Phân phối điện tử tìm lối ra
Phát triển hệ thống bán lẻ: Cần hệ sinh thái hoàn thiện | |
TP.HCM: Tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ tăng hơn 10% | |
DN bán lẻ tiên phong mở rộng thị trường |
Thị trường bán hàng điện tử ngày càng có nhiều thành viên mới, nhất là xu hướng bán hàng trực tuyến, đã làm lung lay vị thế các chuỗi phân phối sau nhiều năm tạo dựng tên tuổi trên thị trường như nhà phân phối điện tử FPT Trading, CTCP Thế giới số Digiworld (mã chứng khoán DGW - HoSE)…
Digiworld-nhà phân phối điện tử đã “lấn sân” thành công sang kinh doanh thực phẩm chức năng |
Gần đây, người ta dễ nhận ra thương hiệu Oppo tự xây dựng riêng mạng lưới marketing, bán lẻ sản phẩm. Trong một diễn biến mới nhất, Công ty TNHH Apple Việt Nam mới được thành lập nhằm chuẩn bị tiến vào thị trường bán lẻ Việt Nam trước xu thế kinh doanh khép kín của các nhà sản xuất. Trước đó, nhà bán lẻ Thế giới Di động (mã chứng khoán MWG - HoSE) đã nhập khẩu trực tiếp các sản phẩm của Apple thay vì mua qua FPT Trading, Digiworld như trước đây.
Digiworld - một nhà phân phối các sản phẩm điện tử chọn phân khúc các DNNVV từ nhiều năm trước, nhưng doanh thu và lợi nhuận liên tục sụt giảm từ năm 2015 khi phải chia tay với mảng phân phối điện thoại Nokia do khách quan. Qua năm 2016, đà giảm doanh thu có chậm lại nhưng chi phí bán hàng và quản lý tăng cao do Digiworld mở rộng hoạt động kinh doanh. Đến năm 2017, tình hình kinh doanh mới phục hồi trở lại nhờ ký hợp đồng phân phối độc quyền sản phẩm Xiaomi, đẩy lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm gần bằng cả năm ngoái.
Một lãnh đạo của Digiworld thừa nhận những khó khăn đang đổ dồn vào các công ty phân phối điện tử trong nước. DN đang nỗ lực liên tục tìm kiếm những thương hiệu mới trên thế giới đưa vào thị trường nội địa để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Sở dĩ Digiworld dám chấp nhận rủi ro với các thương hiệu mới như trên là vì công ty này có năng lực thực hiện đầy đủ 5 dịch vụ phát triển thị trường: phân tích thị trường, tiếp thị, bán hàng, hậu cần và hậu mãi. Kết quả là các nhãn điện thoại mới Xiaomi, OBI, Wiko, Intex, Freetel… đã được nhận diện thương hiệu bước đầu trên thị trường Việt Nam và có doanh số tương đối.
Tiếp đó, Digiworld mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) bằng việc mua lại 50,3% cổ phần công ty CL của Nhật chuyên cung cấp kem đánh răng, bột giặt, nước rửa chén. Digiworld còn phân phối thực phẩm chức năng cho các công ty chưa xây dựng được mạng lưới phân phối trên thị trường Việt Nam.
Tương tự, FPT buộc phải tính đến chuyện phải bán mảng phân phối điện tử, để tập trung vào mảng cốt lõi là công nghệ thông tin và viễn thông. Tập đoàn FPT hiện đã bán 47% cổ phần Công ty FPT Trading cho Tập đoàn phân phối Synex (có trụ sở ở Mỹ) với mạng lưới phủ rộng đến 60% dân số toàn cầu. Mục đích là nhằm tận dụng năng lực và kinh nghiệm của Synnex trong việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm, phát triển kênh bán hàng, logistics và vận hành để thúc đẩy hơn nữa chất lượng và kết quả kinh doanh của FPT Trading…
Những câu chuyện của Digiworld, FPT Trading nhắc nhở các nhà phân phối trong nước phải nhanh chóng sốc lại kế hoạch kinh doanh sao cho phù hợp với những thay đổi nhanh chóng trên thị trường. Trước nguy cơ bị mất chỗ đứng trên thị trường, các nhà phân phối như Digiworld hay FPT Trading buộc phải có chiến lược riêng.
Như vậy, DN có thể áp dụng chiến lược này để tự nâng giá trị của bản thân, nhằm trở nên không thể thay thế. Thậm chí, có thể phải sẵn sàng từ bỏ mảng kinh doanh truyền thống để tìm đến những mảng có khả năng sinh lời cao hơn. Đây là điều mà nhiều tập đoàn trên thế giới đã áp dụng, như việc Microsoft bán Nokia cho Foxconn để tập trung vào thế mạnh là phần mềm; hay việc IBM bán mảng kinh doanh máy chủ cho Lenovo…