Hà Nội: Phê duyệt Đề án nông nghiệp đô thị
Nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh tái cơ cấu
|
Làng hoa Mê Linh - Hà Nội |
Theo đó, Đề án nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội được thực hiện theo quy hoạch của Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt đối với chùm đô thị bao gồm các loại đô thị: Đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, thành phố thuộc Thủ đô, các đô thị sinh thái, các thị trấn chiếm 40% diện tích đất tự nhiên của toàn thành phố. Đề án cũng áp dụng ở các huyện dự kiến phát triển thành quận và khu vực nông thôn trên cơ sở thực hiện quy hoạch nông thôn.
Các địa phương cụ thể trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm các vùng theo vị trí trong không gian đô thị và mức độ tác động của đô thị hoá sẽ chịu sự điều tiết của Đề án nông nghiệp đô thị.
Theo Đề án, khu vực đô thị hóa ổn định bao gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầy Giấy, Quận Hà Đông, Thị xã Sơn Tây. Ngoại thị - Khu vực đô thị hóa nhanh và khu vực nông thôn ven đô sẽ trở thành đô thị trong tương lai gần bao gồm các quận Long Biên, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Mê Linh, Thường Tín. Ven đô - Khu vực nông thôn ổn định ở ngoại thành bao gồm các huyện Sóc Sơn, Đan Phượng, Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ. Thời gian thực hiện triển khai đề án từ năm 2024 - 2026 và tầm nhìn 2030.
Trong đó nội dung Đề án bao gồm: Đánh giá kết quả nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2022; Phân tích các yếu tố tác động tới quá trình thực hiện phát triển nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội; Quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đề án nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội; Tổ chức thực hiện đề án và kết luận, kiến nghị.
Thực hiện những mục tiêu này, ngành nông nghiệp Thủ đô cũng như các huyện, thị xã cần tập trung phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn thực phẩm, anh ninh dinh dưỡng, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và nhu cầu của dân cư đô thị.
Đặc biệt, cùng với thực hiện nghiêm quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, phát huy vai trò của nông nghiệp đô thị trong hỗ trợ hoạt động dịch vụ du lịch, tạo không gian xanh, bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch nông nghiệp đô thị, nông nghiệp nông thôn, bảo vệ môi trường. Phát triển các mô hình vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã số vùng trồng cung ứng cho đô thị; tăng tỷ lệ che phủ xanh thông qua nông nghiệp đô thị…
Trong điều kiện quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, việc áp dụng công nghệ mới để tăng sản lượng cây trồng, vật nuôi cũng là vấn đề mà nền sản xuất nông nghiệp đô thị phải đặc biệt chú trọng. Theo đó, các địa phương phát triển nông thôn mới theo hướng đô thị nông nghiệp công nghệ cao, đô thị văn minh; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…