Rủi ro mất vốn ở dự án thua lỗ
Quyết liệt xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ | |
Cần mạnh tay với các dự án thua lỗ lớn | |
Xử lý 12 dự án thua lỗ: Bảo toàn tài sản nhà nước ở mức cao nhất |
Tiếp tục phát sinh lỗ và nợ quá hạn
Theo báo cáo của Bộ Công thương, sau một năm khắc phục tình trạng thua lỗ tại 12 dự án lớn của ngành này, tính đến cuối năm 2017 mới chỉ có 2 dự án ghi nhận có lãi và giảm được lỗ lũy kế là Dự án mỏ sắt Quý Xa và Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng. 10 dự án còn lại vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để trả nợ và dự kiến sẽ tiếp tục phát sinh nợ quá hạn cả gốc và lãi đối với các khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và các TCTD trong nước.
Dù đã hoạt động trở lại nhưng 10/12 dự án vẫn phát sinh lỗ và nợ quá hạn |
Cụ thể, tính đến cuối tháng 12/2017 tổng nợ phải trả của 12 dự án kể trên đạt con số trên 58.500 tỷ đồng, tăng hơn 3.400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016. Tổng lỗ lũy kế của 10/12 dự án là gần 18.700 tỷ đồng, tăng hơn 2.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016.
Đến hết tháng 1/2018, tổng dư nợ tín dụng của 12 dự án kể trên mặc dù giảm được 193 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017 nhưng vẫn ở mức rất cao là trên 20.800 tỷ đồng. Trong đó, dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTex) là dự án có mức dư nợ lớn nhất với trên 4.500 tỷ đồng, tiếp theo là dự án Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc với mức dư nợ gần 3.800 tỷ đồng.
Điều đáng lưu ý là tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã được các ngân hàng tái cơ cấu thời gian trả nợ hoặc điều chỉnh lãi suất, nhưng nợ của một số dự án vẫn có chiều hướng tăng và bị xếp vào các nhóm nợ ít có khả năng thu hồi vốn. Chẳng hạn, số nợ hơn 3.000 tỷ đồng của Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 - Lào Cai hiện đang bị các ngân hàng xếp vào nhóm nợ nhóm 4. Số nợ gần 10.000 tỷ đồng của 4 dự án bao gồm: dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên; dự án Nhà máy đạm Hà Bắc; dự án Nhà máy phân bón DAP số 2 - Lào Cai và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất tại VDB hiện cũng đang bị ngân hàng này xếp vào nợ nhóm 5 - tức là nợ mất vốn.
Trong lúc nợ khó đòi tăng cao như trên thì tình hình khắc phục lỗ của các dự án cũng không mấy sáng sủa. Cụ thể, tính đến hết quý I/2018 tổng doanh thu của dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai mới chỉ đạt khoảng gần 540 tỷ đồng, ước lỗ khoảng 55,5 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2018 số lỗ của dự án này sẽ lên tới gần 119 tỷ đồng. Hay như các dự án Nhà máy đạm Ninh Bình và đạm Hà Bắc mặc dù số lỗ có ghi nhận giảm nhẹ nhưng đến hết quý I/2018 mỗi dự án vẫn lỗ thêm lần lượt 200 tỷ đồng và 138 tỷ đồng. Ước cả năm 2018 hai dự án này sẽ tiếp tục lỗ khoảng 750 tỷ đồng cho mỗi nhà máy.
Cẩn trọng tiếp tục cho vay
Thông tin tại cuộc họp Ban chỉ đạo của Chính phủ hồi cuối tháng 2/2018 đại diện NHNN cho biết, hiện nay đang có 17 ngân hàng và 1 công ty tài chính đang cấp tín dụng cho 12 dự án thua lỗ của Bộ Công thương. Tổng dư nợ cho vay đối với các dự án này đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu (83%) là cho vay dài hạn. Hiện, nợ xấu của các dự án này được xác định khoảng 8.000 tỷ đồng trong khi mới chỉ trích lập được khoảng 5.000 tỷ đồng.
Thực tế, thời gian vừa qua, nhằm hỗ trợ xử lý, khắc phục những yếu kém về tài chính tại các dự án thua lỗ các NHTM đã giãn nợ và duy trì hạn mức cho vay vốn lưu động trên cơ sở căn cứ vào tỷ lệ giữa vốn thu hồi và cho vay ở mức 10/8 hoặc 10/9. Tuy nhiên, với con số nợ quá hạn và lỗ lũy kế phát sinh như báo cáo của Bộ Công thương, rõ ràng các NHTM nên tính toán lại việc hỗ trợ vốn nhằm giúp các dự án, nhà máy có nguồn lực duy trì và thúc đẩy hoạt động. Bởi việc tiếp tục cho vay vốn với tỷ lệ vốn thu hồi/vốn cho vay là 10/8 hoặc 10/9 sẽ khó có thể giúp những dự án như Nhà máy đạm Ninh Bình và Nhà máy đạm Hà Bắc duy trì hoạt động. Trường hợp các dự án không thể có lãi thì chắc chắn các ngân hàng sẽ phải chịu thiệt thòi.
Ngoài ra, hiện nay sau quá trình thanh tra, Cơ quan Thanh tra Chính phủ cũng đã phát hiện nhiều sai phạm về tài chính ở các dự án đang thua lỗ. Trong quý II/2018 hồ sơ, tài liệu về sai phạm của các dự án như PVTex, DAP số 2 - Lào Cai, Đạm Ninh Bình sẽ được chuyển sang cơ quan công an đề nghị truy tố. Các dự án khác như: dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án DAP số 1 - Hải Phòng và Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất cũng đang được Bộ Công thương tổ chức thanh tra toàn diện. Chính vì vậy, thời điểm này nếu các NHTM vẫn tiếp tục gia tăng cho vay vào các dự án kiểu như 12 dự án thua lỗ ngàn tỷ đồng thì những nguy cơ nợ xấu là hiện hữu và rất nhiều khả năng tiếp tục gia tăng.