QR Code và cuộc chạy đua của các ngân hàng
Người tiêu dùng Việt tích cực đón nhận thanh toán số | |
Đẩy mạnh thanh toán bằng mã QR Code | |
20 ngân hàng tham gia hỗ trợ thanh toán bằng bằng QR Code |
Chỉ cần một chiếc smartphone và qua thao tác quét QR Code, vài giây sau là người dùng đã có thể hoàn tất thanh toán mặt hàng tại cửa hàng hay mua hàng trực tuyến một cách dễ dàng, nhanh chóng. Đây là tính năng nổi trội trong thanh toán bằng QR Code hiện đang được nhiều người dùng Việt Nam chọn lựa. Để đáp ứng nhu cầu người dùng, thời gian qua các ngân hàng cũng như tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian tích cực phát triển loại hình thanh toán này.
Theo cập nhật mới nhất, tổng số các tổ chức tài chính tham gia vào mạng lưới thanh toán QR Code tại thị trường Việt Nam lên 24 ngân hàng và 9 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua QR Code. Toàn thị trường có hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code. Riêng trong quý I/2019 đã có thêm 3 ngân hàng triển khai thanh toán QR Pay là BacABank, MB và OCB.
Là một trong những ngân hàng đi tiên phong phát triển công nghệ này, ông Đinh Văn Chiến - Phó tổng giám đốc TPBank đánh giá, thanh toán tăng rất mạnh và đang trở thành xu hướng thanh toán mới. TPBank đã phát triển được trên 30.000 điểm chấp nhận thanh toán mã QR Code. Linh hoạt, thuận tiện, dễ dàng sử dụng, khách hàng của TPBank chỉ cần tải QuickPay và quét mã QR là thanh toán nhanh chóng, dễ dàng, ngoài ra có thể nạp tiền hay chuyển tiền rất đơn giản.
Thậm chí, người dùng còn có thể nhờ người khác thanh toán hộ bằng cách chỉ cần cung cấp mã hóa đơn của mình hoặc đơn giản nhất là chụp ảnh mã QR Code được in trên hóa đơn và gửi cho người quen để thanh toán. Không chỉ tiện lợi, xét về độ bảo mật, việc sử dụng QR Code không chỉ giảm thiểu tối đa hành vi trộm cắp thông tin thẻ tín dụng hoặc tiền mặt qua 2 lớp bảo mật mà còn thuận tiện trong việc cài đặt.
Với tiện ích và an toàn trong thanh toán của QR Code cũng lý giải vì sao ngày càng nhiều người dân Việt Nam đã chọn lựa hình thức thanh toán này. Không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, các NHTM và công ty trung gian thanh toán thời gian qua đã phối hợp với các điểm bán lẻ hàng hóa dịch vụ để đưa QR Code vào thanh toán bằng các ứng dụng do mỗi tổ chức tự xây dựng và đăng ký với NHNN. Nhiều đơn vị chấp nhận hình thức thanh toán này như các hệ thống Ministop, FamilyMart, Lotte Mart, FPTShop, CGV, KidsPlaza, Phúc Long, Q-mart, Media Mart…
Sự kết hợp trên đã giúp cho doanh số thanh toán của các ngân hàng tăng lên đáng kể. Lãnh đạo một ngân hàng tiết lộ, từ đầu năm đến nay tổng doanh số thanh toán qua phương thức này ước tính bình quân khoảng 200 - 300 tỷ đồng/tháng, tốc độ tăng trưởng trên 20%/tháng, hứa hẹn bổ sung một khoản kha khá vào lợi nhuận của ngân hàng. Theo vị này, các giao dịch thanh toán bằng QR Code chủ yếu thanh toán hóa đơn dịch vụ, nhà hàng, taxi, siêu thị, mua sắm online...
Không dừng lại liên kết với các đối tác tại Việt Nam, TPBank vừa ký kết liên thông thanh toán với UnionPay (UPI). Sự hợp tác này, theo ông Chiến, không chỉ giúp du khách dễ dàng thanh toán tại Việt Nam, còn các nhà bán lẻ Việt mở rộng khả năng bán hàng, tăng doanh thu và lợi nhuận… “Liên kết với những đối tác như UPI, chúng tôi cũng hướng tới, trong tương lai, khách hàng của TPBank đi nước ngoài có thể sử dụng ứng dụng QuickPay để thanh toán bằng QR Code mà không cần thẻ hay tiền mặt”, ông Chiến chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của phương thức này tại Việt Nam theo giới chuyên môn vẫn là chưa có chuẩn chung về QR Code, gây khó khăn trong việc liên thông thanh toán. Do mỗi ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán đưa ra một mã QR Code nên không có sự liên thông thanh toán. Dẫn đến trường hợp khách hàng đang cài ứng dụng của ngân hàng X sẽ không thanh toán được sản phẩm được cài mã QR Code theo tiêu chuẩn của ngân hàng Y.
Để giải quyết vấn đề trên, trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, thời gian tới NHNN thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị trường phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” và sẽ ban hành sớm nhất có thể.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tiêu chuẩn chung về mã QR Code rất quan trọng đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng, dữ liệu thanh toán qua QR Code. Đây là cơ sở quan trọng để các ngân hàng mạnh dạn triển khai thanh toán qua QR Code.
“Việc có một chuẩn chung về mã QR Code trong thanh toán di động cho thị trường Việt Nam để các hệ thống khác nhau có thể đọc được mã của nhau, hướng tới sự liên thông trong thanh toán là rất cần thiết, tiện lợi cho cả khách hàng và ngân hàng”, một chuyên gia ngân hàng nhận xét và gợi ý thêm giải pháp các ngân hàng này cần thông tin rộng rãi các sản phẩm thanh toán phi tiếp xúc đến doanh nghiệp và người tiêu dùng mới có thể thúc đẩy được hoạt động thanh toán bằng mã QR Code. Ngoài sự tham gia của các ngân hàng, ví điện tử trung gian cũng cần có các chương trình hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng phương thức thanh toán QR Code.
Thanh toán mã QR Code tại Việt Nam dù mới ở bước đầu nhưng hiện tại Việt Nam đang đứng thứ 25 trong danh sách các quốc gia có người dân sở hữu điện thoại thông minh nhiều nhất thế giới. Do đó, xu hướng thanh toán mã QR Code cũng sẽ bùng nổ trong thời gian tới, đặc biệt khi NHNN ban hành chuẩn chung.