Phái đẹp luôn là nguồn cảm hứng
Từ các danh họa tới các họa sĩ trẻ đương đại
Có thể dễ dàng nhận thấy, từ các danh họa Dương Bích Liên, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân… đều có những cảm thức sáng tạo về dòng tranh người phụ nữ. Người phụ nữ trong tranh của họ thường đằm thắm, thùy mị, dịu dàng với những đường nét đậm chất Á đông. Song nhìn tranh của họ, mỗi người vẫn nhận ra những phong cách riêng, độc đáo, chẳng lẫn với bất kỳ ai.
Họa sĩ Lâm Thanh và bức tranh về thiếu nữ |
Ví dụ tranh Dương Bích Liên vẽ người phụ nữ đẹp như trong mộng, trong ao ước, vừa thanh tao, vừa tinh khiết. Tranh ông thường quan tâm đặc tả chi tiết, chủ yếu là ánh mắt. Ánh mắt không có vẻ sắc sảo, lộng lẫy, kiêu sa nhưng đều man mác tâm trạng. Hay Nguyễn Gia Trí - người sở hữu bức “Dọc mùng” được coi là bức sơn mài đẹp nhất Việt Nam. Bức tranh mô tả vườn hoa muôn sắc màu, trong đó các cô gái đang vui đùa, chạy nhảy, giá trị hiện thực toát lên từ hình khối, động tác.
Còn Nguyễn Sáng là một danh họa vẽ chân dung thiếu nữ giỏi nhất. Điều đó được thể hiện ngay trong bức “Thiếu nữ bên hoa sen” của ông. Người thiếu nữ không còn e ấp, mà chống hai tay sang hai bên, đôi mắt to, khỏe khoắn nhìn ra xa. Người thiếu nữ như là hiện thân của một vẻ đẹp đầy sức sống, tự tin.
Nguyễn Phan Chánh cũng là người thành công. Những bức “Chơi ô ăn quan”; “Lên đồng”; “Cô gái rửa rau”; “Em cho chim ăn”... là những đỉnh cao trong nghệ thuật sáng tạo của ông. Nó là những tác phẩm nghệ thuật, xác lập tên tuổi và khẳng định Nguyễn Phan Chánh là người đặt nền móng cho tranh lụa Việt Nam.
Người yêu tranh cũng đặc biệt nhớ bức “Thiếu nữ bên hoa huệ” của danh họa Tô Ngọc Vân, vẽ năm 1943, mô tả chân dung một thiếu nữ mặc áo dài trắng bên cạnh lọ hoa huệ tây (hoa loa kèn) trắng muốt, tinh khôi. Tác phẩm này được coi là tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân cũng như là một trong những đại diện tiêu biểu nhất cho mỹ thuật Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Các nhà phê bình mỹ thuận nhận thấy, ở “Thiếu nữ bên hoa huệ” có màu sắc giản dị, có nét buồn da diết. Ông vẽ hoa loa kèn, thứ hoa chỉ có vào tháng Ba, tháng Tư Hà Nội. Màu trắng thuần nhã của những bông hoa, bên cạnh dáng vẻ trang nhã của một thiếu nữ Hà Nội cùng với chiếc áo dài trắng cổ điển, gợi cho người xem những mỹ cảm về tuổi thanh xuân của con người.
Thế hệ các họa sĩ sau này, kể cả họa sĩ trẻ như Hoàng Đình Tài, Nguyễn Trung, Văn Thành, Thái Vĩnh Thành, Lâm Thanh, Đỗ Đình Cường, Trần Quang Hải… cùng hàng chục họa sĩ khác, dù thể nghiệm mở mảng đề tài, trường phái nào thì họ cũng vẫn có một mảng dành vẽ về phụ nữ.
Nếu nói về đề tài thì có lẽ Trần Quang Hải lại là người cực đoan đầy dễ thương, nhất là đối với phụ nữ. Vì anh chỉ vẽ đàn bà. Những người đàn bà không thể đàn bà hơn, quyến rũ đến không thể quyến rũ hơn. Với anh, đàn bà là cái rốn của vũ trụ, là một hành tinh lớn mà tất cả các hành tinh khác phải xoay quanh. Ngôn ngữ tạo hình trong tranh anh được tạo nên từ ý tưởng đó.
