Nhiều dư địa cho thị trường thủy sản nội địa
Ngày 8/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Phát triển thị trường tiêu thụ cho thủy sản nội địa”. Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý đề xuất những giải pháp phát triển chế biến tiêu thụ thủy sản nội địa trong thời gian tới. Đồng thời, là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà quản lý thay đổi lại phương thức sản xuất nhằm phục vụ cho thị trường nội địa lên tới gần 97 triệu dân.
Thị trường nhiều tiềm năng
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, mức tiêu thụ sản phẩm thủy sản theo đầu người của Việt Nam đang tăng trưởng hàng năm (năm 2017 đạt khoảng 31 kg/người). Dự kiến, đến năm 2020, mức tiêu thụ này có khả năng sẽ đạt 33 - 35 kg/người.
Ông Toản dự báo, mức tiêu thụ thủy sản tại thị trường nội địa sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi người dân có mức thu nhập cao hơn, dân số ở nông thôn thay đổi, số người thành thị và có thu nhập cao tăng lên. “Thị trường tiêu thụ thủy sản vẫn là một thị trường đầy tiềm năng mà chúng ta cần quan tâm phát triển hơn nữa”, ông Toản nhấn mạnh.
Ông Đào Xuân Hiếu, Phó Trưởng phòng Phát triển thị trường thủy sản (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản) thông tin thêm, tốc độ tăng trưởng về giá trị các mặt hàng thủy sản đang tăng mạnh so với tốc độ tăng trưởng số lượng cho thấy giá trị gia tăng các sản phẩm thủy sản đang cải thiện.
“Nếu như năm ngoái, số tiền thu về từ xuất khẩu thủy sản đạt 8,3 tỷ USD thì tiêu thụ trong nước cũng đem về 1 tỷ USD. Dư địa tiêu thụ thủy sản nội địa còn rất lớn”, ông Hiếu nói.
Ngoài phục vụ xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến thuỷ sản đã bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường nội địa. Cụ thể, ngoài 600 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu còn có gần 4.000 cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ, các làng nghề chế biến thủy sản mà mỗi năm chế biến được khoảng trên 540.000 tấn sản phẩm với giá trị trên 20.000 tỷ đồng và sử dụng đến 40.000 lao động.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường thủy sản nội địa như: Xây dựng các mô hình chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn (hơn 1.000 chuỗi với hơn 3.000 địa điểm bán sản phẩm tại 63/63 tỉnh, thành); xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm: nước mắm Phú Quốc, Nước mắm Phan Thiết, Mắm tôm Hậu Lộc, chả mực Hạ Long, sá sùng Vân Đồn…; xây dựng thương hiệu quốc gia cho: tôm, cá tra, cá ngừ Việt Nam…; phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm: tôm thẻ chân trắng, cá rô phi…
Nên thay đổi tư duy “người Việt thì dễ tính”
Ông Đào Xuân Hiếu cho rằng, một trong những điểm yếu nhất hiện nay là khâu quản lý chất lượng còn lỏng lẻo vì nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản vẫn có quan niệm sai lầm khi cho rằng thị trường trong nước thì dễ tính nên không chú ý tới chất lượng sản phẩm.
“Cứ cái gì ngon, bổ, an toàn thì chúng ta đem đi xuất khẩu. Tuy nhiên, quan điểm này cần xem xét lại. Người Việt cũng cần phải được sử dụng sản phẩm an toàn bằng hoặc thậm chí cao hơn so với sản phẩm xuất khẩu”, ông Hiếu chỉ rõ.
Bên cạnh đó, tính minh bạch trong vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ cũng chưa tốt. Ông Hiếu cho hay, giá cả nhiều khi không phải vấn đề lớn khi người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra 500.000 - 600.000 đồng để mua một cân cua, miễn sao sản phẩm đó an toàn.
Ông Hiếu cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức đối với việc phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa: Thiếu sự kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước với địa phương, doanh nghiệp; công tác giám sát, quản lý giữa các Bộ, ngành còn chồng chéo, trùng lắp gây khó khăn cho doanh nghiệp; quy mô nuôi trồng chủ yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu mặt bằng, thiếu vốn, trang thiết bị lạc hậu; sản lượng khai thác ngày càng giảm, chi phí khai thác ngày một tăng lên nên tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất cho các mặt hàng này; khâu tiếp thị, bán hàng còn hạn chế…
Để thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề xuất, cần rà soát, bổ sung, thay thế những chính sách không phù hợp, nghiên cứu đề xuất thêm những chính sách mới nhằm thu hút nhà đầu tư, liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ.
Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn sản phẩm về thực phẩm phù hợp; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng cho hoạt động của cơ sở...
Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng thủy sản của các làng nghề đến được các thị trường lớn; củng cố và phát triển tốt các chợ nông thôn, hình thành các chợ đầu mối nhằm khơi thông tốt thị trường; quản lý chất lượng hàng hoá, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực, cải tiến mẫu mã, bao bì; nhãn mác, thương hiệu, mã số, mã vạch... Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ, trang thiết bị máy móc tạo ra sản phẩm chất lượng cao và ổn định.