NHCSXH tích cực giúp hộ cận nghèo trên địa bàn Bạc Liêu thoát nghèo bền vững
Hiệu quả tín dụng chính sách tại vùng mỏ Quảng Ninh | |
Đổi thay từ vốn vay ưu đãi ở Hòa Vang | |
Phát triển kinh tế từ đồng vốn chính sách |
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Chung ở ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu khi anh đang chăm sóc đàn gà trên 500 con. Nhìn đàn gà chen chúc kiếm ăn cả một khoảng sân rộng, anh nhẩm tính: “Hơn 1 tháng nữa đàn gà sẽ xuất chuồng, với giá thị trường hiện nay là 75 nghìn đồng/1kg thì gia đình mình sẽ có thu nhập khoảng 60 triệu đồng, như vậy mình đã tự tin để đầu tư tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi gà”.
Anh Nguyễn Văn Chiến ở ấp Trung Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi đang chăm sóc vườn rau |
Được biết, những năm trước đây, gia đình anh Chung có hoàn cảnh rất khó khăn, nhà có ít đất nên phải thuê đất để nuôi tôm nhưng hết lần này đến lần khác đều bị thất bại. Cả nhà có 6 nhân khẩu, cuộc sống nhiều lúc bế tắc không có vốn để chuyển nghề khác vì địa phương chỉ mới xem xét cho vay đối với hộ nghèo mà gia đình anh lại thuộc diện hộ cận nghèo nên không được vay vốn ưu đãi, cả gia đình đành đi làm thuê, làm mướn quanh năm.
Tháng 6/2013, nghe thông báo NHCSXH có chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo anh xin gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn và được ngân hàng cho vay số tiền 16 triệu đồng. Nhận được tiền vay, vợ chồng anh bàn bạc và quyết định mua 200 con gà giống đạt chất lượng, tận dụng cây gỗ quanh nhà để làm chuồng. Sau gần 4 tháng chăm sóc, vợ chồng anh rất vui mừng vì ngay đợt đầu xuất chuồng gia đình đã có lãi hơn 13 triệu đồng. Đợt sau với đàn gà 400 con, anh xuất chuồng bán gà đúng vào dịp tết Nguyên đán 2014, lãi gần 20 triệu đồng. Sau khi hoàn trả vốn vay đợt đầu cho NHCSXH, anh tiếp tục mở rộng chuồng trại và đề nghị được xét cho vay vốn hộ cận nghèo 30 triệu đồng để tiếp tục mở rộng quy mô đàn gà lên 500 con, trồng 500m2 hẹ bông và mở rộng chăn nuôi.
Hiện nay, với mức thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/tháng, gia đình anh Chung là một trong những gia đình tiêu biểu vay và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ chương trình hộ cận nghèo để vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Chiến ở ấp Trung Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi được xét cho vay 15 triệu đồng của chương trình hộ cận nghèo, gia đình anh mua máy bơm nước, hạt giống, phân bón để trồng rau cải. Với quy trình trồng rau sạch do Trung tâm khuyến nông huyện tập huấn, anh dành một diện tích 500m2 trồng rau cải, hành, hẹ, ớt các loại cho vợ anh hàng ngày mang ra chợ bán. Để có tích lũy, anh trồng thêm 2.000m2 dưa leo, mỗi vụ thu hoạch gia đình anh có lãi từ 7 - 10 triệu đồng. Hiện nay, cuộc sống của gia đình anh bước đầu ổn định, có thể sắm sửa các phương tiện sinh hoạt trong gia đình.
Anh Chiến tâm sự: “Nếu không có đồng vốn ưu đãi hộ cận nghèo thì gia đình tôi chưa biết lúc nào mới thoát cảnh khó khăn được. Vốn vay này thật có ý nghĩa vì giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, mang lại nguồn thu nhập ổn định”.
Đến huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) chúng tôi gặp gỡ anh Danh Thi là một trong rất nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Tà Suôl, xã Lộc Ninh được xét cho vay 20 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo đâu tư nuôi lợn, thả cá. Anh Danh Thi cho biết: “Vợ chồng tôi rất chăm chỉ làm ăn nhưng gia đình thuộc diện khó khăn từ hồi nào đến giờ, từ khi được vay vốn NHCSXH tôi tích cực nuôi heo, nuôi cá, đến nay gia đình đã ổn định cuộc sống, cứ đà này thì chỉ vài năm sau là chúng tôi sẽ có kinh tế khá so với bà con trong ấp”.
Để phát huy hiệu quả vốn vay chương trình hộ cận nghèo, trong thời gian tới chi nhánh NHCSXH tỉnh Bạc Liêu tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi hộ gia đình nắm vững và hiểu rõ quy định về cho vay của NHCSXH, cơ chế tạo lập nguồn vốn, khơi dậy ý thức tự lực tự cường để giúp người dân phát huy hiệu quả nguồn vốn. Đồng thời xây dựng mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động có hiệu quả và thực hiện có hiệu quả chương trình kiểm tra, giám sát vốn vay tại cơ sở.