"Miền đất hứa" của các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi
Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp khó Giá nông sản nhập khẩu cao gây sức ép cho sản xuất thức ăn chăn nuôi |
Lấp đầy những khoảng trống
Trong khi đó, theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước chỉ có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh với tổng công suất thiết kế đạt 43,2 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất thực tế chỉ đạt 20,8 triệu tấn, đạt khoảng 48% do năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đánh giá, mức độ khai thác của các nhà máy chỉ đạt 48% là quá thấp.
Nhu cầu của thị trường ngày càng mở rộng, nhưng nguồn cung trong nước còn hạn chế là một trong những lý do đưa Việt Nam thành điểm thu hút các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi toàn cầu.
Mới đây, Cargill - tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, sản phẩm công nghiệp và dịch vụ tài chính đã khánh thành nhà máy Provimi Premix mới tại khu công nghiệp Giang Điền (Đồng Nai). Nhà máy này có tổng vốn đầu tư khoảng 28 triệu USD trên diện tích 30.000 m2, công suất 40.000 tấn/năm, nhiều gấp đôi nhà máy cũ.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp lớn trên thế giới cũng đang vào Việt Nam thông qua việc sáp nhập và mua lại các nhà sản xuất thức ăn thủy sản và gia cầm. Thương vụ đình đám nhất trên thị trường thời gian qua là Công ty DeHeus (Hà Lan) đã chi khoảng 700 triệu USD mua toàn bộ mảng thức ăn chăn nuôi của Masan MEATLife, Tập đoàn Masan - nơi sản xuất lượng thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 6% tổng sản lượng cả nước). Sau thương vụ, 14 nhà máy tiếp quản từ đối tác đưa tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi của De Heus tăng lên gấp đôi.
Tạo điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh
Ông Phạm Đức Thắng, Tổng Giám đốc ngành Dinh dưỡng Vật nuôi của Cargill Việt Nam và Thái Lan cho biết, trong thời gian tới, doanh nghiệp mong chờ vào việc tiếp tục cải cách và tăng cường tính minh bạch của các cơ quan quản lý nhà nước để doanh nghiệp có điều kiện phát triển hơn trong tương lai.
Bên cạnh những kỳ vọng về chính sách, ông Nguyễn Duy Hải, Giám đốc Kinh doanh – Thức ăn chăn nuôi, Công ty TNHH Bühler Asia Việt Nam cho rằng, áp dụng công nghệ là “chìa khóa” để phát triển bền vững. Hiện doanh nghiệp chi 5% tổng doanh thu hàng năm, tương đương với hơn 150 triệu USD cho nghiên cứu và phát triển máy móc, cơ khí, cùng với đẩy mạnh các hoạt động số hóa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đặt các nhà máy gần khách hàng nhất để có thể tiết kiệm chi phí và đưa giải pháp phù hợp nhất với thói quen và tập quán vận hành của địa phương để đa dạng hóa khách hàng.
Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Xuân Dương, cần tập trung giảm chi phí nhập khẩu; Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cần rà soát, đổi mới công nghệ theo hướng nông nghiệp xanh, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm và kiểm soát được chỉ số cacbon trong quá trình sản xuất.
Cùng với đó, theo các chuyên gia, chính quyền địa phương cần có cơ chế khuyến khích đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảng biển, kho bãi chuyên dùng phục vụ xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu; tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thuế, phí để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư, tham gia mở rộng sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi.