Nhìn lại 3 năm gói tín dụng nhà ở
Ảnh minh họa |
Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở hay còn gọi là “gói 30.000 tỷ đồng” đang bước vào những tháng cuối cùng (kết thúc vào tháng 6/2016) sau gần 3 năm giải ngân. Từ chỗ người vay phải trả lãi 6%/năm trong suốt 10 năm, nay đã giảm xuống 5%/năm, không giới hạn đối tượng vay vốn, bãi bỏ quy định diện tích căn hộ và mở rộng cho nhiều NH cùng tham gia…
Hiện chưa có thống kê chi tiết về hiệu ứng của gói tín dụng giá rẻ này, nhưng một số cơ quan ở TP. HCM nhận định, tín dụng nhà ở thời gian qua đã đạt được những mục tiêu bước đầu, tháo gỡ khó khăn cho những lĩnh vực sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng.
Đặc biệt, nó đã gián tiếp hỗ trợ thị trường BĐS bằng cách giảm tồn kho căn hộ thông qua chuyển đổi dự án thương mại sang nhà ở xã hội. Từ đó, tăng nguồn cung căn hộ với giá cả phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, thay vì dồn hết vào đầu cơ gây bong bóng BĐS. Đồng thời mở ra hướng đi mới cho một bộ phận người dân có thu nhập thấp, chưa có đủ khả năng mua nhà theo cơ chế thị trường.
TP. HCM là một trong những địa phương có thực trạng nhà ở đô thị nhức nhối nhất cả nước và cũng là nơi có thị trường BĐS sôi động vào bậc nhất. Ngay từ đầu triển khai chương trình, NHNN chi nhánh TP.HCM đã trực tiếp làm đầu mối tháo gỡ vướng mắc cho các NHTM giải ngân và cùng với các cơ quan hữu quan giải quyết những khó khăn cho chủ đầu tư.
Đồng thời, hướng DN tập trung vào đầu tư những sản phẩm BĐS phù hợp với nhu cầu tiêu dùng. Với lãi suất thấp hơn mặt bằng thị trường, tín dụng nhà ở đã tạo điều kiện cho người thu nhập thấp vốn dĩ không có khả năng tích lũy tài chính.
Theo đó, đến cuối năm 2015, các NHTM trên địa bàn TP.HCM đã cam kết cho vay 7.000 khách hàng với hạn mức tín dụng gần 5.500 tỷ đồng. Trong đó, 6 DN vay vốn đầu tư nhà ở xã hội và dự án chuyển đổi dự án cao ốc thương mại sang nhà ở xã hội với hạn mức tín dụng hơn 1.400 tỷ đồng.
Đến nay doanh số giải ngân từ đầu chương trình đã đạt khoảng 3.600 tỷ đồng cho khoảng 6.600 khách hàng. Tốc độ giải ngân nhanh nhất của TP.HCM là năm 2015 với doanh số tăng gấp hai lần so với hai năm trước đó cộng lại.
Có thể nói, chương trình tín dụng nhà ở thực hiện ở TP.HCM đã góp phần cơ cấu lại sản phẩm trên thị trường BĐS theo hướng tăng dần số lượng nhà ở có giá tầm trung, giảm dần căn hộ cao cấp.
Gói tín dụng nhà ở dành cho người thu nhập thấp đã khơi nguồn vốn tín dụng và tạo ra hiệu ứng lan tỏa cho các hoạt động cho vay khác phục hồi. Từ đây, đã nảy sinh ra những ý tưởng cho vay vốn tạo lập nhà ở khác của các NHTM và những chương trình của các địa phương, giúp người dân có nhiều lựa chọn.
Theo đó, mỗi NHTM tùy theo năng lực tài chính có thể tạo ra những sản phẩm cho vay cùng với gói tín dụng lãi suất thấp của Chính phủ, đáp ứng được nhiều phân khúc khách hàng.
Từ chương trình “gói 30.000 tỷ đồng”, đã gợi mở thêm những chính sách về nhà ở trong thời gian tới. Điển hình là cuối năm 2015, Nhà nước đã kiện toàn và ban hành các quy định liên quan đến chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội. Đây được xem là hành lang pháp lý có tính thống nhất cao nhất từ trước đến nay giúp các DN đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội ở các tỉnh thành, góp phần an sinh xã hội.