Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị
Giá hàng hóa quay đầu suy yếu sau hai ngày tăng mạnh Nông sản hướng đến thị trường tiềm năng |
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhất Tâm, xã Ea Đar, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) hiện đang liên kết với 200 hộ dân trồng ca cao trên địa bàn, với tổng diện tích hơn 100ha. Khi tham gia liên kết, các thành viên được cung ứng nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng với giá cả phù hợp theo từng thời điểm. Đồng thời, bà con nông dân được tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch… giúp việc canh tác cây ca cao đạt năng suất và chất lượng cao.
Để tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm liên kết với hộ nông dân, hợp tác xã đồng thời liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Qua thời gian xây dựng thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác để hợp tác tham gia vào chuỗi liên kết, đến nay hợp tác xã đã tạo được cho mình chỗ đứng khá ổn định. Hiện hợp tác xã được nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất sô-cô-la tìm đến đàm phán, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trung bình mỗi năm, hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 300 tấn hạt ca cao ướt và hạt ca cao khô lên men; giúp các thành viên có nguồn thu nhập ổn định. Cùng với việc sản xuất hạt ca cao, hợp tác xã cũng đã tận dụng lượng nước ép từ hạt ca cao để tạo ra sản phẩm mới là ca cao lên men với sản lượng 10.000 lít/năm. Đến nay, ca cao lên men của hợp tác xã đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, người cung ứng với thị trường tiêu thụ sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu sản phẩm |
Bên cạnh đó, còn có thể kể đến một số chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Ea Kar như sản phẩm lúa ST24, ST25 giữa Công ty TNHH MTV Cà phê 721 với các hộ dân trồng lúa; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng giữa Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Quang Minh với Tổ hợp tác Đồng Tiến Phát; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai lang giữa Công ty cổ phần TMDV Xuất nhập khẩu Hương Cao Nguyên với hợp tác xã Nông nghiệp 714… Tất cả đều đang mang lại hiệu quả cho các bên tham gia.
Theo UBND huyện Ea Kar, trong giai đoạn 2022 - 2025, huyện đặt mục tiêu xây dựng và phát triển 9 liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với 9 sản phẩm chủ lực như: lúa gạo, vải thiều, nhãn, mít, gà thịt, trứng gà, thủy sản, heo rừng lai, bò thịt và các loại rau.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xây dựng được 114 chuỗi liên kết do UBND các cấp thực hiện; 10 chuỗi liên kết do doanh nghiệp và người nông dân tự liên kết. Hầu hết, các chuỗi liên kết có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Trong đó tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: cà phê, tiêu, lúa gạo, cây ăn trái....
Tính đến thời điểm hiện tại, địa phương này có khoảng 150 hợp tác xã nông nghiệp, 276 trang trại, gia trại và hơn 15.500 hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar, từ các hoạt động hỗ trợ, đến nay trên địa bàn huyện hình thành được các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa và các liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông hộ sản xuất.
Sơ kết 5 năm thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chính sách theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP của tỉnh còn gặp không ít khó khăn như trình độ sản xuất của các hộ nông dân chưa đồng đều nên khó đáp ứng các yêu cầu trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tâm huyết đồng hành sản xuất với nông dân còn ít; chính sách hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết có tỷ lệ đối ứng cao nên nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chưa mặn mà...
Trước những ý kiến của đại diện các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã nêu ra những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các kiến nghị, giải pháp để thực hiện hiệu quả Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk lưu ý, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; cần rà soát văn bản, tham mưu trình HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết ban hành hỗ trợ theo đúng nội dung, hồ sơ, trình tự theo quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khai thác, tận dụng lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị.
Ông Văn nhấn mạnh, các sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, bố trí lồng ghép các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh để thực hiện chính sách; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về sản xuất, chế biến, xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh và bền vững…