NHCSXH Lào Cai: Nuôi dưỡng quyết tâm thoát nghèo bền vững
Nếu như những ngày đầu thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), chỉ với dăm ba triệu đồng vốn, chăn nuôi đôi ba con lợn có thể giúp một hộ nghèo bước qua cánh cửa thoát nghèo sau vài năm, thì nay, sau 15 năm với tiêu chí thu nhập hộ nghèo đã qua 4 lần thay đổi và tăng gấp 4 lần, quy mô sản xuất ấy chẳng thấm tháp gì.
Cán bộ NHCSXH huyện Sa Pa giải ngân dự án chăn nuôi bò tại xã Bản Phùng |
Chính vì vậy, dòng vốn tín dụng từ NHCSXH chi nhánh Lào Cai đã và đang lan tỏa vào đời sống những năm qua cả về lượng và chất đã nuôi dưỡng tinh thần, quyết tâm thoát nghèo của từng người dân, thổi vào bức tranh giảm nghèo của Lào Cai những gam màu tươi mới.
Khơi tạo phát triển kinh tế hàng hóa
Đây cũng là câu chuyện mà ông Lý A Bầy, dân tộc Dao, thôn Bản Trang, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát tâm huyết chia sẻ. Nhớ lại năm 2008, nghe đài, đọc báo, thấy nhiều nơi thoát nghèo, thoát đói từ việc vay vốn NHCSXH, lúc đầu ông Bầy chưa tin tưởng lắm.
Nhưng được cán bộ ngân hàng và tổ hội tuyên truyền, ông cũng mạnh dạn vay vốn với số tiền 15 triệu đồng của NHCSXH huyện Bát Xát để chuyển đổi từ trồng ngô sang nuôi trâu sinh sản. Nhiều người thấy ông bỏ trồng ngô, suốt ngày tất tả bên con trâu, mưa rét lo làm chuồng trại, sưởi ấm, rồi tiêm phòng khuyên ngăn “trồng ngô không tốn tiền nhưng có hạt ngô để ăn, nuôi trâu thì đến bao giờ mới hết đói”.
“Đến vợ con tôi cũng không muốn tôi bỏ ngô, nuôi trâu sinh sản, chỉ có một mình tôi quyết tâm”, ông kể. Sau năm đầu tiên bỡ ngỡ sang năm thứ hai, sự chăm chút của ông cho trâu mẹ cũng được báo đáp bằng một nghé con ra đời. Theo thời gian, thêm hai rồi ba con nghé nữa ra đời, gia đình ông đã trả hết vốn ngân hàng.
Nhưng ông vẫn băn khoăn, nếu cứ nuôi 3-4 con trâu thì có tiền nhiều đấy nhưng không tiêu được, bán thóc lúa lại được rất ít, không đủ mua những vật dụng cần thiết cho gia đình. Nên năm 2014, một lần nữa ông lại mạnh dạn vay NHCSXH huyện với số tiền 30 triệu đồng vốn sản xuất kinh doanh để đầu tư mua máy xay xát. Thu mỗi năm vì thế cũng được hơn trăm triệu, bữa ăn đã có thêm thịt cá, rau. Ngôi nhà mới cũng được cất lên tiện nghi với xe máy, ti vi, tủ lạnh…
“Trước đây, đói ăn triền miên tôi rất sợ khi nghĩ đến việc phải làm nhà, cưới vợ cho hai thằng con trai tôi khi chúng lớn lên. Nhưng giờ đây cả hai con của tôi đã có vợ con và nhà cửa đàng hoàng, con cháu được ăn học đầy đủ. Đó cũng là nhờ vào sự quyết tâm không cam chịu đói nghèo của bản thân tôi, sự nhận thức của vợ con tôi trong việc thay đổi cách làm ăn, quyết tâm làm giàu từ vốn vay NHCSXH”, ông nói.
Ở quy mô lớn hơn như huyện Sa Pa, để cộng hưởng cùng các chương trình tín dụng của NHCSXH, huyện cũng đã ban hành nhiều nghị quyết hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, chuyển dần từ cơ chế hỗ trợ cho không sang cho vay bằng nguồn ngân sách địa phương thông qua NHCSXH từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống cho người dân.
Cũng bởi vậy, đến nay Phòng giao dịch NHCSXH Sa Pa đã giải ngân cho 3.106 hộ chăn nuôi trâu bò với số tiền 97.386 triệu đồng. Riêng thực hiện cho vay bằng nguồn vốn từ ngân sách huyện cho 117 hộ vay số tiền 910 triệu đồng. Từ nguồn vốn cho vay thông qua NHCSXH huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần duy trì và phát triển đàn đại gia súc theo từng năm. Hiện tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện là 11.965 con... góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn huyện.