Những đường cong mềm mại đầy nhịp điệu kề bên những nhát cắt mạnh bạo hay những đường thẳng chắc chắn tạo dựng không gian. Vỏ trứng, vỏ sò điệp được anh xử lý đầy tinh tế, nên người đàn bà trong tranh anh nude mà không nude, trừu tượng đó mà cũng hiện thực đó, phồn thực ngồn ngộn mà đầy duyên dáng.
Mỗi người một vẻ
Nhiều họa sĩ, với những tính toán chặt chẽ trong bố cục tổng thể khiến cho tranh dù tả thực, siêu thực hay lối vẽ biểu hiện, đều “nói” được rất nhiều về thế giới phụ nữ, những khát khao trong dáng vẻ bên ngoài và nội tâm của họ. Phải khẳng định các họa sĩ đã tôn vinh những đường nét uyển nhã, mỹ lệ của người phụ nữ.
Tranh về phụ nữ là những hòa ca về vẻ đẹp xuân thì của sự sống. Khi người phụ nữ lên tranh, vẻ đẹp ấy đôi khi là ước lệ. Có họa sĩ làm say lòng người xem bởi dáng vẻ thướt tha thanh thoát của người đẹp, họa sĩ khác lại thành công ở đôi mắt. Hay có họa sĩ, mà vẻ đẹp trong tranh của ông ta lại đầy thô mộc, không cầu kỳ nhưng lại rất gợi.
Ở trường hợp họa sĩ Thái Vĩnh Thành, anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế, và đã có 30 năm cầm cọ, dù anh cũng đã bôn ba khắp nơi, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc mưu sinh, nhưng vẫn trụ lại với nghề. Thành đã rất nhiều lần bày tranh ở trong và ngoài nước; những bức tranh sơn dầu và acrylic phong cảnh, hoa và thiếu nữ với bút pháp ấn tượng và bán trừu tượng của Thành cũng có mặt trong nhiều bộ sưu tập cá nhân, dù Thành luôn nói, tranh của anh không dễ cảm và cũng không dễ bán.
Từ vài năm trở lại đây, tranh của Thành ngày một sâu hơn với những mảng miếng và cách xử lý bề mặt xù xì rất đặc trưng mà Thành kiên trì theo đuổi. Xem tranh của Thành nên xem kỹ. Đó là những bức tranh không phải kiểu đập ngay vào mắt người xem. Loạt tranh thiếu nữ và sen lần này của Thành cho tôi cảm giác khoẻ khoắn, rất tích cực.
Thành vẫn sử dụng màu nền tối để tạo chiều sâu và phủ nhiều lớp màu sáng hơn bằng bay để tạo nên mache và hòa sắc. Chính kỹ thuật ấy đã định hình một phong cách, một gương mặt cá tính mang tên Thái Vĩnh Thành. Những cô gái của Thành nude mà như không nude, truyền thống đó mà cũng hiện đại đó, nhưng nhất định không bao giờ gợi dục.
Một họa sĩ khác là, Đỗ Đình Cường, anh còn khá trẻ. Trẻ nên đầy đam mê, thích thử thách và vô cùng ngẫu hứng. Thoắt ẩn, thoắt hiện, lúc làm thời trang, khi thiết kế nội thất, lúc thì chụp ảnh, khi lại phượt. Triển lãm tới thời cao điểm thì trốn mất, bạn bè không biết tìm ở đâu.
Ngang tàng có thừa, mắng mỏ, ngọt nhạt cũng bằng không. Thấy cần thì Cường sẽ xuất hiện. Cường từng làm tranh bằng nút áo, khoảng năm 2007 và 2008, khi ấy là một hiện tượng và là sự kết hợp chất liệu đầu tiên dẫn tới niềm đam mê các chất liệu đương đại. Cũng có một mảng về tranh thiếu nữ, nhưng người phụ nữ trong tranh của Cường là những người nữ ở thế hệ của Cường: hiện đại, tự tin, đầy đam mê nhưng cũng đầy trăn trở, chật chội trong những giới hạn vô hình.
Hay Lâm Thanh là người đã đạt được một số thành công, một số giải thưởng trong và ngoài nước. Anh thành công với tranh lụa, đặc biệt là một vệt tác phẩm thiếu nữ và hoa một đề tài đã khá quen thuộc với công chúng. Những thiếu nữ Việt dịu dàng đến mê hoặc, mềm như lụa, mỏng như sương, như vừa bước ra từ một cõi thiên thai ngập tràn hương sen.
Sẽ có những tiếp nối và tiếp biến mạnh mẽ, song ở thời nào cũng vậy, phái đẹp luôn luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung, và mỹ thuật nói riêng.