Tàu cá vỏ thép, vì đâu nên nỗi?: Phản hồi thông tin liên quan đến BIDV Phú Tài
Nghiên cứu gia hạn nợ, ân hạn cho tàu cá vỏ thép nằm bờ do hư hỏng | |
(Kỳ I) Tàu cá vỏ thép: Chưa ra khơi đã... nằm bờ | |
Đóng tàu cá vỏ thép: Chính sách hợp lòng dân |
Như Thời báo Ngân hàng đã phản ánh trong bài viết “Tàu cá vỏ thép, vì đâu nên nỗi?” đăng liên tiếp trong 2 số báo 100 và 101 ra ngày 23 và 26/6/2017. Bài báo đã đề cập đến chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định số 67 (NĐ 67) chưa ra khơi đã nằm bờ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cũng như tiến độ hoàn trả nợ vay ngân hàng của ngư dân, cũng như đề nghị làm rõ những sai phạm liên quan đến các cơ sở đóng tàu và cơ quan đăng kiểm.
Tuy vậy, thời gian qua cũng đã có những thông tin trái chiều về hoạt động cho vay theo NĐ 67 liên quan đến một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn và trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm sau khi có kết luận của Tổ công tác thẩm định. Nhằm thông tin một cách khách quan và đầy đủ đến bạn đọc, chúng tôi xin trở lại đề tài này với phần phản hồi của NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Từ kiến nghị của Tổ công tác thẩm định tàu vỏ thép
Tháng 4/2017, trên cơ sở phản ánh của nhiều ngư dân về tình trạng tàu vỏ thép bị gỉ sét nặng, máy tàu thường xuyên bị hư hỏng, lưới cuốn chân vịt, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn bị hư hỏng hoặc không hoạt động, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định đã thành lập Đoàn Kiểm tra việc hư hỏng của các tàu vỏ thép theo đơn kiến nghị của các chủ tàu.
Kết quả kiểm tra bước đầu sở phát hiện đúng như những nội dung kiến nghị của ngư dân phản ảnh. Thế nhưng tại cuộc họp đối thoại giữa chủ tàu, cơ sở đóng tàu và chính quyền địa phương thì giữa chủ tàu và cơ sở đóng tàu không thừa nhận trách nhiệm của các bên về chất lượng con tàu, tiếp tục đổ lỗi cho nhau và không thống nhất việc khắc phục các hư hỏng đã xảy ra.
Tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 tại Bình Định |
Đến ngày 31/5/2017, Sở NN& PTNT tỉnh Bình Định tiếp tục báo cáo và đề nghị UBND tỉnh cho thẩm định độc lập lại chất lượng tàu vỏ thép của các tàu bị hư hỏng theo đơn kiến nghị của 18 chủ tàu. Ngày 2/6/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 để xác định rõ chất lượng, giá trị, nguồn gốc sản phẩm và tính năng hoạt động của vỏ tàu, máy tàu và các trang thiết bị hàng hải, khai thác đối với 18 tàu cá có đơn yêu cầu, kiến nghị của ngư dân.
Trong thời gian tổ chức thẩm định tại hiện trường từ ngày 6 - 10/6/2017, có sự chứng kiến của chủ tàu và đại diện chính quyền địa phương, Tổ thẩm định đã tiến hành tổ chức thẩm định đối với từng con tàu. Để có kết luận chính xác về chất lượng của tàu, căn cứ theo hồ sơ, tài liệu do các NHTM mà ngư dân đã ký kết hợp đồng vay vốn đóng tàu cung cấp (bao gồm: Chứng nhận xuất xứ, chứng nhận kiểm tra, kết quả thí nghiệm thép của tàu), sau khi kiểm tra từng hạng mục, Tổ thẩm định đã có kết luận và kiến nghị cụ thể.
Đối với phần máy tàu, Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải thay mới toàn bộ 10 máy chính không đồng bộ. Thay mới một máy chính DOOSAN cũng như bổ sung các tài liệu chứng minh về sự khác biệt ký hiệu máy giữa hồ sơ và thực tế của 3 máy chính hiệu DOOSAN; Khắc phục và sửa chữa các máy phụ bị hư hỏng. Đối với phần vỏ tàu các tàu bị gỉ sét, đề nghị Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải làm sạch bề mặt và sơn lại một phần hoặc toàn bộ tàu theo đúng quy trình bảo dưỡng tàu vỏ thép.