Điểm tựa phát triển nông thôn mới
“Có thể khẳng định rằng một phần lớn hộ vươn lên thoát nghèo, đủ ăn và có tích lũy hàng năm là có phần đóng góp tích cực từ nguồn vốn vay NHCSXH”, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai Đinh Minh Hà nhìn nhận. Những nỗ lực giảm nghèo của Lào Cai thêm rõ khi đặt trong bối cảnh của một tỉnh miền núi biên giới, có diện tích tự nhiên 6.357 km2, gồm 8 huyện, 1 thành phố, 164 xã, phường, thị trấn trong đó có 139 xã đặc biệt khó khăn, với 2.123 thôn, bản, tổ dân phố. Toàn tỉnh có 25 dân tộc anh em, dân số trên 68 vạn người, trong đó hơn 70% dân số làm nông nghiệp và sống ở khu vực nông thôn.
Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Lào Cai Nguyễn Hải Hà cho biết, phát huy vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, 15 năm năm qua chi nhánh đã tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo.
Từ nguồn vốn hoạt động ban đầu năm 2003 của NHCSXH tỉnh Lào Cai là 163,7 tỷ đồng, đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai đã chủ động khai thác, tranh thủ các nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến 31/8/2017, tổng nguồn vốn đạt 2.433 tỷ đồng, tăng 2.259,3 tỷ đồng so với đầu năm 2003 - gấp 14,8 lần, bình quân tăng 161,3 tỷ đồng/năm.
Đây cũng là nền tảng để chi nhánh triển khai các chương trình tín dụng chính sách sâu rộng vào đời sống. Từ 2 chương trình cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm, hiện Chi nhánh NHCSXH đang thực hiện quản lý và cho vay 14 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi. Tổng dư nợ đến 31/8/2017 là: 2.423 tỷ đồng với 71.354 hộ dư nợ, tăng 2.260 tỷ đồng so với ngày đầu thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân 21%/năm.
Con số tín dụng hiện tại ấy cũng chỉ là một phần những nỗ lực của cán bộ chi nhánh trong công cuộc bơm vốn xóa đói giảm nghèo. Nhìn lại hành trình 15 năm 340.537 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, với tổng doanh số cho vay 6.152 tỷ đồng.
Với hệ số sử dụng vốn hàng năm đạt trên 99%, vốn tín dụng chính sách góp phần phát triển chăn nuôi: đàn trâu, bò trên 148.000 con; lợn: 524.000 con; Nuôi trồng thuỷ sản (cải tạo, đào mới, hồ, ao): 1.959 ha; Trồng rừng và cây ăn quả trên 18.000 ha. Tạo việc làm cho 136.180 lao động, trong đó đi lao động tại nước ngoài là 1.027 người; 34.204 công trình cung cấp nước sạch và 34.000 công trình vệ sinh theo chuẩn quốc gia; xây dựng nhà ở theo Quyết định 167, Quyết định 33 được: 7.214 căn nhà. 22.135 HSSV được vay vốn để theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và học nghề.
Nguồn vốn vay đã giúp cho trên 110 ngàn hộ có sự cải thiện về cuộc sống, chuyển biến về nhận thức, cách thức làm ăn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo hàng năm của tỉnh.
Các nguồn lực tài chính khác cũng đã giúp Lào Cai phát triển mạnh về kinh tế - xã hội trong những năm qua, góp phần giúp cho 90.089 lượt hộ thoát nghèo. Riêng giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện giảm nghèo theo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 34,3% năm 2015 xuống 27,41% năm 2016, vượt chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo năm 2016, trong đó tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/NQ-CP bình quân giảm trên 8%/năm. Những chuyển biến này đã và đang góp phần đưa Lào Cai trở thành trung tâm, động lực phát triển của vùng Tây Bắc. Hết năm 2016 toàn tỉnh đã có 28/144 xã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Những nền tảng 15 năm qua, là điểm tựa để NHCSXH Lào Cai vững bước với những kế hoạch đề ra mạnh mẽ hơn.Dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10%; phấn đấu đến năm 2020 dư nợ đạt trên 3.300 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,2% tổng dư nợ. Hàng năm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 5 - 8%, tạo việc làm mới cho 2.000 - 5.000 lao động; 30 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới; huyện Bảo Thắng được công nhận là “huyện nông thôn mới”.
Để hoàn thành mục tiêu này, chi nhánh cũng đặt mục tiêu cho riêng mình trở thành một ngân hàng hiện đại, vừa làm tốt chức năng tín dụng ưu đãi của Nhà nước, vừa phát triển các dịch vụ tài chính đối với người nghèo, người có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách khác.
Và để chính sách có thể hòa quyện vào các chương trình phát triển kinh tế tỉnh, với việc các tổ chức chính trị đoàn thể chung tay cùng NHCSXH như những năm qua, thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, NHCSXH đặt mục tiêu cùng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh nâng cao vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Chủ tịch UBND cấp xã trong quản lý tín dụng chính sách xã hội, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội và xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Đồng thời, đề nghị địa phương quan tâm hơn, dành một phần ngân sách bổ sung nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH tỉnh để thực hiện cho vay phục vụ trực tiếp các dự án phát triển kinh tế của tỉnh.