Rủi ro khi tham gia đa cấp “ví điện tử” Payasian
Ảnh minh họa |
Vừa qua, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP. Yên Bái nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc có một nhóm người đứng ra tổ chức cho người dân nghe thuyết trình về đồng tiền chung châu Á, người thuyết trình là Giám đốc điều hành Công ty Pay Asian.
Qua kiểm tra xác minh, Công an TP. Yên Bái xác định việc nhóm người trên lên Yên Bái chia sẻ về ứng dụng Payasian sử dụng đồng tiền thanh toán là Payer, nhưng không có giấy tờ pháp lý chứng minh đủ tư cách pháp nhân. Khi thu tiền của người dân, nhóm này không có bất kỳ phiếu thu hay chứng từ chứng minh việc thu tiền…
Trước đó, theo phản ánh của ông H.T.Đ, một nông dân ở xã Hưng Khánh: Người của Công ty cổ phần Pay Asian đến vận động tuyên truyền, mời gọi ông tham gia. Ông đồng ý, nộp tiền rồi họ đưa cho mảnh giấy có vài dòng chữ thông tin tài khoản giao dịch, mật khẩu và địa chỉ email… Nhưng không chỉ có ông mà nhiều người khác trên địa bàn cũng "mắc” vào cái gọi là "ví điện tử Payasian”.
Theo lời quảng cáo, chỉ cần “đầu tư” 2,5 triệu đồng mua tiền ảo có tên là Payasian ở trong ví, sau vài năm mức lợi nhuận lên tới hàng tỷ đồng. Ngoài việc cho “lãi khủng", các nhà đầu tư còn nhận thêm cả hoa hồng rất cao nếu mời thêm được “nhà đầu tư” mới.
Cụ thể, khi mời được những người đầu tiên thuộc F1, người tham gia sẽ được 30% hoa hồng, mời được những người F2 sẽ được 20% số tiền bảo chứng của người sau theo hình kim tự tháp, tất cả hoa hồng đều được trả bằng tiền ảo.
Điều đáng nói là, theo danh sách các đơn vị được cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên trang website của Ngân hàng Nhà nước, đến nay không hề có tên của Công ty cổ phần Payasian. Điều đó đồng nghĩa với việc “ví điện tử” Payasian vẫn chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
Một số chuyên gia kinh tế về tài chính- ngân hàng nhận định: Ví điện tử được nói đến chỉ là những tài khoản hay ví điện tử tại sàn giao dịch tiền kỹ thuật số đặt ở nước ngoài, được sử dụng để nhà đầu tư chuyển tiền bằng tiền pháp định hoặc đồng tiền kỹ thuật số đã được lưu hành khác. Điểm này hoàn toàn khác với việc đầu tư vào các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán (trong đó có ví điện tử) được cấp phép hoạt động tại Việt Nam hiện nay.
Về vấn đề này, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng: Các nhà đầu tư không có kinh nghiệm thẩm định, không đủ kiên nhẫn để xem xét chi tiết phương án đầu tư có khả năng sẽ trở thành “con mồi”. Trong trường hợp xảy ra gian lận, lừa đảo, nhà đầu tư có rất ít cơ hội để được pháp luật bảo vệ và lấy lại tiền đầu tư.
Không chỉ vậy, mức độ rủi ro của việc “gọi vốn” dạng này được đánh giá là rất cao, rủi ro hơn cả các dự án được tài trợ thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm. Thời gian thu hồi vốn sẽ rất lâu và phụ thuộc vào dự án, ngay cả khi dự án đã đi vào hoạt động vẫn luôn có khả năng phá sản và khó có thể thu hồi vốn.
Hơn nữa, tiền kỹ thuật số không dễ quy đổi ra tiền mặt, thường được mua - bán qua các sàn giao dịch với giá trị hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu, tâm lý thị trường và biên độ biến động giá rất lớn. Ngoài ra còn có những đồng tiền kỹ thuật số giả…
Vì tiềm ẩn nhiều rủi ro như vậy nên hiện nay chỉ có một số quốc gia chấp nhận cho phép thử nghiệm sử dụng tiền kỹ thuật số, còn lại thì không. Tại các quốc gia không chấp nhận tiền kỹ thuật số, việc bảo vệ nhà đầu tư là rất hạn chế khi pháp luật không công nhận giao dịch và bản thân thông tin giao dịch mua/bán cũng chỉ giới hạn giữa 2 bên, nền tảng công nghệ trung gian và không để lại dấu vết giao dịch.
Tính đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán cho 30 tổ chức không phải ngân hàng, trong đó 27 tổ chức cung ứng có ví điện tử, phổ biến như Momo, Ví Việt, Moca, VTC Pay, WePay, Payoo...