Quyết liệt xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ
Cần mạnh tay với các dự án thua lỗ lớn | |
Xử lý 12 dự án thua lỗ: Bảo toàn tài sản nhà nước ở mức cao nhất |
Tính đến thời điểm này, các cơ quan Chính phủ đã có hàng loạt buổi làm việc với Bộ Công Thương và DN để xử lý triệt để các dự án thua lỗ theo các phương án đã có. Quan điểm của Chính phủ là không sử dụng thêm nguồn vốn Nhà nước và cho giải thể phá sản các DN thua lỗ, không hiệu quả.
Tuy nhiên, tìm phương án xử lý không dễ. Như hồi đầu tháng 7, khi Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Hoàng Quốc Vượng đến làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhằm quyết liệt tìm ra phương án xử lý 5 dự án thua lỗ của tập đoàn này, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, hiện tập đoàn đã có phương án xử lý và đề xuất cụ thể gửi Ban Chỉ đạo và Bộ Công Thương, nhưng do khách quan và chủ quan, vướng mắc tài chính nên công việc hiện nay chưa thực hiện được nhiều.
Ảnh minh họa |
Khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các dự án thua lỗ thuộc tập đoàn này liên quan đến quyết toán hợp đồng EPC của các dự án, nhưng mỗi dự án lại có đặc thù riêng; việc quyết toán lại liên quan đến đối tác nước ngoài… Riêng đối với Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dung Quất, PVN đã có hướng xử lý, quyết định đóng quyết toán hợp đồng, nhưng sẽ cần sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Chính phủ. Đặc biệt, với các dự án cần vốn vay của ngân hàng, nếu không có sự chỉ đạo của Chính phủ thì việc thanh toán hợp đồng và tái cơ cấu khoản vay sẽ là vấn đề lớn.
Mặt khác, việc khởi động lại các dự án đang trong tình trạng khó khăn về dòng tiền và chi phí, nhất là khi các dự án này không được rót thêm vốn nhà nước. Đây là vướng mắc lớn nhất nên giờ chưa được triển khai. Nút thắt lớn nhất cần tháo gỡ lúc này là phải giải quyết được chỉ đạo “không sử dụng thêm nguồn vốn nhà nước” để giải quyết các dự án thua lỗ. Chính vì vậy cả Bộ Công Thương và PVN đều đang lúng túng khi PVN là DNNN, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN suy cho cùng đều là tiền của Nhà nước. Nếu sử dụng nguồn tiền này để xử lý các dự án, liệu có vi phạm chỉ đạo “không sử dụng thêm nguồn vốn nhà nước” để giải quyết các dự án thua lỗ hay không.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, bộ sẽ triển khai quyết liệt xử lý các dự án thua lỗ trong năm 2017, hoàn thành phương án xử lý để năm 2018 cơ bản giải quyết hết khó khăn và 2020 hoàn thành dứt điểm. Ông Vượng cũng khẳng định, Nhà nước không bỏ thêm vốn vào các dự án thua lỗ nên các DN phải có giải pháp xử lý, như trích lập quỹ dự phòng nếu dự án không triển khai tiếp, phá sản và bán chuyển nhượng sẽ thu một phần chi phí bỏ ra từ dự án đó.
Tuy nhiên, ưu tiên phương án khởi động lại dự án sau đó mới thoái vốn. Vì vậy, các DN hoạt động theo cơ chế CTCP cần đại hội cổ đông thống nhất phương án bổ sung vốn, tăng vốn để xử lý, sau đó thống nhất để báo cáo Thủ tướng. Nếu Chính phủ không đồng ý cổ đông bổ sung thêm vốn, DN sẽ chuyển sang phương án 2 là chuyển nhượng, bán.
Trước đó, khi chủ trì hội nghị xử lý 12 dự án thua lỗ yếu kém ngành Công Thương, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, có 2 vấn đề chung của 12 dự án là khi lập dự án phê duyệt rất nhanh nhưng khi tổ chức thực hiện lại rất trì trệ, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản vướng mắc với nhà thầu EPC, phải điều chỉnh mức đầu tư. Thứ 2 là khi lập phương án đầu tư và sản xuất kinh doanh các thông số đầu vào, đầu ra rất khả quan nhưng đến khi vào thực tế vận hành thì ngược lại, chi phí đầu vào cao, đầu ra lại rất thấp.
“Nguyên tắc của Bộ Chính trị là tự chịu trách nhiệm, tự xử lý của bản thân DN. Nhà nước, Ban chỉ đạo chỉ là tạo điều kiện để thực hiện. Từng tập đoàn phải thành lập tổ công tác, ban chỉ đạo, trực tiếp do tổng giám đốc đứng đầu và chịu trách nhiệm toàn diện về tái cơ cấu các DN trực thuộc, đánh giá kết quả công tác hàng năm”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Mới đây nhất, tổ công tác của Thủ tướng với PVN, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng một lần nữa nêu rõ, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng về xử lý các dự án yếu kém, chậm tiến độ là kiên quyết xử lý theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN, Nhà nước không cấp thêm vốn cho các dự án này.