Phát triển gạch không nung: Chủ trương chưa “gặp” nhu cầu thị trường
Chương trình phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) không nung do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2010 đã được các DN hăng hái hưởng ứng. Nhiều DN đã đầu tư mạnh vào sản xuất các loại sản phẩm này, tập trung chủ yếu vào 3 loại trên thị trường hiện nay là gạch xi măng cốt liệu, bê tông khí chưng áp (AAC), và bê tông bọt. Tuy nhiên, thói quen sử dụng VLXD hiện nay đang là rào cản cho một số sản phẩm VLXD không nung phát triển.
DN rất tích cực đầu tư sản xuất gạch không nung. (Ảnh: MH)
Theo báo cáo của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), sau chủ trương của Chính phủ, đến nay đã có 10 cơ sở sản xuất gạch AAC và 13 cơ sở sản xuất bê tông bọt với công suất 2 triệu m3/năm, tương đương khoảng 1,4 tỷ viên gạch quy tiêu chuẩn. Với gạch xi măng cốt liệu, kể cả 40 dây chuyền công suất lớn 30-35 triệu viên/năm lẫn các dây chuyền nhỏ 2-5 triệu viên/năm ở các vùng nông thôn để thay thế lò gạch thủ công, tổng công suất khoảng 3 tỷ viên/năm. Như vậy, tính riêng gạch không nung hiện nay công suất đầu tư đã đạt 5 tỷ viên/năm, chiếm 17-18% công suất gạch xây. Theo Chương trình của Chính phủ đến năm 2015 phấn đấu đạt 20 - 25% thị phần gạch không nung, xét về mặt công suất đã vượt yêu cầu.
Các chuyên gia của Bộ Xây dựng đánh giá, gạch không nung xi măng cốt liệu nhờ giá thành cạnh tranh hơn đang tiêu thụ khá tốt với sản lượng bán ra khoảng 85-90% lượng sản xuất (khoảng 2,7 tỷ viên trong năm 2011 và dự kiến sản lượng tương đương trong năm 2012). Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ VLXD không nung nhẹ mà đặc biệt là gạch bê tông khí chưng áp AAC còn hạn chế, chỉ đạt khoảng 50-60% sản lượng do giá thành sản xuất loại gạch này cao hơn gạch đất sét nung khoảng 20-25%.
Hiện nay có 26 DN sản xuất gạch bê tông nhẹ, theo khảo sát của Bộ Xây dựng, hầu hết số này đều không đạt công suất thiết kế (20-30% công suất), duy nhất 1 công ty đạt gần 50% công suất. Có đơn vị mới đi vào sản xuất đã phải ngừng do hàng tồn kho lớn. “Để chủ trương này đi vào cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, bởi nhận thức của các cơ quan quản lý còn chưa thống nhất, việc thực hiện quyết liệt cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích cục bộ của từng địa phương…”, TS. Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam phân tích.
Ông Đặng Việt Lê - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gạch Khang Minh cho hay, DN này bên cạnh sản xuất đã phải đầu tư rất nhiều cho việc tiếp thị, truyền thông về những ưu điểm vượt trội của gạch không nung. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ của DN nói riêng và các DN khác cùng ngành nói chung không thấm vào đâu so với gạch đất sét nung vẫn đang được ưa chuộng và sử dụng chủ yếu trong các công trình xây dựng hiện nay.
“Vấn đề là chủ trương của Nhà nước mới đang dừng ở việc khuyến khích sản xuất và quy định các công trình vốn Nhà nước phải sử dụng gạch không nung với mức nhất định, trong khi việc cần làm là xóa bỏ các lò gạch đất sét nung thủ công, lạc hậu vẫn chưa quyết liệt lắm”, ông Lê quả quyết.
Giám đốc một DN sản xuất gạch AAC tại Thái Nguyên cũng cho rằng, tiếng là khuyến khích phát triển, song hiện nay Nhà nước chưa có biện pháp nào để xóa sổ các lò gạch thủ công dù tác hại của chúng đã không ít lần được cảnh báo. “Tôi đã từng đề xuất cơ quan quản lý cần có những biện pháp mạnh tay, mà thực hiện cũng rất đơn giản thôi, chẳng hạn tịch thu và bắt giữ các xe chở gạch đất sét nung không rõ nguồn gốc trên đường, thậm chí có thể bắt giữ ngay tại công trình, nhưng họ đều nói rằng không thực hiện được”, ông này bức xúc nói.
Khanh Đoàn