Phải xử lý nghiêm các cơ sở đóng tàu gian dối
3 năm Nghị định 67: nguồn lực lớn là vốn tín dụng
Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67 còn bộc lộ các hạn chế, tồn tại |
Được ban hành ngày 7/7/2014, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã tập trung vào việc khuyến khích đánh bắt xa bờ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con ngư dân đóng tàu vỏ thép, tàu vật liệu mới, công suất lớn để tổ chức lại sản xuất, ứng dụng mô hình sản xuất hiện đại, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con, góp phần trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ biển đảo. Nghị định đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của ngư dân, việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP trong 3 năm qua đã thu được nhiều kết quả rất quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết: Tuy NSNN đã ưu tiên bố trí để triển khai thực hiện các mục tiêu của Nghị định 67 nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu, nguồn lực lớn hơn để hỗ trợ ngư dân chính là vốn tín dụng, với sự tham gia rất tích cực của hệ thống ngân hàng.
Có 27 tỉnh ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948, trong đó đóng mới 1.510, đạt 66,11 % (tàu vỏ thép và vật liệu mới là 768 tàu, chiếm 51%; tàu vỏ gỗ là 742 tàu, chiếm 49%). Với nguồn vốn này, tính đến 31/7/2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất.
Ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đến ngày 15/7/2017 đã giải ngân cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng, tăng 15,2% so với 31/12/2016. Các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.005 tàu với số tiền cam kết cho vay 9.931 tỷ đồng. Các NHTM giải ngân cho 267 lượt khách hàng vay vốn lưu động với tổng số tiền trên 110 tỷ đồng.
“Chính sách tín dụng đã tạo động lực khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư đóng mới tàu cá có công suất lớn bằng vật liệu vỏ thép, vỏ vật liệu mới; ngư dân mạnh dạn đầu tư trang bị hiện đại và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất”, Phó Trưởng ban Kinh tế trung ương, ông Cao Đức Phát đánh giá. Các tàu cá vỏ thép có công suất lớn, trang bị hiện đại đi vào hoạt động đã làm thay đổi nhận thức, tác phong làm việc của ngư dân theo hướng công nghiệp; điều kiện làm việc, sinh hoạt của thuyền viên trên tàu cá được cải thiện và nâng cao.
Đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Nghị định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định “Việc triển khai thực hiện Nghị định 67 trong 3 năm qua bước đầu đã đạt được mục tiêu của chính sách về hiện đại hóa tàu cá, thể hiện qua kết quả triển khai chính sách vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu ngành khai thác hải sản theo hướng bền vững và tổ chức lại sản xuất trên các vùng biển theo hướng vùng biển xa bờ tổ chức sản xuất theo tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá…”.
Những hạn chế cần khắc phục
Nhưng “bên cạnh nhiều kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67 còn bộc lộ các hạn chế, tồn tại cả trong nội dung của Nghị định, cả trong việc triển khai thực hiện”, theo Phó Thủ tướng. Sau khi chỉ ra những tồn tại cần phải khắc phục, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề nổi cộm là đã có 40 tàu cá vỏ thép đóng mới đã bị hư hỏng “gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước”. (số tàu hỏng ở Bình Định:19 tàu, Phú Yên: 2 tàu, Thanh Hóa:18 tàu, Quảng Nam: 1 tàu)…
Ông Trần Châu, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định – địa phương có số lượng tàu vỏ thép bị hỏng nhiều nhất cho biết, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn do tàu hư hỏng nằm bờ trong thời gian dài khó trả lãi ngân hàng.
Phó Thủ tướng đã chỉ ra những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này như công tác kiểm soát chất lượng tàu cá còn nhiều hạn chế, từ khâu tư vấn thiết kế đến tổ chức thực hiện; công tác giám sát thẩm định còn thiếu chặt chẽ trong tất cả các khâu; công tác đăng kiểm còn bị buông lỏng. Nhưng trách nhiệm chính phải thuộc về các DN đóng tàu.
“Tàu cá chất lượng hay không là do người đóng tàu, và vai trò của cơ quan kiểm tra, giám sát, đăng kiểm. Người dân không thể biết, giám sát chất lượng tàu cá. Khi xảy ra sự cố, cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng khẳng định.
“Cần phải tăng cường tính chuyên nghiệp, trách nhiệm và lương tâm của các cơ sở đóng tàu”, Phó Thủ tướng yêu cầu. Và ông cũng chỉ đạo: “Phải xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân có sai phạm trong quá trình thực hiện Nghị định 67, nhất là những cơ sở đóng tàu đã cho ra sản phẩm chất lượng kém từ sự làm ăn gian dối. Tổng hợp rà soát lại các cơ sở đóng tàu, đưa vào các đơn vị có chất lượng, đưa ra khỏi danh sách các cơ sở không đảm bảo chất lượng”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến phải rà soát lại thiết kế tàu cá cho phù hợp và quy trình đăng kiểm tàu cá cần làm chặt chẽ đảm bảo tàu xuất xưởng phải chất lượng và tăng cường giám sát quá trình đóng tàu, người dân, ngư dân cũng cần tham gia quá trình này.
“Nếu tàu đi vào hoạt động không tốt, đăng kiểm phải chịu trách nhiệm… Địa phương nào để tàu hỏng thì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và ngư dân...”, Phó Thủ tướng quán triệt.
Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung sửa đổi bổ sung Nghị định 67 để ban hành trong quý IV/2017, thực hiện từ quý I/2018 để huy động được nguồn lực xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, các cảng cá trọng tâm, cơ chế cho vay phù hợp; quy định rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan đối với các cơ sở đóng tàu mới…
Các bộ, ngành rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc từ sự cố tàu vỏ thép đóng mới bị hư hỏng và phải nhanh chóng khắc phục hậu quả. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển triển khai đồng bộ các nhóm chính sách theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, kịp thời tháo gõ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.