NHNN tiếp tục có CSTT, ngoại hối, quản lý vàng hiệu quả
Lạm phát thấp, tỷ giá ổn định
Báo cáo của BWG nêu rõ, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về ổn định kinh tế vĩ mô, xử lý vướng mắc, thực hiện cải cách lĩnh vực ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2013. NHNN Việt Nam tiếp tục có chính sách tiền tệ (CSTT), ngoại hối, quản lý vàng hiệu quả.
Nhờ đó, “lạm phát được kiềm chế ở mức bình quân 6,9% trong 9 tháng đầu năm 2013. Tỷ giá ổn định, tổng mức dự trữ (ngoại hối – PV) tăng đáng kể so với cuối năm 2012”, báo cáo nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Lê Minh Hưng: Tốc độ tăng nợ xấu đang chậm lại Tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2013, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tốc độ tăng nợ xấu trong 9 tháng đầu năm nay đang chậm lại. Theo đó, tổng nợ xấu toàn hệ thống là 142 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng nợ xấu 2,2% trong khi 9 tháng đầu năm 2012 là 3,91%. Tính đến 21/11 VAMC đã xử lý được 18.938 tỷ đồng nợ xấu, giá mua trên 14 nghìn đồng. Phó thống đốc Lê Minh Hưng cũng thông tin, từ nay đến cuối năm VAMC sẽ phấn đấu xử lý từ 30 đến 35.000 tỷ đồng nợ xấu. |
Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại diễn đàn
Bên cạnh đó, vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã có một số cải thiện. Theo công bố mới đây của NHNN, tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 4,65% vào tháng 5 xuống còn 4,46% vào tháng 6. Đặc biệt, đã hoàn thiện khung pháp lý hướng dẫn hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) như Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về hoạt động mua, bán, tái cơ cấu các khoản nợ xấu của VAMC; Thông tư 20/2013/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn có hỗ trợ của VAMC. “VAMC dự kiến sẽ khơi thông luồng vốn, tăng thanh khoản cho thị trường”, BWG nhận xét.
Báo cáo cũng nhìn nhận, tuy tình hình tín dụng vẫn chưa khởi sắc, nhưng số liệu thống kê cho thấy tính đến tháng 8/2013, dư nợ tín dụng đã tăng 6,45% từ mức 5,33% của tháng 7.
“Những kết quả đạt được từng bước trong cải thiện sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng đã tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ hồi phục, tăng trưởng kinh tế cho năm 2014”, BWG đánh giá.
Xin “cơ chế mạng lưới riêng” cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài
Tuy nhiên, BWG cũng kiến nghị một số vấn đề, mà theo Nhóm, nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành Ngân hàng cũng như hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Đáng chú ý là đề xuất liên quan đến vấn đề đăng ký, xử lý tài sản thế chấp nói chung và tài sản thế chấp là căn hộ/nhà ở hình thành trong tương lai. Theo BWG, quy định cần làm rõ trình tự ưu tiên trong xử lý tài sản thế chấp giữa ngân hàng của chủ đầu tư và ngân hàng của cá nhân người mua nhà để tránh nhập nhằng, mẫu thuẫn. Đồng thời phải đảm bảo để cá nhân mua nhà, sau khi thế chấp quyền sở hữu cho một bên cho vay, không được thế chấp cùng một tài sản cho bên cho vay khác...
Bên cạnh đó, liên quan đến Thông tư 21/2013/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của các NHTM, BWG cho rằng hiện nhiều ngân hàng 100% vốn nước ngoài mới thành lập có chất lượng quản lý tốt cũng chịu sự bất lợi. Vì vậy BWG đề nghị NHNN có cơ chế phù hợp hơn với ngân hàng 100% vốn nước ngoài và “cho phép ngân hàng 100% vốn nước ngoài được mở nhiều phòng giao dịch hơn quy định tại Điều 11, Thông tư 21, tức không quá 2 lần số lượng chi nhánh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh”.
Ngoài ra, BWG cũng kiến nghị NHNN cho phép các NHTM được sử dụng tỷ giá giao dịch bình quân (Mid rate) giao ngay cuối ngày của các NHTM (cho các cặp đồng tiền giao dịch phổ biến) cho việc hạch toán, báo cáo và đánh giá lại các khoản mục tài sản nợ và tài sản có bằng ngoại tệ hoặc có nguồn gốc ngoại tệ...
Minh Trí