Các tàu có vỏ không đạt thép cấp A thì kiểm tra và đánh giá lại toàn tàu, thay thế lại các phần tôn vỏ không đạt thép cấp A. Các vỏ tàu đã thay thế thép Trung Quốc nhưng đảm bảo thép cấp A, nếu giữa chủ tàu và cơ sở đồng ý thì cơ sở đóng tàu phải trả lại chênh lệch giá thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản so với thép Trung Quốc cho chủ tàu. Đề nghị tiếp tục trưng cầu giám định và tham khảo tài liệu, ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan đến các mẫu thép để có kết luận chính xác.
Đối với phần trang thiết bị hàng hải, khai thác. Tổ thẩm định đề nghị hai công ty trên sửa chữa hoặc làm mới hệ thống hầm bảo quản bị hư hỏng do không thoát nước và kiểm tra gỉ sét lớp vỏ bên trong vỏ tàu của phần hầm bảo quản theo đúng quy chuẩn, điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản. Thay mới hệ thống điện khai thác cho 3 tàu theo đúng hợp đồng ký kết. Đối với máy dò ngang SONAR có giá trị cao từ 1,4 tỷ đồng trở lên và là một thiết bị quan trọng trong việc dò tìm cá ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khai thác nên các đơn vị lắp đặt và bảo hành cần phải sửa chữa kịp thời các thiết bị trên.
Kiểm tra, thay mới và sửa chữa cho hai chủ tàu có hệ thống đầu dò bị hỏng và thay mới màn hình đồng bộ cho máy SONAR MAQ đã bị đổi màn hình vi tính thông thường. Các công ty thiết kế có liên quan cần xem xét và kiểm tra lại 6 tàu bị lưới cuốn chân vịt và tính toán lại cho phù hợp với đường hình, sức cản của vỏ tàu và nghề khai thác phù hợp để có cơ sở cho việc khắc phục vỏ tàu tránh tình trạng lưới cuốn chân vịt khi quay trở thả lưới, hoặc đề xuất chuyển đổi nghề phù hợp với thiết kế của vỏ tàu.
Để khắc phục, giải quyết những vấn đề tồn tại trên cơ sở đảm bảo chất lượng, hiệu quả gắn kết với quá trình xử lý, khắc phục đảm bảo thời gian nhanh nhất cho các tàu cá vỏ thép ra khơi, Tổ công tác thẩm định đã kiến nghị các cơ sở đóng tàu và chủ tàu cá vỏ thép đưa tàu lên đà để tiến hành khắc phục, sửa chữa dứt điểm những trục trặc, sự cố hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn kỹ thuật cho ngư dân vươn khơi, bám biển.
Đến thông tin liên quan đến BIDV Phú Tài
Mặc dầu trong kiến nghị của Tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 tại Bình Định không có kiến nghị nào liên quan đến hoạt động cho vay theo NĐ 67 của các ngân hàng trên địa bàn, tuy vậy, thời gian qua, đã có nhiều thông tin trái chiều liên quan đến hoạt động cho vay theo NĐ 67 BIDV chi nhánh Phú Tài (BIDV Phú Tài). Để làm rõ thông tin đang được dư luận quan tâm này, chúng tôi xin lược trích văn bản phản hồi từ Hội sở chính của BIDV xung quanh những thông tin liên quan.
Về việc nắm bắt, kiểm tra, rà soát thông tin 16/18 tàu vỏ thép đóng ở Bình Định bị hư hỏng được vay vốn từ BIDV Phú Tài. Là thành viên của Ban chỉ đạo NĐ 67 tỉnh Bình Định, nên BIDV Phú Tài đã tham gia ngay từ đầu cùng với các thành viên Ban chỉ đạo NĐ 67 tỉnh để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, với tư cách là đơn vị tài trợ vốn cho bà con ngư dân, BIDV Phú Tài cũng đã cử cán bộ làm việc trực tiếp với bà con để đánh giá, kiểm tra và đề nghị đơn vị đóng tàu phải có trách nhiệm giải quyết theo đúng hợp đồng đã ký.
