Phát huy vai trò của tín dụng chính sách ở khu vực Tây Nam Bộ
Diện mạo mới từ vốn tín dụng chính sách | |
Một chi hội trưởng tâm huyết với công tác ủy thác vốn vay ưu đãi | |
“Cú hích” tín dụng chính sách nơi đất võ Bình Định |
Các khách mời tham gia Tọa đàm gồm: Ông Nguyễn Hữu Quang - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội; ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp; ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ và ông Võ Minh Hiệp - Phó tổng Giám đốc NHCSXH.
Đánh giá những nét cơ bản nhất về vai trò của tín dụng chính sách đối với việc giảm nghèo của đất nước nói chung và khu vực Tây Nam Bộ nói riêng, ông Võ Minh Hiệp – Phó tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, sau gần 15 năm thành lập và đi vào hoạt động của NHCSXH Việt Nam, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của người nghèo và các đối tượng chính sách, cũng như sự nỗ lực của tập thể cán bộ viên chức NHCSXH trong toàn hệ thống, NHCSXH thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, thực hiện tốt mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra ban đầu:
Một là tập trung được nguồn lực lớn tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo. Hai là nâng cao chất lượng và hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách. Ba là tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại. Bốn là huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo. Năm là góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Với 5 mục tiêu ban đầu của Chính phủ đặt ra, đến nay, NHCSXH đã chuyển tải đến các đối tượng thụ hưởng 163.809 tỷ đồng, với gần 6,8 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Trong 15 năm qua đã có hơn 31 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH với tổng doanh số cho vay là trên 410.000 tỷ đồng tín dụng chính sách, góp phần giúp cho 1,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo và tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, trong đó trên 110.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập; xây dựng gần 9,4 triệu công trình cấp nước sạch vệ sinh ở nông thôn; trên 11 nghìn căn nhà tránh lũ cho hộ nghèo ở miền Trung; gần 105 nghìn nhà vượt lũ cho bà con ở vùng ĐBSCL.
Thông qua việc triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đã góp phần hiệu quả trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo, việc cho vay vốn tín dụng chính sách của NHCSXH đã được phối hợp chặt chẽ để các tổ chức đoàn thể xã hội và các đối tượng chính sách thụ hưởng, thực hiện nhiệm vụ vừa phát huy kinh tế, vừa tham gia ổn định chính trị vùng biên giới ở Tây Nam bộ.
Nhìn nhận về những thành tựu xóa nghèo, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Việt Nam chúng ta sau 30 năm đổi mới, đặc biệt là 15 năm gần đây thực hiện cho vay tín dụng về giảm nghèo bền vững. Chúng ta đã được Liên Hiệp Quốc đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và là một nước được đánh giá thực hiện mục tiêu thiên nhiên kỷ về trước so với thế giới.
Chúng ta đặc biệt được đánh giá hoàn toàn xóa bỏ nghèo cùng cực từ năm 2012, đây là một thành tựu rất lớn. Và từ 1 quốc gia có trên 50% dân số thuộc diện nghèo đói và có cả nghèo đói cùng cực, đến nay chúng ta đã trở thành một quốc gia ở mức thu nhập trung bình. Và đến hôm nay, chúng ta rất tự hào khi bình quân thu nhập đầu người tính trên GDP là 2.300 USD.
Điểm giao dịch NHCSXH tại xã Hỏa Lựu, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang |
Ở góc độ địa phương với nhiều người được hưởng vốn ưu đãi, ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, Đồng Tháp là một trong 13 tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh còn gặp khó khăn. Dân số khoảng 1,7 triệu dân, thu nhập đầu người ở Đồng Tháp không lớn lắm. Tỷ lệ hộ nghèo cách đây 15 năm chiếm 20% nhưng đến nay tỷ lệ này giảm xuống còn dưới 10%... Đây là một kết quả quan trọng trong công tác giảm nghèo thời gian qua, trong đó có vai trò của chính sách tín dụng để giảm nghèo bền vững theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Còn Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ - ông Nguyễn Thanh Xuân khẳng định: Với TP.Cần Thơ, sau khi có Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, Quyết định 401 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể vào cuộc thuận lợi. Chủ tịch UBND xã là thành viên của Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện. Trưởng ấp, trưởng khu vực với vai trò giám sát tổ tiết kiệm và vay vốn, đại diện cho đối tượng ở tại cơ sở cũng vào cuộc tích cực.
Chính cách làm đó đã gắn kết các đối tượng ở tại cộng đồng, kịp thời giải quyết những cái khó khăn, bức xúc. Qua đó, sự đồng thuận ủng hộ của người dân ngày càng cao. Người dân và cử tri Cần Thơ rất quan tâm đến tín dụng chính sách.
Về chất lượng tín dụng chính sách, ông Nguyễn Hữu Quang - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, có thể nói chúng ta chưa thỏa mãn với những mục tiêu mà chúng ta đề ra. Qua con số báo cáo, tôi thấy kết quả hoạt động của NHCSXH rất là tích cực. Tăng trưởng tín dụng cũng 19 – 20%/năm. Có thể nói NHCSXH chất lượng tín dụng rất cao, nợ xấu của chúng ta chỉ có 0,75%. Với kết quả như vậy, tôi cho rằng nếu chúng ta có điều kiện huy động, cho vay quản lý chặt với những gì chúng ta đạt được thì trong tương lai chúng ta sẽ đạt được cao hơn.