Phải làm và làm triệt để
Tự cứu mình trước
Về việc xử lý 12 dự án kém hiệu quả trong thời gian qua, theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, 4 dự án đạm của Tập đoàn Hóa chất đã hoạt động ổn định, tình hình của các dự án thép đã có nhiều chuyển biến tốt. Nhưng các dự án của Tập đoàn Dầu khí thì vẫn rất khó khăn, còn Nhà máy bột giấy Phương Nam thì 2 lần đấu giá không thành.
Nhà máy ethanol Quảng Ngãi chưa vận hành được vì thiếu vốn để đầu tư nốt hệ thống xử lý nước thải nên chỉ có thể hoạt động ở mức 60% công suất thiết kế. Giá xăng dầu hiện nay đang nhiều biến động nên các cổ đông BSR, PVOil lo ngại có thể rủi ro mất vốn do sản xuất kinh doanh thua lỗ. Bên cạnh đó, hiện trạng của Nhà máy sơ xợi Đình Vũ là hết sức khó khăn và nhà máy vẫn chưa khởi động lại, các đối tác thì ngần ngại do dự án đang vướng chuyện kiện tụng.
Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 |
“Thiếu vốn, nhưng nếu cổ đông tiếp tục góp vốn vào các dự án yếu kém để duy trì vận hành khởi động lại nhà máy thì lại không phù hợp luật quản lý vốn các DN Nhà nước, vì các cổ đông đều là DN Nhà nước”, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết.
Lãnh đạo các DN cho rằng, cơ chế tài chính hiện là một trong những nút thắt lớn. Chủ trương của Chính phủ là không bỏ thêm vốn ngân sách Nhà nước vào các dự án thua lỗ. Trong khi đó, muốn xử lý dứt điểm và khởi động lại dự án thì không có cách nào khác là phải có tiền.
“Có bỏ thêm tiền để “cứu” các dự án hay không, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty phải tự chịu trách nhiệm, chứ không nên trông chờ vào Chính phủ cho phép”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã nói như vậy tại phiên họp bàn về 12 dự án này hôm 22/9. Thứ trưởng nhắc các DN làm việc với Bộ Tài chính để giãn khấu hao, và xem xét lại các khoản vay để tính phương án giãn nợ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thì quán triệt tinh thần “Xử lý các dự án này rất phức tạp, nhưng dù có khó khăn đến mấy, chúng ta vẫn phải làm… Chúng ta phải tự cứu mình trước khi có sự phối hợp của các bộ, ngành và Thủ tướng phê duyệt phương án cuối cùng”. Bộ trưởng đề nghị các tập đoàn, tổng công ty “phải bám sát nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của bộ, cùng những nội dung, lộ trình bộ đã đề ra để chủ động triển khai thật tốt giải quyết triệt để các vấn đề tồn đọng, không phải đợi quyết định từ Chính phủ, Bộ Công Thương”.
Tập trung xử lý rốt ráo
Về lộ trình và những nội dung phải làm trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương, ông Dương Duy Hưng cho biết: Trong năm 2017 sẽ xong phương án xử lý đối với từng dự án, DN và kế hoạch thực hiện chi tiết, xây dựng phương án và tổ chức thực hiện, kèm theo cam kết và lộ trình xử lý cụ thể đối với từng dự án, DN trong giải quyết các khó khăn, tranh chấp của các Hợp đồng EPC; Trường hợp phức tạp, còn nhiều vướng mắc thì xem xét cho gia hạn đến hết quý I/2018.
Với các việc cụ thể, ông Hưng cho biết, kinh phí khởi động lại Nhà máy sợi Đình Vũ, Nhà máy ethanol Quảng Ngãi sẽ do các cổ đông của các DN này xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật; Tập đoàn Dầu khí khẩn trương chỉ đạo thuê tư vấn xác định giá trị tàu 104.000 DWT (của Nhà máy đóng tàu Dung Quất) để làm cơ sở kiểm toán, quyết toán bàn giao tàu; Tiếp tục bán đấu giá Nhà máy bột giấy Phương Nam.
Đến hết năm 2018, sẽ xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, DN. Đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, DN.
“Mục tiêu lớn nhất là vực dậy các dự án, đưa vào hoạt động hiệu quả, hoặc khôi phục vận hành lại, trước khi thoái vốn, bán dự án. Dù còn rất nhiều khó khăn, song vẫn phải sớm xử lý dứt điểm 12 dự án này, bởi càng kéo dài, càng thua lỗ, thiệt hại cho nền kinh tế càng lớn hơn”, Bộ trưởng xác định. Bộ trưởng chỉ đạo lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất bố trí đúng người có năng lực trong công tác điều hành, quản trị DN trong xử lý các dự án thua lỗ, phải sâu sát hơn nữa phải kiểm tra công việc của Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc các dự án DAP số 1 (Đình Vũ – Hải Phòng), DAP số 2 và đạm Ninh Bình…
Nếu các lãnh đạo dự án tuân thủ không nghiêm, không chấp hành thì căn cứ theo thẩm quyền của Hội đồng thành viên để xem xét trách nhiệm, cần thiết thì có phương án thay thế và kiện toàn lại nguồn nhân lực và nhân sự các dự án. “Bộ sẽ có trách nhiệm để cùng tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, không phải vì đợi công tác cán bộ mà buông xuôi” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý.
Khẳng định sự thiếu giám sát, quản lý của lãnh đạo PVN đã dẫn đến thua lỗ và phải ngưng dự án xơ sợi Đình Vũ, Bộ trưởng yêu cầu PVN phải tổ chức lại Hội đồng thành viên và các đầu mối của PVN hiện nay. “Bộ sẽ làm việc với tập đoàn để rà lại trách nhiệm của từng người trong Hội đồng thành viên, cũng như Tổng Giám đốc để đảm bảo vai trò trách nhiệm của từng cán bộ tại các dự án”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng nhấn mạnh, có tình trạng buông lỏng quản lý, không chỉ ở các dự án tồn đọng mà còn nhiều dự án khác. Vụ Tài chính đổi mới DN cùng phối hợp Thanh tra bộ rà soát, xem xét trách nhiệm bộ phận quản lý vốn, đại diện vốn nhà nước và chức danh cụ thể, kể cả ở công ty cấp 2, 3. Việc này phải làm kiên quyết trong thời gian tới.
Ông Hưng cho biết thêm, Bộ Công Thương đã xác định trong thời gian từ 2017 đến 2020 sẽ xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, DN.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty rà soát, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chấp hành thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Công Thương giao cho. “Trường hợp người đứng đầu không thực hiện đúng trách nhiệm, không chấp hành đúng pháp luật thì phải thay thế, kiện toàn lại để đảm bảo hiệu quả quản lý”, Bộ trưởng khẳng định.