Về một số thông tin phản ánh ý kiến của ngư dân trong quá trình làm thủ tục vay vốn tại BIDV Phú Tài, cho rằng có sự móc ngoặc giữa cán bộ chi nhánh với cơ sở đóng tàu. Hội sở chính BIDV đã cử đoàn công tác vào kiểm tra và cho đến nay chưa thấy có việc BIDV Phú Tài chỉ định ngư dân lựa chọn đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương (2 trong số 7 công ty ngư dân chọn đóng tàu vay vốn tại BIDV Phú Tài). Việc lựa chọn cơ sở đóng tàu và ký hợp đồng đóng tàu hoàn toàn do ngư dân quyết định trước khi vay vốn ngân hàng, và ngân hàng cũng không chỉ định ngư dân lựa chọn đơn vị đóng tàu. Đồng thời, đây cũng là các cơ sở đóng tàu thuộc danh sách 73 đơn vị đủ điều kiện đóng tàu theo NĐ 67 do Bộ NN&PTNT phê duyệt theo Quyết định số 497/QĐ-BNN-TCTS ngày 6/2/2015.
Về việc cho rằng có hiện tượng giá con tàu bị đội lên so với khi đóng tàu ở cơ sở khác. Theo quy định về quyền hạn và trách nhiệm của chủ tàu tại NĐ 67, “Chủ tàu tự quyết định lựa chọn mẫu tàu, máy móc trang thiết bị, ngư lưới cụ, cơ sở đóng tàu...”. Theo đó, bà con ngư dân đã chủ động lựa chọn mẫu tàu, thiết kế mẫu tàu và dự toán theo đúng quy định do Bộ NN&PTNT ban hành.
Tuy nhiên, để đảm bảo cho vay phù hợp với giá trị con tàu và hạn chế thấp nhất rủi ro, BIDV Phú Tài đã thuê Công ty thẩm định giá độc lập để thẩm định toàn bộ dự toán ban đầu và thẩm định giá trị con tàu hoàn thành trước khi giải ngân lần cuối. Như vậy, một con tàu hình thành từ vốn vay tại ngân hàng phải trải qua 2 lần thẩm định giá độc lập, đồng thời được giám sát bởi ngư dân, cùng với Trung tâm Đăng kiểm trong suốt thời gian thi công đóng tàu. Chính vì vậy, thông tin cho rằng ngân hàng chỉ định cơ sở đóng tàu cũng như giá con tàu bị đội vốn lên so với khi đóng ở đơn vị khác là không có cơ sở.
Về thông tin cho rằng ngân hàng yêu cầu ngư dân phải dùng sổ đỏ để thế chấp đóng tàu, trái với tinh thần của NĐ 67 và chỉ đạo của Chính phủ, khiến việc triển khai NĐ 67 chậm tiến độ: Khi thực hiện cho vay Chương trình phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, BIDV nhận tài sản bảo đảm là chính con tàu hình thành từ vốn vay.
Ngoài ra BIDV khuyến khích khách hàng có tài sản khác bổ sung thêm để bảo đảm cho khoản vay tại ngân hàng khi có sự đồng thuận hoàn toàn giữa ngân hàng và khách hàng, tuy nhiên đây không phải là điều kiện bắt buộc khi ngân hàng quyết định cho vay. Việc khuyến khích khách hàng bổ sung thêm tài sản đảm bảo khác cho khoản vay đóng tàu để nhằm mục đích gia tăng trách nhiệm của ngư dân với ngân hàng, bảo toàn vốn của Nhà nước. Trên thực tế, việc nhận tài sản bảo đảm khác ngoài con tàu đóng mới chỉ phát sinh tại một số rất ít khách hàng và việc này không gây cản trở cho bà con ngư dân trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Hiện tại, BIDV đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành theo sát diễn biến sự việc tại tỉnh Bình Định. Trường hợp nếu phát hiện sai phạm, BIDV sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.
Bài tiếp theo: Trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm tàu cá?