Quá đắn đo lãi suất sẽ mất “cơ hội vàng”
“Tăng lãi suất huy động không phải xu hướng chung” | |
Lãi suất cho vay vẫn tiếp tục ổn định | |
Điều hành lãi suất, tỷ giá năm 2016: Tiếp tục mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô |
Chưa lo ngại lãi suất
Vấn đề lãi suất vốn khá “nhạy cảm” và được dư luận quan tâm, nhưng nó càng nhạy cảm hơn với trường hợp của Việt Nam, do nguồn vốn sản xuất kinh doanh của DN và người dân vẫn chủ yếu dựa vào NH. Chính vì vậy, sau khi một số NHTM tăng lãi suất huy động trong thời gian gần đây, không ít chuyên gia và DN đã tỏ ra lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo.
Tuy nhiên mới đây, trao đổi với báo chí, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, thống kê của NHNN cho thấy, 2 tháng đầu năm 2016 có 15 TCTD tăng lãi suất với mức tăng bình quân từ 0,1-0,2%/năm, trong khi có 6 TCTD lại giảm, bình quân giảm từ 0,1-0,3%/năm. Vì vậy, mức lãi suất huy động hiện tại vẫn cơ bản ổn định so với cuối năm 2015.
Nếu quá để ý vào lãi suất, tính toán quá kỹ, DN sẽ mất cơ hội kinh doanh |
Theo một chuyên gia ngân hàng, đúng là đã có sự lo lắng trên khi một vài NH tăng lãi suất huy động ở một vài kỳ hạn lên tới mức 8%/năm. Tuy nhiên, hiện nay không còn NH nào niêm yết lãi suất huy động ở mức 8%/năm. Đây có thể là “chiêu” quảng bá hình ảnh, tạo sự chú ý của một vài NH.
Qua phân tích của một vụ chức năng NHNN, chỉ số chi phí vốn/thu nhập, hệ số lợi nhuận biên ròng của các TCTD từ đầu năm đến nay không thay đổi. Như vậy, mặt bằng lãi suất không tác động đến chỉ số này thì chẳng có lý do gì để nói tăng lãi suất cho vay là giải pháp phải tính đến. Nếu có chăng, chỉ là sự chuyển dịch mặt bằng lãi suất tiền gửi giữa các kỳ hạn, theo điều kiện nguồn vốn và nhu cầu thị trường tại một thời điểm nhất định.
Vị chuyên gia trên cũng cho rằng, trên thực tế đã là thị trường thì lãi suất cho vay bao nhiêu đều được NH xác định dựa trên cơ sở lãi suất huy động trừ đi các chi phí hoạt động, trích lập dự phòng. Bên cạnh đó, lãi suất còn dựa trên nhiều yếu tố khác nhu cung cầu vốn, chỉ số lạm phát… Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa biết quý I, lạm phát ở mức bao nhiêu thì chưa thể lo ngại tới lãi suất.
Tổng giám đốc một DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản có trụ sở tại Đông Anh (Hà Nội) phân tích thêm, lo ngại về cuộc đua tăng lãi suất vào thời điểm này là quá sớm. Bởi vào thời điểm 2007-2008, châm mồi cho cuộc đua lãi suất là các NH yếu kém, họ chào mời khách hàng, đua khuyến mại để hút tiền gửi, còn hiện nay chưa có dấu hiệu gì nên chưa thể ảnh hưởng tới lãi suất cho vay. “DN đang vay vốn của Agribank vẫn với lãi suất 7%/năm như năm 2015 và phía NH cũng chưa thông tin gì tới việc tăng lãi suất”, vị nọ cho hay.
DN chưa thấy tác động
Quan ngại lãi suất tăng của DN xuất phát từ lý do đây là một khoản chi phí kinh doanh khá lớn, do đòn bẩy tài chính tại nhiều DN thường khá cao. Và khi chi phí đầu vào sản xuất tăng lên sẽ tác động đến giá thành, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trong bối cảnh kinh doanh còn khó khăn. Tuy nhiên, nhiều doanh nhân cũng thừa nhận, nếu quá để ý vào lãi suất, tính toán quá kỹ, DN sẽ mất cơ hội kinh doanh. Chính vì vậy, đa số DN vẫn theo đuổi kế hoạch kinh doanh của mình, tiếp tục vay vốn NH để thực hiện các mục tiêu mở rộng kinh doanh.
Nguồn vốn NH luôn đáp ứng đủ nhu cầu của DN |
Ông Vũ Văn Tiến, Giám đốc CTCP Bia Hà Nội - Kim Bài cho biết, để chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng nhu cầu bia chai và bia hơi mùa hè này, DN đã vay vốn đầu tư sản xuất, đồng thời tăng cường tiếp thị mở rộng thị trường.
“Thời gian vừa qua, đặc biệt là năm 2015, quan hệ giữa NH và DN có sự hợp tác, chia sẻ rất tốt, theo tinh thần DN cũng cần NH và ngược lại NH cũng cần các khách hàng DN. Nguồn vốn NH luôn đáp ứng đủ nhu cầu của DN, thủ tục vay đơn giản, cán bộ nhiệt tình...”, ông Tiến nhấn mạnh và cho biết, hiện nay DN của ông vẫn vay vốn lưu động với vòng quay 6 tháng tại VietinBank với lãi suất 7%/năm.
Còn ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng số 6 Thăng Long cho biết, DN cũng chưa nhận được thông báo gì về việc điều chỉnh lãi suất từ phía NH. Theo ông Khoa, ngay từ đầu năm NHNN đã chỉ đạo các NHTM giữ mặt bằng lãi suất ổn định. Đó là thông tin đáng mừng, bởi DN cũng mới phục hồi, sẽ cần thêm thời gian để từng bước mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Bên cạnh mảng xây dựng thì năm nay, công ty cũng mở rộng sang mảng kinh doanh thương mại dịch vụ. Chúng tôi dự tính nếu lãi suất cho vay có tăng thì cũng chỉ thêm 1%/năm. Nếu lo quá về lãi suất, không dám đầu tư thì DN cũng sẽ đánh mất cơ hội kinh doanh”, ông Khoa chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Tiến cũng cho rằng, trong kinh doanh, DN bao giờ cũng mong có lãi. Nhưng đôi khi muốn lợi nhuận nhiều hơn trong tương lai thì có lúc phải chấp nhận hòa vốn để tìm kiếm cơ hội tiếp theo.
“Theo tôi, DN nên tham khảo từ dự báo thị trường sản phẩm và dự báo về chính sách vĩ mô, chính sách tiền tệ trong đó có lãi suất để đưa ra kế hoạch kinh doanh. Bên cạnh đó, DN cũng phải có quỹ phòng ngừa rủi ro, trong đó gồm cả rủi ro về thiên tai, thị trường, tỷ giá, lãi suất… để từ đó đưa ra kế hoạch kinh doanh hợp lý”, ông Tiến bày tỏ.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2016 được dự báo tăng trưởng hồi phục tốt hơn, tổng cầu cũng tăng nên sức tiêu thụ hàng hóa và nhu cầu mua sắm tăng. Chính vì vậy, DN cần nắm bắt “cơ hội vàng” để sản xuất kinh doanh, thay vì quá đắn đo lãi suất.