Nhịp cầu nối những bờ vui
Nữ Tổ trưởng tận tâm với công tác giảm nghèo | |
Khởi nghiệp từ món vay nhỏ | |
Tín dụng - giải pháp căn cơ chống đói nghèo |
Như thường lệ, cứ hẹn lại lên, đã hơn một thập niên, các Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) nói riêng, cả nước nói chung được người dân nghèo ví như là “ngày hội” để cùng nhau đến trụ sở UBND làm thủ tục, nhận vốn vay, trả nợ, lãi đúng hạn.
Với khoảng thời gian đó, những cán bộ, viên chức thuộc NHCSXH huyện Tuyên Hóa cũng đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, cố gắng tích cực chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến tận tay người nghèo để họ có vốn SXKD, vươn lên thoát nghèo bền vững.
NHCSXH huyện Tuyên Hóa họp giao ban với các hội, đoàn thể tại cơ sở |
Ngay sau khi có chủ trương của NHCSXH Việt Nam về việc thành lập các Điểm giao dịch cố định tại xã, NHCSXH huyện Tuyên Hóa đã kịp thời báo cáo và tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện thành lập 20 Điểm giao dịch tại 20 xã, thị trấn trên địa bàn.
Những ngày đầu còn gặp rất nhiều khó khăn do chính quyền địa phương chưa bố trí ổn định nơi giao dịch, bàn, ghế,... có nhiều hộ nghèo lâu nay chỉ quen với việc khi có nhu cầu vay vốn hoặc trả nợ là đến trực tiếp tại trụ sở ngân hàng, nên công tác phổ biến, tuyên truyền để người dân nắm bắt và thực hiện các chính sách liên quan là rất cần thiết lúc bấy giờ.
Nhưng rồi với sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của chính quyền cấp xã về địa điểm, phương tiện trong quá trình giao dịch, sự vào cuộc và cả sự phối hợp chặt chẽ của các hội, đoàn thể nhận ủy thác, hoạt động giao dịch của NHCSXH huyện Tuyên Hóa đã dần đi vào ổn định và nề nếp.
Hơn 10 năm qua, NHCSXH huyện Tuyên Hóa đã thực hiện gần 2.800 lượt phiên giao dịch tại xã, tổng doanh số cho vay tại các Điểm giao dịch xã đạt 692 tỷ đồng với hơn 18.000 lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ đạt 370 tỷ đồng. Các chính sách tín dụng mới đã được phổ biến kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng thông qua các phiên giao dịch định kỳ hàng tháng, NHCSXH đã duy trì việc giao ban công tác tín dụng chính sách với chính quyền cấp xã, các hội, đoàn thể nhận ủy thác và mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, qua đó đã thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình tín dụng tại địa phương, cùng nhau bàn bạc những giải pháp khắc phục khó khăn, tồn tại như thu nợ quá hạn, thu lãi tồn đọng, xác minh xử lý nợ rủi ro cho hộ vay.
Cũng trong thời gian này, bất kể kể thời tiết diễn biến bất thường, vào ngày lễ hay thứ bẩy, chủ nhật, những cán bộ NHCSXH huyện vẫn cứ đều đặn hàng tháng theo lịch cố định thực hiện giao dịch với bà con. Ngày mà NHCSXH về xã được ví như “ngày hội” để hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất đã được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét hoặc những ai có nhu cầu trả nợ, trả lãi cùng nhau đến Điểm giao dịch để giao dịch.
Đến thăm Điểm giao dịch xã Ngư Hóa vào đúng ngày giao dịch. Là xã rẻo cao của huyện, chiếc xe ôtô mang nhãn hiệu Navara Nissan chạy trên cung đường ngoằn nghèo, đèo dốc hiểm trở rồi cũng đưa chúng tôi có mặt tại trụ sở xã. Tại đây chúng tôi thấy có mặt đông đủ hộ nghèo, đại diện các hội, đoàn thể nhận ủy thác và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đến làm thủ tục, nhận tiền vay, trả nợ, trả lãi.
Gặp anh Trần Văn Hiếu ở thôn 3 chúng tôi đoán ngay được anh đến để nhận tiền vay theo thông báo. “Tôi đến nhận 50 triệu đồng về để chăn nuôi. Những năm trước muốn vay được tiền tôi phải đi đò qua sông, rồi thuê xe ôm về tận trung tâm huyện nên tốn kém lắm mất khoảng nửa ngày. Nay NHCSXH về tận xã giao dịch với bà con, người nghèo chúng tôi phấn khởi lắm”, anh Hiếu cho biết.
Đánh giá về hoạt động giao dịch tại xã của NHCSXH, Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa Nguyễn Hữu Tâm cho biết: “NHCSXH về xã giao dịch đã giúp người nghèo trong xã có vốn SXKD là đáng trân trọng. Thông qua các buổi giao dịch, chính quyền xã chúng tôi cũng nắm được những tâm tư, nguyện vọng của các hộ vay, đồng thời giám sát cả việc vay, sử dụng vốn của họ sao cho hiệu quả”.
Có thể khẳng định, hiệu quả trong hoạt động giao dịch tại xã của NHCSXH trong 10 năm qua tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) nói riêng, cả nước nói chung là thiết thực, hiệu quả, hợp lòng dân, được cộng đồng người nghèo hưởng ứng.