Cần mạnh tay với các dự án thua lỗ lớn
Xử lý 12 dự án thua lỗ: Bảo toàn tài sản nhà nước ở mức cao nhất | |
Không thể bàn lùi | |
Quản lý vốn Nhà nước: Mấu chốt vẫn là con người |
Những tháng vừa qua, việc cân nhắc hướng xử lý 12 đại dự án thua lỗ lớn đang trở thành tâm điểm của các cuộc họp bàn của Chính phủ và nhiều bộ, ngành. Chủ trương chung của Chính phủ là sẽ không bỏ thêm tiền ngân sách để cứu các dự án kém hiệu quả. Tuy nhiên, các phương án được đưa ra để xử lý các dự án đang được cho là thiếu tính khả thi.
Tiến độ xử lý rất chậm
Theo thống kê, hiện nay trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ, thì dự án xơ sợi Đình Vũ của Tập đoàn EVN đang lỗ khoảng 1.700 tỷ đồng. Các dự án nhà máy đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai của Tập đoàn Vinachem đang lỗ lần lượt 2.700 tỷ đồng, 1.500 tỷ đồng và 281 tỷ đồng. Dự án nhà máy Ethanol Bình Phước của PVN thua lỗ khoảng 200 tỷ đồng. Trong khi đó dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất (cũng của PVN) đang đứng bên bờ vực phá sản với số lỗ lũy kế trên 1.200 tỷ đồng và tổng khoản nợ phải trả là 7.400 tỷ đồng, không có khả năng thanh toán.
Do âm vốn và lỗ lớn dù có bán 0 đồng các dự án kém hiệu quả cũng khó có người mua |
Hai dự án của Tập đoàn VnSteel là Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam và Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 cũng đang bỏ hoang, mỗi ngày đều đang phải ghi nhận lỗ lớn. Cụ thể, dự án nhà máy giấy Phương Nam tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, đã bỏ hoang 10 năm không sản xuất do công nghệ không phù hợp.
Dự án Gang thép Thái Nguyên đội vốn 4.300 tỷ đồng, không còn khả năng chi trả nên đã phải tạm ngưng từ cuối năm 2012. Các dự án khác như Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất, Ethanol Phú Thọ, DAP 2 Hải Phòng; nhà máy gang thép Lào Cai… hiện cũng đang đội vốn mỗi dự án hàng nghìn tỷ đồng, phải đắp chiếu ngừng sản xuất và hoặc sản xuất cầm chừng.
Theo tính toán của TS. Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright tại TP.HCM), nếu cộng tất cả số lỗ lũy kế của 12 đại dự án nêu trên, con số thua lỗ đến thời điểm hiện nay sẽ đạt khoảng 64.000 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc gần đây nhất (ngày 21/4) với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, 16 cơ quan, bộ, ngành liên quan đến các dự án thua lỗ nêu trên, Tổ công tác cho rằng nếu căn cứ vào danh mục 189 nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện và báo cáo trong tháng 4/2017, thì có 15 nhiệm vụ đang bị quá hạn.
Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều đề nghị xin lùi thời hạn xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Chẳng hạn, Vinachem xin lùi thời hạn xử lý các vướng mắc liên quan đến hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng) đến tháng 9/2017; VnSteel đề nghị lùi thời hạn xử lý dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên đến quý II/2017 do cần phải đàm phán thêm với nhà thầu Trung Quốc.
Khó, nhưng không quá lo
Tổ công tác của Thủ tướng đã thống nhất quan điểm bắt buộc các tập đoàn, tổng công ty phải tính đến 3 phương án, hoặc là cổ phần hóa, hoặc giao bán khoán, hoặc là cho phá sản các dự án thua lỗ.
Tuy nhiên, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, việc thực thi các phương án này trên thực tế là rất khó khăn. Theo đó, nếu muốn thực hiện cổ phần hóa hay giao bán khoán thì điều kiện tiên quyết là phải có người mua. Trong khi đó, hầu hết các dự án đang thua lỗ, âm vốn, vì vậy ngay cả khi bán giá 0 đồng chưa chắc có người mua. Chưa kể, theo nguyên tắc xử lý thua lỗ và nợ xấu tại Việt Nam thường được áp dụng là “không làm thất thoát tài sản Nhà nước”, thì các phương án cổ phần hóa và giao bán khoán gần như không thực hiện được.
Còn đối với phương án phá sản, ông Tự Anh cho rằng đây là phương án gọn gàng nhất. Tuy nhiên, hiện nay quy trình phá sản bình thường tại Việt Nam phải kéo dài từ 5-7 năm mới hoàn tất các thủ tục. Đối với các dự án lớn như 12 đại dự án nêu trên thì thời gian phải kéo dài hơn rất nhiều và dẫn tới nhiều hệ lụy.
Mặc dù nêu khó khăn như vậy nhưng ông Tự Anh vẫn cho rằng giải pháp cho phá sản đối với các dự án không thể tái cơ cấu hoặc giao bán khoán được vẫn là cần thiết. Khi cho phá sản thì vấn đề giải quyết phúc lợi cho người lao động bị ảnh hưởng sẽ rất tốn kém. Tuy nhiên, hơn 10 năm trước, khi mà hàng ngàn các DNNN được cổ phần hóa, bán khoán và giải thể thì vấn đề tương tự cũng đã được giải quyết bằng quỹ hỗ trợ lao động thất nghiệp.
Do vậy, đối với 12 đại dự án thua lỗ này, Chính phủ cũng nên tính đến thành lập một quỹ hỗ trợ thất nghiệp tương tự để mạnh dạn cho các dự án phá sản. Bên cạnh đó, từ năm 2009, Việt Nam đã có chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Vì thế cũng không quá lo lắng nếu cho phá sản các dự án thua lỗ nêu trên.
Ở một góc độ khác, liên quan trực tiếp đến quy trình pháp lý, ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc sớm xử lý các tồn đọng vướng mắc, cũng như xác định rõ trách nhiệm các bên liên quan là cần thiết. Theo đó, các vấn đề tài chính, quyết toán, đầu tư cần được xem xét khách quan trên cơ sở nội dung nào thuộc về chuyên môn quản lý thì xử lý, còn không thì chuyển hồ sơ sang các cơ quan chức năng, chứ không nên đợi hoàn thiện tất cả các pháp lý mới tiến hành bóc tách từng dự án. Bởi các dự án thua lỗ hiện nay càng để lâu thì số lỗ lũy kế càng tăng lên, gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế.