, các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, lao động… cũng sẽ là động lực để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. CPTPP sẽ giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư (cả FDI và tư nhân trong nước) cho nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, trong hội nhập, không phải tất cả bức tranh đều là màu hồng, mà rất nhiều áp lực, thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân trong quá trình triển khai các cam kết hội nhập một cách toàn diện, kịp thời, trách nhiệm hơn, từ đó bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp và người nông dân - đối tượng chịu tác động trực tiếp của quá trình hội nhập.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp Việt Nam đang đi chậm hơn so với các ngành khác và hiện có ba thách thức lớn đang phải đối mặt. Một là, năng suất lao động thấp, tổ chức sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ lẻ; Hai là, Việt Nam là một trong 5 vùng bị tổn thương lớn nhất về các cơn bão, áp thấp, biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu mỗi năm gây thiệt hại 1-2 tỷ USD, ảnh hưởng nặng nề tới nông dân và nông thôn; Ba là, hội nhập thương mại tự do vừa tạo cơ hội, vừa tạo thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi trình độ khoa học công nghệ chưa cao, năng suất thấp, giai đoạn đầu khó cạnh tranh.
Nhìn ở góc độ khác, PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế cho rằng: “Chất lượng tái cơ cấu nông nghiệp ở một số địa phương còn thấp; sản xuất chưa gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương phát triển thiếu bền bững; hạ tầng cho nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế… Hầu hết nông sản Việt hiện nay mới được xuất khảu dưới dạng thô; hoạt động xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương còn chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp chưa quan tâm tới bảo hộ sở hữ trí tuệ cho nông sản và rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng nhận định, điều đáng mừng là vượt qua nhũng khó khăn trước mắt, bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 của Việt Nam cũng đạt những khởi sắc nhất định. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2018 tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam ra thế giới đạt 26,59 tỷ USD, chiếm ty trọng trên 10,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam. Sơ bộ 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD.
Cần cơ chế phối hợp và giải pháp đồng bộ
Trong khuôn khổ hội thảo một số chuyên gia đề xuất những giải pháp hết sức thiết thực nhằm giải quyết vấn đề một cách toàn diện và đồng bộ cho nông sản Việt trước “sân chơi” CPTPP.
Đó là vấn đề quy hoạch sản xuất cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, có quy mô và tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; công tác quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm xuất khẩu từ khâu sản xuất đến gia công theo tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và thị thường xuất khẩu cũng cần quan tâm đúng mức. Cùng với đó là nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực của cán bộ cấp chứng thư đối với hàng nông sản xuất khẩu; việc tháo gỡ, ứng phó với các rào cản kỹ thuật cũng cần được chú trọng.
Bên cạnh đó, cần tận dụng hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa Việt Nam với đối tác xuất khẩu; Xây dựng lộ trình và kế hoạch thúc đẩy mở thị trường ngoài cho các mặt hàng nông sản trên cơ sở nhu cầu, thị hiếu của thị trường xuất khẩu và thế mạnh hàng nông sản.
Ngoài các giải pháp trên, các chuyên gia tại hội thảo cũng đề xuất việc tăng cường công tác phổ biến thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đổi mới công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp xuất khẩu và tăng cường xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản.
Song song với các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, cần nghiên cứu tổ chức Tuần hàng hoặc Lễ hội hàng nông sản đặc sắc Việt Nam trong và ngoài nước, kết hợp với việc mời cơ quan truyền thông tại sở tại đưa tin rộng rãi về các hoạt động này. Căn cứ nhu cầu, đặc điểm thị trường xuất khẩu, nghiên cứu khả năng xây dựng thương hiệu, bao bì riêng cho hàng nông sản Việt Nam tại từng thị trường cụ thể.
Với quan điểm “Vì nông dân và nông dân làm chủ”, ông Thào Xuân Sùng – Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhận định: “Chúng ta phải nhận thức được thuận lợi, cơ hội, cũng như khó khăn, thách thức, nhất là lĩnh vực thương mại nông sản khi Việt Nam ngày càng đi sâu vào CPTPP và EVFTA để vượt qua khó khăn, thách thức, giành được những thắng lợi to lớn và có lợi cho người nông dân”.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh: Đã đến lúc ngành nông nghiệp và người nông dân Việt Nam cần chủ động đổi mới, không chỉ trong mô hình sản xuất nông nghiệp mà phải tiếp cận bài bản hơn nữa với thị trường quốc tế giàu tiềm năng.
“Sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với hình thức sản xuất mới cho phép sử dụng các công nghệ mới, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ, bảo đảm tăng năng suất lao động, cũng như chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu cao của các hàng rào kỹ thuật của thị trường châu Âu và thị trường CPTPP... là những điều kiện sống còn để ngành nông nghiệp nói riêng và các ngành công nghiệp nói chung hội nhập hiệu quả và thành công” – ông Trần Tuấn Anh nói thêm.