Nữ lãnh đạo trong lĩnh vực ngân hàng và công nghệ tài chính
Tham dự Hội thảo có Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng; Đại diện lãnh đạo Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam; Đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công thương; Văn phòng Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam; Đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục NHNN, các TCTD trong và ngoài nước; Các Tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế WB, IMF, ADB, MBI; Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam; Các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ngân hàng và công nghệ tài chính trong nước, khu vực và thế giới như Tổ chức Phụ nữ trong thanh toán, Opportunity Network, VinawWealth, Tập đoàn Tư vấn Boston Việt Nam, Tập đoàn UOB (Singapore); Các đại biểu là nữ lãnh đạo đang công tác tại NHNN và các TCTD, cán bộ phụ trách công tác nữ công tại công đoàn cơ sở các Vụ, Cục, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Trưởng ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ ngành Ngân hàng chủ trì cuộc Hội thảo.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu tại cuộc Hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng nói chung, NHNN nói riêng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng giai đoạn 2016 – 2020.
Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng trong thời đại số hóa và hội nhập quốc tế, Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ ngành Ngân hàng đã tổ chức cuộc Hội thảo nhằm giới thiệu đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ ngành Ngân hàng về các xu hướng mới cũng như các thử thách, cơ hội của thế giới, khu vực và quốc gia trong lĩnh vực công nghệ tài chính, ngân hàng số, thanh toán điện tử, thương mại điện tử. Từ đó, giúp phụ nữ ngành Ngân hàng nắm bắt và mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ nói chung và công nghệ ngân hàng, tài chính nói riêng.
Theo Phó Thống đốc, hội thảo này có ý nghĩa rất đặc biệt xét về nội dung, mục đích, đối tượng tham gia và cả thời điểm diễn ra sự kiện. Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trân trọng cảm ơn các diễn giả, các chuyên gia về Fintech và Ngân hàng trong nước, khu vực và thế giới đã tham gia tham luận tại Hội thảo.
Các Đại biểu tham gia thảo luận |
Qua các phiên thảo luận, Hội thảo đã mang lại nhiều kiến thức về công nghệ tài chính, ngân hàng để áp dụng trong công việc quản lý của NHNN cũng như điều hành hoạt động của các TCTD, phù hợp với bối cảnh của quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ tài chính của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các nữ lãnh đạo về thanh toán và dịch vụ ngân hàng trong ngành Ngân hàng giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các nữ lãnh đạo về thanh toán và dịch vụ ngân hàng trong nước, khu vực, thế giới.
Tài chính - ngân hàng là một lĩnh vực có tính đặc thù nghề nghiệp và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn đối với lực lượng lao động, nhất là các lao động nữ. Ở Việt Nam, ngành Ngân hàng có số lao động nữ chiếm tỷ lệ cao, trung bình vào khoảng gần 60% tổng số cán bộ. Nữ giới nắm giữ các vị trí quản lý, lãnh đạo cũng ngày một tăng cả ở ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại, mặc dù chủ yếu vẫn đang ở các vị trí quản lý cấp trung. Với tỷ lệ và vị trí ngày càng đáng kể như vậy của nữ giới trong ngân hàng, có thể nói phụ nữ hiện nay đóng vai trò rất quan trọng trong định hình và vận hành hệ thống ngân hàng.
Thống đốc Lê Minh Hưng tặng hoa cho đại diện Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ ngành Ngân hàng |
Trên thế giới, phụ nữ ngày càng đạt được nhiều thành tựu hơn, nhất là ở những quốc gia đang phát triển, nơi vấn đề bình đẳng giới dành được nhiều quan tâm và phụ nữ ngày càng gia tăng vai trò của mình trong mọi lĩnh vực.
Châu Á hiện đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ là CEO, trong đó, tỷ lệ CEO là nữ của Việt Nam là cao nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đạt xấp xỉ 25%, cao hơn khá nhiều so với mức bình quân 10% của thế giới. Tuy vậy, hiện vẫn còn các rào cản gây ảnh hưởng đến vị thế của phụ nữ trong công tác lãnh đạo như định kiến về vai trò của phụ nữ, kỳ vọng về vai trò của phụ nữ, sự khó khăn trong cân bằng cuộc sống và công việc, môi trường làm việc kém hỗ trợ…
Toàn cảnh Hội thảo |
Đồng cảm với thực tế này, bà Kristy Duncan, Sáng lập viên, Tổng giám đốc tổ chức “Women in Payment” nêu ý kiến cần có những giải pháp thiết thực để khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong một tổ chức nói chung và trong lĩnh tài chính, ngân hàng nói riêng nhằm gia tăng sự thành công cho các tổ chức.
Bà Duncan cũng đề xuất một số kiến nghị như xử lý vấn đề về tính đa dạng và bình đẳng giới ở quy mô ngành/tổ chức, không phải vấn đề của riêng nữ giới; Cần nhìn nhận/đánh giá vấn đề về tính đa dạng/bình đẳng giới trên nhiều khía cạnh; Cần có chiến lược và mục tiêu cụ thể về phát triển vai trò của phụ nữ lãnh đạo vì sự đổi mới ngân hàng và công nghệ tài chính.