Phía sau sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc trước rủi ro chiến tranh thương mại | |
Trung Quốc “hành động” khi căng thẳng thương mại leo thang |
Có những tín hiệu rất tích cực ẩn phía sau sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc. Theo đó, Chính phủ nước này vẫn đẩy mạnh kiềm chế rủi ro của khu vực tài chính, cắt giảm dư thừa công suất và kiểm soát giá nhà ngay cả khi tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 30 năm và căng thẳng thương mại với Mỹ có thể khiến nền kinh tế tiếp tục chậm lại. Tuy nhiên những chính sách đó có thể đưa Trung Quốc vào con đường phát triển bền vững hơn.
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực cắt giảm công suất dư thừa trong lĩnh vực sắt thép |
Không chỉ với Trung Quốc mà ngay cả với thế giới, triển vọng tăng trưởng kinh tế ổn định hơn, cho dù tốc độ có chậm lại, cũng mang lại nhiều lợi ích. Do quy mô của kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn rất nhiều so với trước đây, nên mức tăng trưởng 6% cũng có thể tạo ra nhu cầu toàn cầu nhiều như so với mức tăng trưởng 2 con số của thời gian trước, có nghĩa Trung Quốc sẽ vẫn là động cơ tăng trưởng lớn nhất thế giới.
“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có những thành công ấn tượng trong việc tái cấu trúc một số bộ phận đầu cơ nhất của hệ thống tài chính Trung Quốc”, Andrew Polk - đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China tại Bắc Kinh cho biết. “Nhiều nhà phân tích đã không nhận ra những lợi ích đáng kể này”.
Một điểm tích cực từ các chính sách cải cách của Trung Quốc là tăng trưởng năng suất đã tăng từ mức trung bình khoảng 1,9%/năm trong giai đoạn 2014-2016 lên khoảng 2,4% trong năm nay, theo nhà kinh tế Robin Xing của Morgan Stanley. Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy cải thiện năng suất đó là cắt giảm công suất dư thừa trong các ngành công nghiệp, từ sắt thép tới xi măng.
Bên cạnh đó, theo ước tính của Xing, tốc độ gia tăng nợ của Trung Quốc cũng đang có xu hướng chậm lại, giữ nguyên ở mức 276% GDP trong năm nay và dự kiến chỉ tăng khoảng 3% trong năm 2019, thấp hơn nhiều mức tăng trung bình hàng năm khoảng 15% trong giai đoạn 2007 - 2015.
“Đây là lần đầu tiên chính sách nới lỏng của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào tài khóa hơn là chính sách tiền tệ”, Xing nói. “Họ sẽ không từ bỏ thành quả khó khăn đã đạt được về kiểm soát tỷ lệ đòn bẩy và năng lực sản xuất”.
Các chính sách mà Chính phủ Trung Quốc đã và đang triển khai mặc dù sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư và các công ty trong ngắn hạn, nhưng lại có những tác động tích cực trong dài hạn. Không thể phủ nhận hiện các công ty đang gặp khá nhiều khó khăn về tín dụng sau khi các nhà hoạch định chính sách nỗ lực hạn chế hoạt động của hệ thống ngân hàng ngầm. Theo đó, tài trợ từ hệ thống ngân hàng ngầm giảm tháng thứ 8 liên tiếp trong tháng 10 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016.
Thậm chí lượng công ty vỡ nợ đã đạt mức kỷ lục trong năm nay khi Chính phủ Trung Quốc tiếp tục kiềm chế ngân hàng ngầm. Tuy nhiên như IMF và WB từ lâu đã khuyến nghị, việc loại bỏ sự bảo lãnh ngầm định sẽ làm giảm rủi ro đạo đức và cho phép rủi ro được định giá có ý nghĩa. Điều đó đang bắt đầu xảy ra.
Hay như trong thời kỳ suy thoái trước đó, các nhà hoạch định chính sách sử dụng các ngân hàng quốc doanh để tài trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước để từ đó triển khai thực hiện mọi thứ, từ cơ sở hạ tầng đến bất động sản. Thế nhưng điều đó hiện cũng đã được thay đổi. Tốc độ tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng giảm xuống còn 3,3% trong 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước - mức thấp kỷ lục kể từ năm 2014. Nó phục hồi một chút lên 3,7% vào tháng trước, song chủ yếu là do các chính sách kích thích tài chính nhiều hơn đang bắt đầu đi vào nền kinh tế thực.
Còn với đầu tư bất động sản, vốn đã tăng lên kể từ cuối năm ngoái, hiện cũng đã được kiểm soát. Doanh số bán nhà mới tăng với tốc độ chậm nhất trong 6 tháng vào tháng 10, một dấu hiệu cho thấy thị trường đang dịu lại dước áp lực của các chính sách được thiết kế để hạn chế đà tăng giá bất động sản.
Nếu như trước đây, “mỗi khi Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi một cú sốc, họ thường hoảng sợ và “mở van” tín dụng để duy trì tăng trưởng”, David Loevinger - cựu chuyên gia về Trung Quốc của Bộ Tài chính Mỹ cho biết. “Trái ngược với quá khứ, hiện nay người Trung Quốc dường như đang cố gắng thiết lập một sàn tăng trưởng, chứ không phải là “kỹ sư phục hồi tăng trưởng” bằng tín dụng”.
Ngay cả khi cuộc chiến thương mại với Mỹ đang có chiều hướng leo thang, các nhà hoạch định chính sách đã tìm cách nới lỏng một chút về tiền tệ và cắt giảm dự trữ bắt buộc để khuyến khích các ngân hàng cho vay, vì sợ nền kinh tế giảm tốc quá nhanh. Tuy nhiên trái với dự đoán của không ít các nhà kinh tế, cho đến nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn không cắt giảm lãi suất.
“Các nhà hoạch định chính sách đã thực sự thay đổi hướng đi của họ đối với kích thích”, Andrew Tilton - Kinh tế gia trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Goldman Sachs ở Hồng Kông nói với Bloomberg Television. “Họ đã nhắc lại nhiều lần rằng họ không muốn làm một vụ kích thích theo kiểm “vụ nổ lớn” như năm 2009 và tôi nghĩ lần này họ thực sự sẽ làm như vậy”.