Xuất khẩu nông sản: Cơ hội song hành với thách thức
Cơ hội lớn đối với xuất khẩu nông sản
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 10/2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 4,81 tỷ USD, tăng 7,43% so với tháng 9/2023 và tăng 11,9% so với tháng 10/2022.
Trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam tiếp tục giữ vững tại nhiều thị trường. |
Lũy kế 10 tháng năm 2023, do giá trị xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chính giảm sâu, nên tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị tăng, nông sản 21,94 tỷ USD, tăng 17%. Trong đó, có sự đóng góp tích cực bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 4,91 tỷ USD, tăng 78,9%; gạo 3,97 tỷ USD, tăng 34,9%; hạt điều 2,92 tỷ USD, tăng 14,8% và sản phẩm chăn nuôi 402 triệu USD, tăng 22%.
Trong 10 tháng năm 2023, nhòm ngành hàng nông, lâm, thuỷ sản tiếp tục giữ vững tại nhiều thị trường. Trong đó, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng nông sản Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,8%, tăng 16,2%; Hoa Kỳ chiếm 20,6%, giảm 20,8% và Nhật Bản chiếm 7,5%, giảm 8,5%.
Các thị trường khác vẫn giữ duy trì tương đối ổn định, với giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến từ các thị trường thuộc khu vực châu Á khoảng 21,13 tỷ USD, tăng 5,7%; châu Mỹ 9,74 tỷ USD, giảm 20,6%; châu Âu 4,5 tỷ USD, giảm 11,8%; châu Phi 910 triệu USD, tăng 21,6%; châu Đại Dương 641 triệu USD, giảm 17,2%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định trong bối cảnh khó khăn như năm 2023, ngành nông nghiệp đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao nhờ vào nỗ lực của toàn ngành trong việc tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trong 3 quý năm 2023, ngành nông nghiệp tăng trưởng cao trên nhiều lĩnh vực như: trồng trọt tăng 2,6%, cao trong nhiều năm trở lại đây, ngành chăn nuôi tăng 5,1%, lâm nghiệp tăng 3,2% và thủy sản tăng 3,6%.
Đứng trước cơ hội gia tăng năng lực xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại…
Thách thức không nhỏ
Tuy nhiên, đi đôi với cơ hội lớn bao giờ cũng có nhiều thách thức. Các chuyên gia nêu rõ, các đối tác nhập khẩu yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn thực phẩm và yêu cầu xử lý kiểm dịch động thực vật. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh về chất lượng và giá thành của nông sản Việt Nam còn hạn chế. Sản phẩm qua chế biến sâu còn ít. Xây thương hiệu chưa được đầu tư đúng mức…
Đơn cử tại Gia Lai, địa phương hiện có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê, cao su, sắn lát, tiêu, sản phẩm gỗ, rau cũ quả… Các sản phẩm này có mặt tại khoảng 40 quốc gia…
Thế nhưng, trong khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu có chưa đến 10 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu sang thị trường 12 nước thành viên Hiệp định EVFTA. Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, nông sản của địa phương có cơ hội lớn khi vào thị trường EU, song có không ít thách thức đối với các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và chế biến. Do đó, việc nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản thông qua nâng cao chất lượng chế biến để giúp ngành nông nghiệp địa phương tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, sở hữu trí tuệ… đang được các thị trường nhập khẩu kiểm tra khắc khe |
Bên cạnh đó, EVFTA cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông sản, đòi hỏi sự nỗ lực với những cam kết sâu rộng và toàn diện như việc thực thi các cam kết trong EVFTA về các vấn đề thể chế, môi trường kinh doanh. Trong đó, yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, sở hữu trí tuệ… Đó là những thách thức lớn đối với doanh nghiệp cũng như bà con nông dân. Do đó, người nông dân cần phải thay đổi phương thức thức canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm mới đáp ứng được yêu cầu hàng hoá cho xuất khẩu…
Hay như, ngành hàng thuỷ sản Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi việc vướng “vòng kim cô” “thẻ vàng” Ủy ban châu Âu (EC) chưa được gỡ bỏ. Mặc dù, thời gian qua, 28 địa phương ven biển và các bộ ngành liên quan đã nỗ trong chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định). Những hiện nay vẫn gặp những khó khăn thách thức. Vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm. Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng chức năng xử phạt 2.111 vụ vi phạm các quy định khai thác IUU, với số tiền hơn 44 tỷ đồng.
Do đó, theo các chuyên gia, để khai thác và phát triển thị trường xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới; tận dụng cam kết của Việt Nam trong các FTA để nâng cao năng lực cạnh tranh và xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường tiềm năng. Từ thực tế đó, các chuyên gia khuyến nghị, các địa phương, doanh nghiệp cần nghiên cứu, bám sát diễn biến kinh tế-chính trị thế giới, khu vực và các nước lớn, các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế để dự báo và tham mưu có hiệu quả.
Đồng thời, tổ chức các hình thức hướng dẫn nâng cao hiểu biết chuyên sâu cho doanh nghiệp về làm thế nào để tận dụng được các FTA, về khả năng pháp lý, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, các địa phương cần quan tâm nâng cao giá trị xuất khẩu hàng hoá, hàm lượng chế biến, tận dụng tốt và hiệu quả nhất những lợi ích mà các hiệp định này mang lại, giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến quy tắc xuất xứ hàng hoá, hiểu rõ hơn về các cam kết mở cửa thị trường nông sản để đưa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới.